Điểm nhấn trong bức tranh tái cơ cấu Agribank
Agribank Lào Cai - đột phá trong phát triển sản phẩm dịch vụ | |
Mở đường vốn cho nông sản sạch | |
Khẳng định vai trò đầu tàu trong xây dựng nông thôn mới |
Sau 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2013- 2015, đến nay, Agribank cơ bản đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu, phương án đã đề ra. Riêng về phát triển dịch vụ NH tiện ích, Agribank đạt được kết quả đầy ấn tượng. Doanh thu dịch vụ của Agribank tăng 22,2%, vượt mục tiêu Đề án tái cơ cấu đề ra tăng tối thiểu 12%/năm; tỷ lệ thu ngoài tín dụng đạt 12%, cao nhất từ trước tới nay. Agribank chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ (SPDV) đặc thù, hướng vào địa bàn nông nghiệp, nông thôn…
Tăng cả chất và lượng cho dịch vụ
Với gần 30 năm khẳng định vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, Agribank không chỉ được biết đến là NHTM đi đầu trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, mà còn đi đầu trong phát triển SPDV NH tiện ích. Với mục đích hướng đến và phục vụ tốt hơn khách hàng, trong tổng thể Đề án tái cơ cấu Agribank có riêng đề án về cải cách các dịch vụ của Agribank. Theo đó, Agribank giảm thiểu một cách tối đa quy trình tiếp cận và sử dụng dịch vụ, làm tăng sự hài lòng của khách hàng đối với SPDV của Agribank.
Agribank đang tiến đến đích là NH hiện đại đi đầu phát triển SPDV |
Để đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực quản lý và nhu cầu của khách hàng, Agribank đã đầu tư hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, đảm bảo xử lý thông suốt, kịp thời hoạt động giao dịch hàng ngày của hơn 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên phạm vi toàn quốc.
Được thiết kế theo tiêu chuẩn TIA-942, hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại của Agribank bao gồm 3 hệ thống: 1 Trung tâm điều hành, 2 Trung tâm dữ liệu hoạt động theo mô hình active - active, ứng dụng kiến trúc cơ sở dữ liệu Oracle Extended RAC, đảm bảo khả năng hoạt động và cung ứng dịch vụ liên tục, không gián đoạn, trong trường hợp một trung tâm bị sự cố thì vẫn đảm bảo hoạt động của toàn hệ thống.
Trên nền tảng công nghệ hiện đại, mạng lưới rộng lớn nhất lại được kết nối trực tuyến… Agribank thiết kế đa dạng SPDV phù hợp với từng phân khúc khách hàng như SPDV Huy động vốn, Tín dụng, Thanh toán trong nước, Thanh toán quốc tế, Thẻ, E-Banking… Đây là một trong những điểm nhấn tạo nên thế mạnh riêng có trong phát triển SPDV của Agribank về SPDV. Đến thời điểm này, Agribank có trên 200 SPDV NH tiện ích.
Đặc biệt, tại khu vực nông nghiệp, nông thôn là khách hàng chủ lực của NH nhưng khả năng tiếp cận SPDV hiện đại lại hạn chế do yếu tố địa lý. Để “phủ sóng” địa bàn nông thôn, Agribank tung ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng khu vực này như: Cho vay lưu vụ đối với hộ nông dân; cho vay chứng minh tài chính; cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ; cho vay về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, cho vay đối với khách hàng vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; cho vay theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP (nay là Nghị định 55), Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP…
Đột phá chiến lược
Trong Đề án tái cơ cấu Agribank có nội dung quan trọng đó là xây dựng sản phẩm, dịch vụ tiện ích phục vụ khách hàng tốt hơn. Vì vậy, Agribank chú trọng cải cách hành chính các hoạt động dịch vụ, mở rộng kênh phân phối, truyền thông quảng cáo để đông đảo khách hàng, cộng đồng biết đến, lựa chọn sử dụng các SPDV, nâng cao chất lượng phục vụ của giao dịch viên…
Việc cải cách thủ tục bằng phương thức đưa ra sản phẩm, dịch vụ tiện ích qua Internet Banking, Mobile Banking… tới khách hàng là rất quan trọng. Với xu hướng giao dịch điện tử tăng rất nhanh, bình quân mỗi năm tăng 30-35%, việc Agribank triển khai dịch vụ NH điện tử có thể hỗ trợ khách hàng giao dịch 24/24h, giảm nhiều thủ tục hành chính. Qua đó, NH cũng có điều kiện phục vụ khách hàng tốt nhất. Khách hàng đến giao dịch trực tiếp, Agribank thực hiện hình thức giao dịch một cửa tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian giao dịch.
