DN có thể gửi thẳng kiến nghị lên Thủ tướng
Cần một “mô hình nghị quyết 19+” | |
Hội thảo triển khai Nghị quyết 19 của Chính phủ |
“Thủ tướng kiên quyết đến đâu, các Phó Thủ tướng quyết liệt thế nào, và các Bộ trưởng làm ra sao…”, đó là nội dung một số nhà báo đã tranh thủ chuyển tải tới ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19-2016/NQ-CP.
Các bộ chưa muốn buông quyền lợi
Đây là lần thứ 3 Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhưng nhìn lại việc thực hiện 2 Nghị quyết trước, và tình hình hiện nay cho thấy “ở mức độ nào đó, vẫn còn sự trì trệ, thờ ơ của các bộ”.
Chính phủ cam kết bảo vệ môi trường an toàn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất |
Các DN cho rằng nhiều bộ chưa muốn buông quyền lợi. TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: tôi có đi khảo sát “Một cửa quốc gia” ở một số nơi, người ta báo cáo có 23/100 thủ tục đã được kết nối. Nhưng thực chất những thủ tục đã được kết nối này là thủ tục ít ảnh hưởng đến DN, ít thay đổi đến quyền và nhiệm vụ các bộ…
Theo báo cáo của CIEM, sau các năm 2014 và 2015 triển khai 2 Nghị quyết 19 năng lực cạnh tranh (NLCT) của Việt Nam đã tăng được 12 bậc, môi trường kinh doanh (MTKD) cũng tăng được 3 bậc, nhưng nhiều chỉ tiêu bị tụt bậc, còn nhiều chỉ số Việt Nam chưa đạt yêu cầu.
Một loại chỉ tiêu có sự cải… “lùi” như: Thời gian cấp phép xây dựng kéo dài thêm 52 ngày kéo thời gian từ 114 ngày lên 166 ngày, chủ yếu nằm ở việc cấp phép xây dựng. Đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản tăng thêm 1 thủ tục… giao dịch thương mại qua biên giới giảm 1 bậc do những bất cập trong quản lý chuyên ngành.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: “Thách thức lớn nhất vẫn là rút ngắn khoảng cách giữa quy định và thực thi”. Đặc biệt trong năm 2016, ngoài giải quyết vấn đề của năm 2014 - 2015 thì thách thức lớn nhất là giảm tỷ lệ nộp thuế và BHXH/lợi nhuận và thời gian thông quan. Thứ trưởng Tuấn cho biết, có đến 72% thời gian thông quan đang phụ thuộc vào 13 bộ ngành, liên quan đến 87 luật, nghị định, thông tư.
Theo đại diện Bộ NN&PTNT, trọng tâm của Nghị quyết 19 là cải cách hành chính, đây là vấn đề liên quan đến con người, do vậy nếu người đứng đầu không quan tâm và giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện thì khó có kết quả thiết thực.
Thực tế cho thấy, với sự quyết liệt của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, thời gian qua Bộ này đã rà soát, đơn giản hóa, hủy bỏ, sửa đổi hàng trăm thủ tục hành chính trong lĩnh vực: Thủy sản, lâm nghiệp, trồng trọt, phân bón, chăn nuôi, kiểm tra cấp giấy chứng nhận thức ăn chăn nuôi...
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng thành lập bộ phận một cửa để tiếp nhận, giải quyết tất cả các câu hỏi, kiến nghị của DN, địa phương; thực hiện đúng kế hoạch 9 thủ tục hải quan một cửa...
Tuy nhiên, đại diện Bộ NN&PTNT cũng thừa nhận, việc thực hiện Nghị quyết 19 của Bộ NN&PTNT vẫn còn những tồn tại cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới...
Thách thức hiện nay vẫn là thực thi
Từ thực tiễn cải thiện MTKD tại TP. HCM, “mặc dù rất nỗ lực nhưng vẫn chưa tạo ra được đột phá” , Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho rằng thách thức hiện nay vẫn là thực thi, trong đó, đội ngũ cán bộ công chức đóng vai trò rất quan trọng. Họ cần biết “ai cần ai, ai phục vụ ai” để thực thi tốt hơn công việc của mình.
“Tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là quyết liệt đổi mới, xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân, DN sản xuất, kinh doanh. Hy vọng tinh thần đó sẽ được “thấm” xuống các bộ ngành, địa phương. Sự trì trệ, thờ ơ sẽ mất dần, và thay vào đó là sự chủ động tích cực theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm”..., Viện trưởng CIEM kỳ vọng.
Ông Lê Mạnh Hà khẳng định lại việc Chính phủ cam kết bảo vệ môi trường an toàn, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh. Chính phủ sẽ vào cuộc, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 19 của các bộ, ngành, địa phương một cách chặt chẽ, thường xuyên; các kiến nghị của DN sẽ được giải quyết dứt điểm và công khai kết quả giải quyết trên trang thông tin điện tử... nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Ông Hà nói: “Thông tư cứ cấm cái này, cái kia. Nếu cần cấm, thì đã có trong luật rồi, thông tư không thể cấm được”. Và lời khuyên với doanh nghiệp: “Thủ tướng có quyền đình chỉ hoặc bãi bỏ văn bản của bộ trưởng, chủ tịch tỉnh ban hành sai luật... Thủ tướng vào cuộc nhanh hơn. Các doanh nghiệp có thể gửi văn bản kiến nghị trực tiếp lên Thủ tướng Chính phủ nếu các văn bản cấp bộ gây phiền hà trong làm ăn kinh doanh. Chúng ta phải thử một vài trường hợp”.