DN logistics Việt: Học hỏi để phát triển
Thu hẹp khoảng cách với các DN ngoại | |
“Đánh thức” tiềm năng doanh nghiệp logistics |
Chi phí cao, giảm sức cạnh tranh
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2016 ngành dịch vụ logistics của Việt Nam xếp hạng thứ 64/160 quốc gia, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Thái Lan và Malaysia). Mặc dù vậy, chi phí logistics ở nước ta còn ở mức cao, tổng chi phí logistics của Việt Nam năm 2016 là 41,26 tỷ USD, tương đương 20,8% GDP (trong khi các nước phát triển chỉ từ 9% đến 14%), nhưng đóng góp từ ngành dịch vụ này vào GDP chỉ khoảng 2%-3%.
DN Việt Nam chủ yếu cung cấp các dịch vụ logistics nội địa |
Theo tính toán, mức chi phí logistics ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, hơn Malaysia 12% và cao hơn tới 3 lần so với Singapore. Điều này đã gián tiếp làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và hàng hóa Việt Nam nói riêng trên thị trường quốc tế.
Ban chấp hành Hiệp hội VLA cũng đưa ra nhận xét, chi phí logistics Việt Nam cao do chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ quá cao; Phụ phí tại cảng biển mà chủ tàu container nước ngoài đang thu từ chủ hàng Việt Nam; Hạn chế về kết cấu hạ tầng cảng biển gắn liền với phương tiện sau cảng; Các chi phí kiểm tra chuyên ngành. Chi phí logistics chiếm tỷ trọng 91% (vận tải 59%, xếp dỡ 21%, lưu trữ 11%).
Trên thực tế, chi phí cho dịch vụ logistics ở Việt Nam cao do công tác quy hoạch hạ tầng logistics thiếu hiệu quả. Thế nên các quy hoạch cảng biển, cảng cạn (ICD), Trung tâm logistics, depot, bãi đậu xe tải – xe container, khu công nghiệp… cần được xem xét ở góc độ liên ngành và liên vùng… Ông Nguyễn Duy Minh-Tổng thư ký VLA cho biết, theo tính toán của WB, ngành logistics của Việt Nam có thể tiết kiệm 15 tỷ USD/năm nếu tối ưu hóa được chi phí dịch vụ logistics.
Nâng cao năng lực và phát triển tiềm năng
Theo VLA, cùng với tăng trưởng của GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, giá trị bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, trong thời gian qua dịch vụ logistics có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt 15-16%. Tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 30-35%/.
Mặc dù nhiều lợi thế phát triển, thế nhưng đến nay, ngành logistics Việt Nam vẫn yếu thế hơn so với các nước trong khu vực. DN Việt Nam chủ yếu cung cấp các dịch vụ logistics nội địa như: dịch vụ vận tải nội địa, dịch vụ cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ kho bãi, bốc dỡ hàng hóa…, và đảm nhận một phần dịch vụ logistics quốc tế thông qua làm đại lý cho các DN nước ngoài là các chủ hàng, chủ tàu, các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế thuê lại (làm dịch vụ thứ cấp).
DN Việt nắm giữ nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ họat động logistics nhưng hoạt động còn đơn lẻ, chỉ phục vụ từng phân khúc nhất định, thiếu sự kết nối xuyên suốt để cung cấp dịch vụ tích hợp.
Về tiềm năng của logistics, ông Minh cho biết, việc ký kết và thực hiện 20 Hiệp định FTA thế hệ mới sẽ thúc đẩy sản xuất, thương mại và đầu tư phát triển mạnh mẽ, qua đó tạo tiền đề cho hoạt động logistics phát triển vượt bậc trong thời gian tới. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017 là 214 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 (khoảng 21,1%).
Bên cạnh việc tăng nhanh của xuất khẩu là việc mở rộng sản xuất công nghiệp và thị trường vận chuyển nhanh hàng hóa tiêu dùng, nhất là vận tải hàng đông lạnh và hoa quả xuất khẩu, đây là một trong những dịch vụ logistics tiềm năng nhất của Việt Nam.
Thị trường vận tải hàng hóa bằng đường hàng không sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Các nhà đầu tư của Nhật Bản và Hàn Quốc đang tăng cường đầu tư vào kho đông lạnh và vận tải hàng đông lạnh và hoa quả tươi sẽ tạo ra một xung lực mới cho hoạt động logistics.
Theo lãnh đạo VLA, kết cấu hạ tầng logistics đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ với việc Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển đường cao tốc Bắc-Nam theo từng giai đoạn; Phát triển sân bay Vân Đồn - Quảng Ninh (đưa vào sử dụng trong 2018); Phát triển sân bay quốc tế Long Thành. Cùng với đó, Việt Nam và Lào đã nhất trí xây dựng đường cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội; Việt Nam và Campuchia đã thông qua kế hoạch làm đường cao tốc Nông Pênh - TP.HCM… Các dự án này đi vào hoạt động sẽ tạo thuận lợi cho vận tải xuyên biên giới trong khu vực...
Khẳng định logistics là một ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế, nhất là tại TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn của cả nước, ông Hà Ngọc Sơn - Trưởng Phòng XNK, Sở Công thương TP.HCM cho biết, thành phố đã lập đề án phát triển ngành logistics thành phố đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu kéo giảm chi phí thấp nhất có thể. TP. HCM đang quy hoạch để hình thành các “trung tâm logistics” nằm ở các thị trường tiêu thụ lớn, vùng sản xuất tập trung, gần hoặc có thể kết nối với cảng; tích hợp đầy đủ khép kín các dịch vụ; hoạt động như một cảng, bãi container, kho ngoại quan…
“Hầu hết các công ty logistics đa quốc gia trong Top 50 đã và đang hoạt động tại Việt Nam. Các DN cung cấp dịch vụ logistics nước ngoài và các công ty cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia tại Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong thị trường này ở Việt Nam. Trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, DN Việt sẽ tận dụng cơ hội để tiếp cận công nghệ và phát triển mạnh mẽ hoạt động logistics”, ông Hiệp nói.