Để nâng cao sức cạnh tranh với nông sản ngoại
Thực phẩm, trái cây của Mỹ, Australia, New Zealand... với giá rẻ đang ồ ạt vào Việt Nam. Ngành nông nghiệp phải làm gì để ứng phó, tránh nguy cơ đánh mất thị trường trên chính sân nhà?
Trước kia, người tiêu dùng Việt Nam thường phải chi trả 500 - 600 nghìn đồng/kg quả cherry của Mỹ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá của loại quả này đột ngột giảm mạnh. Nhiều đại lý bán buôn, siêu thị rao bán với giá 200 - 300 nghìn đồng/kg. Báo cáo của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trong thời gian qua, Việt Nam nhập khẩu 319 tấn cherry của Mỹ, đạt kim ngạch hơn 2,9 triệu USD, bình quân mỗi kg chỉ có giá hơn 200 nghìn đồng.
Giá quả cherry của Mỹ ngày càng rẻ |
Không chỉ trái cây, các mặt hàng thịt lợn, thịt gà giá rẻ nhập ngoại cũng đang ồ ạt vào Việt Nam. Báo cáo của Sở Công thương TP.HCM cho hay, lượng thịt lợn nhập khẩu qua cửa khẩu Hải quan TP. HCM trong 6 tháng qua đã tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ 2018, với hơn 5.647 tấn thịt heo, đạt kim ngạch 10,29 triệu USD. Đặc biệt giá trung bình một kg thịt lợn chỉ 30.000 đồng.
Cũng trong những tháng đầu năm 2019, cả nước nhập khẩu 62.400 tấn thịt gà các loại từ Mỹ với kim ngạch đạt 48,6 triệu USD, tính ra thịt gà nhập từ Mỹ về Việt Nam có giá siêu rẻ, chỉ dưới 18.000 đồng/kg.
Theo đánh giá của các chuyên gia, sở dĩ thực phẩm ngoại giá rẻ đang ồ ạt vào Việt Nam là do tác động của việc cắt giảm thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do, đồng thời ảnh hưởng của chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc. Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá, việc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang khiến nông sản Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam; cùng với đó, Hiệp định CPTPP có hiệu lực, sắp tới là EVFTA cũng sẽ là đòn bẩy đưa nông sản giá rẻ từ châu Âu, Nhật Bản vào Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với nông sản Việt Nam trên sân nhà.
Nông sản từ châu Âu, Mỹ có chất lượng và độ tin cậy cao, với giá cả cạnh tranh sẽ dễ dành được sự ưu ái của người Việt. Trong khi đó, việc quản lý và thực thi các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước cũng chưa đạt được những kết quả kỳ vọng, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng nội địa, nhiều mặt hàng tồn dư chất bảo vệ thực vật khiến người dùng ngần ngại với chính sản phẩm nội địa.
Với ngành chăn nuôi, TS. Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng lo lắng, các DN chăn nuôi có nguy cơ rơi vào tình cảnh thua lỗ, phá sản nếu không có sự chuẩn bị trước, linh hoạt ứng phó với áp lực cạnh tranh từ thịt ngoại. Hiện nay, trình độ chăn nuôi của các nước trong khối CPTPP như Australia, Canada, Nhật Bản... hoặc các nước khối EVFTA như Pháp, Hà Lan, Đức phát triển hơn Việt Nam rất nhiều.
Trước nguy cơ trên, các chuyên gia khuyến nghị, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có nhu cầu đối với thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có thương hiệu và giá cả cạnh tranh. Do vậy, muốn tồn tại ở thị trường trong nước, sản phẩm của ngành nông nghiệp cần phải đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc xuất xứ.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng khẳng định, ngành nông nghiệp phải coi thị trường trong nước với gần 100 triệu dân làm trọng để ưu tiên phục vụ. Bộ NN&PTNT sẽ giao Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản chủ trì rà soát, đánh giá về hiệu quả áp dụng của các biện pháp rào cản kỹ thuật hiện có để bảo vệ thị trường trong nước. Trong đó, đề xuất các mặt hàng cụ thể cần xây dựng các biện pháp kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế để hỗ trợ cho sự phát triển của các DN, sản phẩm Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng.
Đi cụ thể vào mục tiêu của chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, giai đoạn 10 năm trước đây được xem là chặng đường kêu gọi người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, DN Việt được tạo mọi điều kiện để tiêu thụ sản phẩm. Trong bối cảnh hiện nay, DN Việt Nam cần phải nâng cao ý thức để sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đa dạng bắt mắt thu hút người tiêu dùng, hay nói cách khác, hàng Việt cần phải chinh phục người Việt chứ không chỉ chờ vào sự ưu tiên của người dùng.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, ông Hải mong muốn các cấp, các ngành, cơ quan quản lý nhà nước đồng hành, hỗ trợ cùng DN nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt.