Điểm lại thông tin kinh tế tuần từ 11-15/3
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 14/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 13/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 12/3 | |
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 11/3 |
Tổng quan
Ngân hàng Nhà nước được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng một khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cấp tín dụng theo hình thức cho vay ngang hàng (P2P lending) để phát huy những mặt tích cực của sản phẩm dịch vụ này, đồng thời phòng ngừa và giảm thiểu các rủi ro và tác động tiêu cực đến các chủ thể tham gia, đảm bảo an toàn cho người dân và doanh nghiệp.
P2P Lending là mô hình kinh doanh dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người vay với người cho vay (nhà đầu tư), không thông qua trung gian tài chính. Theo đó, công ty P2P Lending cung cấp nền tảng giao dịch trực tuyến (Platform) để người vay kết nối trực tiếp vay mượn với người cho vay. Công ty P2P được hưởng phí dịch vụ từ cả nhà đầu tư và bên vay.
Hiện nay, P2P Lending đã phát triển ở nhiều nước khác nhau kể từ khi xuất hiện lần đầu ở Anh vào năm 2005. Theo thống kê, năm 2012, tổng dư nợ cho vay qua kênh P2P trên toàn cầu đạt khoảng 1,2 tỷ USD, năm 2015 con số này lên tới 64 tỷ USD, và dự báo có thể lên đến hơn 1.000 tỷ USD đến năm 2025.
Ưu điểm chính của cho vay P2P được xét trên ba đối tượng liên quan. Đối với bên vay, mô hình này giúp họ: tiếp cận được nguồn vốn trong trường hợp khó tiếp cận nguồn vốn chính thức, phí và lãi suất có thể thấp hơn so với cho vay tiêu dùng thông thường, đáp ứng nhu cầu vay nhanh hơn do thủ tục, qui trình đơn giản hơn so với vay tiêu dùng thông thường.
Đối với nhà đầu tư, mô hình này: cung cấp một kênh đầu tư, góp phần đa dạng hóa danh mục đầu tư, cung cấp nguồn thu hấp dẫn (lãi suất thường cao hơn gửi tiết kiệm hoặc đầu tư trái phiếu thông thường).
Đối với công ty P2P, đây là một lĩnh vực hoạt động mới, khai thác nền tảng công nghệ đã có, đem lại nguồn thu, đa dạng hóa hoạt động.
Mặc dù vậy, cho vay trực tuyến ẩn chứa nhiều rủi ro, chủ yếu đối với các nhà đầu tư. Ví dụ, cho vay trực tuyến là hoạt động nhận tiền đầu tư và cho vay không qua trung gian tài chính, nên hiện nay chưa phải tuân thủ các quy định về an toàn hoạt động cũng như các quy định về giám sát, kiểm soát chặt chẽ như với các tổ chức tín dụng hay công ty quản lý đầu tư.
Theo đó, hành lang pháp lý chưa có hoặc chưa đầy đủ, nên khi xảy ra rủi ro, các bên liên quan không chịu trách nhiệm hoặc không được giải quyết đền bù như thường lệ.
Ngoài ra, rủi ro đạo đức xảy ra khi: bên vay không trả được nợ (do khách quan hay cố ý, dù có thể được bù đắp một phần tư công ty P2P), và/hoặc công ty P2P dùng tiền đầu tư sai mục đích, quản lý kém hoặc phá sản (do khách quan hay cố ý), dẫn đến khả năng mất một phần vốn của nhà đầu tư. Nghiêm trọng là nhiều khả năng xảy ra những biến tướng của hình thức cho vay này như công ty P2P lừa đảo, áp dụng lãi suất và phí cao bất chấp khả năng trả nợ của bên vay; hoặc bên vay trốn tránh trả nợ…
Tại các quốc gia trên thế giới, quy định quản lý đối với hoạt động cho vay ngang hàng tập trung vào 3 vấn đề chính gồm: quy định về giới hạn đầu tư/cho vay của nhà đầu tư; quy định về tiêu chuẩn cấp phép, hoạt động và giám sát đối với tổ chức cung cấp nền tảng công nghệ; và quy định và hoạt động giám sát công bố thông tin.