Còn với khách hàng vay vốn, Agribank liên tục rà soát, sửa đổi, ban hành nhiều văn bản, cơ chế nghiệp vụ tín dụng, quy trình cho vay nhằm đổi mới, cải tiến theo hướng đơn giản hóa thủ tục cho khách vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay. Chỉ tính riêng từ tháng 11/2013 đến nay, đã có gần 300 văn bản về cơ chế, quy định, quy trình nghiệp vụ được Agribank ban hành, trong đó có trên 150 văn bản về lĩnh vực tín dụng.
Hoạt động trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt khi nhiều TCTD chuyển hướng về khu vực nông nghiệp, nông thôn, để đứng vững ở địa bàn này, trong Chương trình hành động giai đoạn 2016-2020, Agribank xác định tăng cường huy động vốn, cung cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế gắn với phát triển, đa dạng hóa SPDV, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Đồng thời, tiếp tục giữ vững vai trò chủ lực trong đầu tư, hỗ trợ phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính, tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Vì lẽ đó, Agribank chú trọng khâu đột phá chiến lược trong nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực tài chính; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng SPDV dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, tiên tiến.
Phát triển, mở rộng các kênh phân phối SPDV tới khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, đồng thời tiếp tục cải tiến, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, đổi mới quy trình giao dịch, tạo điều kiện bình đẳng cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân tiếp cận vốn tín dụng và sử dụng các SPDV NH là những mục tiêu quan trọng mà Agribank đặt ra trong chương trình hành động giai đoạn tới của NH.
Để đạt được mục tiêu trên, Agribank xây dựng và triển khai Đề án phát triển kinh doanh dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020; Phát triển dịch vụ NH tiện ích, tăng cường hoạt động quảng bá SPDV, triển khai các sản phẩm liên kết với các nhà cung ứng khác. Trên cơ sở phát huy lợi thế về mạng lưới, nguồn nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin để nghiên cứu, xây dựng các gói sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách hàng, từng lĩnh vực, nhanh chóng hình thành các sản phẩm đặc trưng của Agribank.
NH tiếp tục chú trọng nâng cấp, phát triển các kênh phân phối hiện đại như Mobile Banking, Internet Banking, ATM, EDC/POS và các kênh phân phối mới. Đổi mới, chuẩn hóa quy trình giao dịch, giảm thiểu hồ sơ thủ tục theo hướng một cửa, tiết giảm chi phí, thời gian giao dịch, sớm đưa vào vận hành Trung tâm hỗ trợ khách hàng… tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ NH.
Với mục đích đưa vốn đến tay người nông dân được thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn, Agribank tăng cường cho vay qua tổ nhóm, đề xuất Thống đốc NHNN cho phép triển khai mô hình “điểm giao dịch” và “NH lưu động”.
Với bước chuyển rõ nét từ nhận thức đến hành động, cùng sự đồng thuận, quyết tâm cao của toàn hệ thống, Agribank đang tiến đến đích là NH hiện đại đi đầu phát triển SPDV, trao cho khách hàng nhiều tiện ích giao dịch, thanh toán, góp phần đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.