DN FDI tác động mạnh đến thị trường
Ảnh minh họa |
Lần đầu tiên kể từ năm 2012, Việt Nam thoát cảnh thâm hụt cán cân thương mại với xuất khẩu tăng trung bình 22%/năm trong giai đoạn 2010-2014 và nhập khẩu tăng 16%. Nguồn vốn FDI đạt 22,76 tỷ USD trong năm 2015 (tăng 12,5% so với 2014) trong đó có bất động sản (10,5% tổng vốn FDI).
Mô hình phát triển kinh tế này được dự đoán là sẽ tiếp tục trong những năm tới khi Việt Nam ngày càng hòa nhập với thị trường thế giới, hỗ trợ bởi nguồn vốn đầu tư nước ngoài và các hiệp định thương mại tự do (FTA). Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức có hiệu lực (ngày 1/1/2016), được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cũng như khu vực và trở thành điểm đầu tư hấp dẫn hơn.
Năm 2015, số DN thành lập mới tăng 26,6% và số vốn tăng tới trên 39%, số DN phục hồi hoạt động trở lại cũng tăng rất cao. Nhưng dưới góc nhìn của những người quản lý vĩ mô, thì nếu chỉ có 500.000 – 600.000 DN như hiện nay thì quá ít, con số này phải là 2 triệu, hoặc nhiều hơn nữa, có chiến lược đầu tư tốt, khả năng cạnh tranh cao thì đất nước mới phát triển bền vững được.
Việt Nam đặc biệt quan tâm và chú ý nhiều đến DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI), vì họ có những vai trò riêng, trong lúc DN Việt lại đang thiếu hụt nguồn lực về vốn, kinh nghiệm, khoa học công nghệ… Những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang được các nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận.
Thêm nữa, không chỉ là nơi sản xuất thay thế rẻ hơn và hiệu quả hơn nước láng giềng Trung Quốc và các nước ASEAN khác, mà Việt Nam còn có nền chính trị ổn định. Tương lai càng rộng mở hơn bởi Việt Nam đã và sẽ tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA Việt Nam – EU…
Thực tế, các nhà đầu tư đã đến Việt Nam tìm kiếm đối tác, chọn địa điểm đặt nhà máy hay chỉ đơn giản là tăng vốn nhằm tăng thị phần chờ các FTA có hiệu lực. Tỷ phú Thái Lan Vikrom Kromadit, người sáng lập Tập đoàn Amata tâm sự, Amata mong muốn đạt được con số 1.000 km2 tổng diện tích các khu công nghiệp tại Đông Nam Á trong tương lai (hiện tại tập đoàn mới đạt được 100 km2).
Ông Vikrom vẫn đang âm thầm hiện thực hóa ước mơ của mình dù rằng, năm 2015 Amata Việt Nam đóng góp chưa tới 10% doanh thu của cả tập đoàn. Hay thông tin Tổ hợp Samsung CE Complex (SEHC) tại khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh được nâng vốn đầu tư từ 1,4 tỷ USD lên 2 tỷ USD, góp phần củng cố niềm tin với các nhà đầu tư sản xuất đến với Việt Nam.
Thị trường bất động sản Việt Nam hưởng lợi từ những sự phục hồi của nền kinh tế và tạo tâm lý tích cực cho các chủ đầu tư.