Các quốc gia đều xem hoạt động này là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và phải được cơ quan thẩm quyền cấp phép. Tuy nhiên, theo cách nhìn khác nhau nên tại mỗi nước việc quản lý hoạt động P2P được giao cho các cơ quan khác nhau như Ngân hàng Trung ương, Cơ quan quản lý tài chính, Ủy ban Chứng khoán, Ủy ban Dịch vụ tài chính…
Trên thế giới, cho vay ngang hàng bùng nổ mạnh nhất tại Trung Quốc từ năm 2011, một phần là do tại Trung Quốc, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng nên đã tìm đến kênh cho vay này. Kết quả là, P2P Lending tại Trung Quốc thu hút tới 50 triệu người tham gia đầu tư với mức lãi suất từ 10%/năm trở lên, cao hơn gấp đôi mức lãi suất của ngân hàng.
Tính đến tháng 6/2018, thị trường cho vay ngang hàng của Trung Quốc có giá trị gần 218 tỷ USD. Tuy nhiên, do thiếu kiểm soát của Chính phủ, các công ty P2P tại Trung Quốc ngày càng hoạt động biến tướng với hình thức huy động vốn bất hợp pháp hoặc theo mô hình đầu tư đa cấp. Hậu quả là hàng loạt công ty P2P phá sản, chủ các công ty này ôm tiền chạy trốn. Chỉ trong vòng 2 tháng kể từ tháng 6/2018, hơn 400 công ty P2P đã dừng hoạt động và các nhà đầu tư không thể đòi lại tiền.
Tại Việt Nam, mô hình hoạt động này cũng chưa có khuôn khổ pháp lý chính thức. Hiện có 40 công ty P2P Lending đang hoạt động ở Việt Nam, trong đó có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số công ty từ Indonesia và Singapore.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, một số công ty trong số 40 doanh nghiệp này đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã khuyến cáo người dân nên cẩn trọng khi tham gia mô hình này.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu để có đề xuất xây dựng biện pháp quản lý phù hợp đối với các hình thức thanh toán mới dựa trên nền tảng công nghệ nói chung và hoạt động P2P Lending nói riêng.
Tại cuộc họp mới đây do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì với một số bộ, ngành liên quan để nghe Ngân hàng Nhà nước báo cáo về hoạt động P2P Lending, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị Chính phủ ban hành một nghị quyết để cho chủ trương thực hiện và Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cho phép thí điểm thực hiện để có thể tiến tới tổng kết, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý hoạt động này.
Tin trong nước
Thị trường ngoại tệ tuần từ 11-15/3, tỷ giá trung tâm vẫn được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh theo xu hướng tăng. Chốt tuần 15/3, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 22.957 VND/USD, tiếp tục tăng 11 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá mua giao ngay được Ngân hàng Nhà nước duy trì niêm yết ở mức 23.200 VND/USD. Tỷ giá bán ra được niêm yết ở mức thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá, phiên cuối tuần ở mức 23.596 VND/USD.
Tuần thứ 3 liên tiếp, tỷ giá liên ngân hàng chỉ dao động nhẹ xung quanh mức niêm yết mua giao ngay của Ngân hàng Nhà nước. Chốt tuần 15/3, tỷ giá giao dịch ở mức 23.205 VND/USD, tăng 5 đồng so với cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do ít biến động trong tuần vừa qua. Kết thúc ngày 15/3, tỷ giá tăng 20 đồng ở chiều mua vào trong khi không thay đổi ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch ở mức 23.220 - 23.230 VND/USD.
