DNNVV tiếp tục là người vay quan trọng
Ảnh minh họa |
Theo báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đầu tư tư nhân đang được cải thiện tích cực. Đặc biệt, tín dụng NH đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực này, trong đó có DN tư nhân và tiêu dùng cá nhân.
Hiện nay, trong số các DN tư nhân thì DNNVV chiếm phần lớn, khoảng 97% tổng số DN đang hoạt động. Tuy nhiên, khối DN này có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Với mục tiêu đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của DNNVV trong điều kiện tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ đã triển khai hệ thống chính sách đồng bộ thông qua việc tạo môi trường thuận lợi cho DNNVV về hành lang pháp lý, trợ giúp tiếp cận các nguồn lực phát triển như: vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường. Trong đó, nguồn vốn tín dụng NH có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ DNNVV từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Báo cáo mới đây của NHNN gửi các đại biểu Quốc hội cũng cho thấy, mặc dù tín dụng giai đoạn 2011 - 2014 tăng bình quân khoảng 12,6%/năm (dự kiến năm 2015 tăng khoảng 17%), thấp hơn rất nhiều so với mức tăng bình quân 33,3%/năm của giai đoạn 2006 - 2010, nhưng cho vay DNNVV lại tăng 13%.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng bên hành lang kỳ họp Quốc hội khóa XIII mới đây, ông Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian qua các DN tư nhân, DNNVV đã được quan tâm với nhiều chính sách ưu tiên, tập trung tháo gỡ khó khăn… trong đó có lĩnh vực tiếp cận nguồn tín dụng NH.
Ông Lịch cũng đánh giá cao cách thức tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân qua chương trình kết nối NH - DN. Đơn cử như tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều DN về nguyên tắc là không được vay, nhưng NH đã bàn với chính quyền địa phương sàng lọc, rà soát DN nào có khả năng phục hồi để NH tiếp tục cho vay. Với cách thức như vậy, toàn thành phố đã phục hồi hơn 5.000 DN tưởng như “chết”, nay quay lại sản xuất kinh doanh hiệu quả, trả nợ tốt…
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia kiến nghị, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ DNNVV về vốn, đặc biệt cân nhắc có chính sách ưu đãi cho DN vay đổi mới công nghệ với mức lãi suất thấp, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
Lãnh đạo một vụ chức năng của NHNN cho biết, về phía các TCTD, nhận thức được tầm quan trọng của đối tượng khách hàng là các DNNVV đối với nền kinh tế nói chung và hoạt động kinh doanh NH nói riêng, nhiều TCTD đã xây dựng chính sách khách hàng riêng để cho vay các DNNVV.
Đặc biệt, các sản phẩm dịch vụ đi kèm với hoạt động tín dụng đối với các DNNVV ngày càng đa dạng, tiện ích như hoạt động cho vay thấu chi qua tài khoản, thực hiện bảo lãnh, thanh toán quốc tế, bao thanh toán, tư vấn đầu tư, tài trợ xuất nhập khẩu… Các giải pháp này đã góp phần tạo lòng tin và mối quan hệ gắn bó giữa NH và các DNNVV.
Quy trình, thủ tục cấp tín dụng đối với DNNVV cũng ngày càng đơn giản, phù hợp, tạo điều kiện cho DN được tiếp cận vốn dễ dàng. Đồng thời, các TCTD còn chủ động tư vấn và liên kết các DNNVV với nhau để tạo ra chuỗi sản xuất kinh doanh, qua đó cho vay vốn khép kín từ khâu sản xuất - thu mua - chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều NHTM đã chọn phân khúc khách hàng DNNVV là đối tượng chủ đạo để triển khai hàng loạt chương trình tín dụng ưu đãi, khiến cho phân khúc này luôn tạo sức ép cạnh tranh lớn về dịch vụ tài trợ thương mại giữa các NH. Đã có NHTMCP ký kết và khởi động dự án với đối tác nước ngoài chỉ để nâng cao năng lực cạnh tranh phân khúc khách hàng DNNVV, điều này phần nào cho thấy các NH coi trọng DNNVV như thế nào và dự báo sự tăng trưởng tín dụng vào khu vực DNNVV trong thời gian tới.