Cần một “mô hình nghị quyết 19+”
Còn nhiều thủ tục rườm rà | |
Đẩy mạnh cải cách để củng cố niềm tin kinh doanh | |
Đổi mới và đột phá chiến lược đến bao giờ? |
Một Nghị quyết cải cách mới với tầm nhìn dài hạn và độ bao phủ rộng khắp các lĩnh vực, khía cạnh của môi trường kinh doanh đang là sự mong mỏi của các DN đối với cả Chính phủ và Quốc hội.
Trong cuộc đối thoại đầu tiên giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng đông đảo các thành viên Chính phủ, với cộng đồng DN, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã thẳng thắn “đề nghị Chính phủ xây dựng lộ trình cải cách thể chế và tăng cường kỷ luật thực thi cho cả nhiệm kỳ 5 năm với những mục tiêu, khung thời gian và quy trách nhiệm cụ thể cho từng thủ trưởng các bộ, ban, ngành và địa phương “theo mô hình nghị quyết 19+”.
Theo giải thích của ông Lộc, “mô hình nghị quyết 19+” sẽ kế thừa tinh thần cải cách của các Nghị quyết 19 của Chính phủ trước đó, nhưng có phạm vi mở rộng ra tất cả các lĩnh vực cải cách thể chế, với yêu cầu cao hơn và trong một số lĩnh vực có thể vượt qua chuẩn tiên tiến của ASEAN, vươn tới chuẩn của các nước thành viên TPP hay EU.
“Nghị quyết này nên được trình ra Quốc hội để tăng cường kỷ luật thực thi. Sự giám sát của Quốc hội, sẽ tạo áp lực giúp bảo đảm kỷ luật thực thi trong các cơ quan Chính phủ và các cấp chính quyền, khép lại khoảng cách giữa lời nói và việc làm, giữa nghị quyết và cuộc sống”, ông Lộc nói.
Lời đề nghị này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế dù đã có sự phục hồi và ổn định nhưng rất nhiều DN, đặc biệt là các DN tư nhân trong nước, vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Ảnh minh họa |
Có lẽ không chỉ riêng cộng đồng DN đang cảm thấy sốt ruột với những rào cản hiện tại, mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có chung suy nghĩ. Ngay tại buổi đối thoại, Thủ tướng đã đưa ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đứng đầu trong khu vực. Nhưng để đạt được mục tiêu đó, điều chắc chắn là phải loại bỏ được những khó khăn và rào cản đối với sự phát triển của cộng đồng DN hiện tại.
Theo số liệu của VCCI, trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây, kể từ ngày có Luật DN, ở nước ta đã có 941.000 DN được đăng ký thành lập. Tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 513.000 DN còn hoạt động (chiếm 54,5%), 428.000 DN ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lý do khác nhau (chiếm 45,5%).
Dẫu biết rằng các DN ngừng hoạt động hay giải thể là lẽ tự nhiên trong nền kinh tế thị trường, nhưng điều đáng nói là khoảng một nửa số DN ngừng hoạt động hoặc giải thể nói ở trên diễn ra chỉ trong giai đoạn 3 năm gần đây và vẫn đang có xu hướng gia tăng, ông Lộc chia sẻ.
Và khi các con số về tình hình hoạt động của DN trong quý I/2016 được công bố với gần 23.000 DN ngừng hoạt động và giải thể, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước, thì nhiều chuyên gia kinh tế cũng như lãnh đạo DN đã lên tiếng cảnh tỉnh về tình trạng sức khỏe của DN trong nước hiện tại.
Thực tế không phải đến tận bây giờ Chính phủ mới nhận ra tầm quan trọng của việc cải cách môi trường kinh doanh. Sự kiện Thủ tướng cùng các thành viên Chính phủ gặp đối thoại với các DN ngay sau khi Chính phủ mới được thành lập đã cho thấy sự quan tâm của Chính phủ về vấn đề này. Ngay cả bản thân Thủ tướng trong những phát biểu trước đó cũng thừa nhận rằng, môi trường kinh doanh vẫn còn những vướng mắc, mà ông mô tả là tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”.
Trong một bối cảnh như vậy, rõ ràng yêu cầu có một “mô hình nghị quyết 19+” như lời ông Lộc nói là cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho DN.
Để thực hiện được mô hình đó, có lẽ việc trước mắt chính là tiến hành ngay việc tổng rà soát các quy định pháp luật về kinh doanh, các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh đang còn hiệu lực, theo như chỉ đạo của Thủ tướng về Luật Đầu tư và Luật DN cuối tháng 4 vừa qua.
Ông Lộc cho rằng, Chính phủ cũng cần đề nghị Quốc hội sửa một số luật chuyên ngành, bảo đảm tính nhất quán của hệ thống pháp luật.