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong tuần vừa qua, đà giảm tuần trước đó của lãi suất liên ngân hàng VND tiếp tục gia tăng với mức độ mạnh hơn ở tất cả các kỳ hạn. Chốt tuần 15/3, lãi suất giao dịch quanh mức: qua đêm 3,28% (-0,56 điểm phần trăm); 1 tuần 3,34% (-0,56 điểm phần trăm); 2 tuần 3,42% (-0,64 điểm phần trăm); 1 tháng 3,70% (-0,50 điểm phần trăm).
Lãi suất liên ngân hàng đối với USD vẫn không có biến động mạnh ở tất cả các kỳ hạn. Cuối tuần 15/3, lãi suất đứng ở mức: qua đêm 2,50% (không thay đổi); 1 tuần 2,59% (-0,02 điểm phần trăm), 2 tuần 2,67% (-0,01 điểm phần trăm) và 1 tháng 2,81% (-0,03 điểm phần trăm).
Thị trường mở tuần từ 11-15/3, Ngân hàng Nhà nước chỉ chào thầu 8.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố đều với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,75%. Các tổ chức tín dụng hấp thụ được 7.588 tỷ đồng. Trong tuần có 13.961 tỷ đồng đáo hạn trên kênh này. Khối lượng lưu hành trên kênh này giảm xuống mức 7.588 tỷ đồng.
Lần đầu tiên kể từ đầu năm, trong 3 phiên cuối tuần qua, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 17.000 tỷ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước với kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 3,0%. Khối lượng này được các tổ chức tín dụng hấp thụ hết.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 23.374 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong tuần vừa qua.
Thị trường trái phiếu tuần qua, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 5.055/7.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 67%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được toàn bộ 3.000 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15 năm huy động được 2.055/3.000 tỷ đồng gọi thầu.
Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt lại 4,72% và 5,05% - tăng nhẹ 2 điểm và 5 điểm so phiên trước. Kỳ hạn 7 năm và 30 năm đấu thầu thất bại.
Thị trường chứng khoán có một tuần giao dịch tích cực trong tuần qua khi cả hai chỉ số đều tăng điểm khá mạnh và giá trị giao dịch duy trì ở mức cao. Chốt tuần 15/03, VN-Index đứng ở mức 1004,12 điểm, tăng mạnh 18,87 điểm (+1,92%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 2,22 điểm (+2,05%), lên mức 110,44 điểm.
Thanh khoản thị trường tương đương tuần trước đó với giá trị giao dịch ở gần 5.500 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng nhẹ hơn 84 tỷ đồng trên cả 2 sàn trong cả tuần qua.
VN-Index trong vòng 3 tháng gần đây - Nguồn: VNDIRECT |
Tin quốc tế
Trên thị trường tài chính quốc tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ có kết quả cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung trong vòng 3 đến 4 tuần nữa, đồng thời nhấn mạnh sẽ ký nếu đủ lợi ích cho nước Mỹ.
Cũng trong tuần qua, Anh trải qua hai cuộc bỏ phiếu, một bác bỏ dự thảo Brexit Thủ tướng May đưa ra và một thông qua vấn đề trì hoãn Brexit tới sau ngày 29/3. Hiện nước Anh đang phải giải thích rõ với Ủy ban châu Âu EC về lý do trì hoãn này.
Liên quan đến thông tin kinh tế, Mỹ đón nhận nhiều thông tin trái chiều, nổi bật lên là doanh số bán lẻ phục hồi mạnh mẽ trong tháng 1 sau khi suy giảm ở tháng 12/2018, trong khi chỉ số giá tăng yếu.
Tại Anh, sản lượng công nghiệp và tốc độ tăng trưởng GDP tháng đầu năm 2019 đểu cho kết quả tích cực hơn dự báo.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản BoJ không thay đổi mức lãi suất chính sách -0,1% trong kỳ họp vừa qua, nhận định kinh tế trong nước có tiềm năng tốt thông qua sự mở rộng của xuất khẩu và sản xuất.
Trong tuần này, thị trường chờ đợi kết quả từ cuộc họp chính sách Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ Fed, nhiều khả năng Fed sẽ giữ lãi suất chính sách hiện tại đang ở mức 2,25% - 2,5%.