Doanh nghiệp chưa tận dụng các cơ hội
Kêu gọi tổ chức xã hội tham gia lộ trình thực thi Hiệp định VPA/FLEGT | |
Doanh nghiệp được hỗ trợ hải quan và trực tuyến |
“Quy định xác định trước” - rất nhiều DN chưa biết
Ông Đặng Thái Thiện, Phó trưởng phòng Giám sát quản lý – Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu biết tận dụng “Quy định xác định trước” sẽ mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho DN xuất nhập khẩu.
Quy định xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, gọi tắt là “Quy định xác định trước” được ngành Hải quan Việt Nam áp dụng nhằm thực hiện các cam kết về cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan theo cam kết khi tham gia Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) của WTO, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người khai hải quan và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trên thực tế, việc xác định trước trị giá hải quan giúp DN ước tính trước số thuế phải nộp khi làm thủ tục thông quan; xác định trước mã số hàng hóa sẽ hạn chế phát sinh việc tranh cãi giữa người khai hải quan và hải quan cửa khẩu. Việc thực hiện quy định xác định trước các thông số liên quan đến hàng hóa cũng làm minh bạch và thống nhất thủ tục hải quan trên toàn quốc, ngăn chặn hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức hải quan.
“Hiệp định TFA sẽ thúc đẩy sự di chuyển, thông quan hàng hóa qua biên giới, tạo ra giai đoạn mới cho cải cách thuận lợi hóa thương mại trên thế giới, đồng thời tạo ra sự thúc đẩy mới cho thương mại và hệ thống thương mại đa phương”, bà Vân cho biết. Việc thực thi đầy đủ TFA được dự báo sẽ làm giảm chi phí thương mại của các thành viên xuống mức bình quân 14,3%, với hầu hết các nước đang phát triển đều có lợi.
TFA cũng có khả năng tiết kiệm 1.5 ngày thời gian thông quan hàng nhập khẩu (giảm 47% so với mức trung bình hiện tại) và tiết kiệm gần 2 ngày thời gian thông quan hàng xuất khẩu (giảm 91% so với mức trung bình hiện tại). Cũng theo nghiên cứu của WTO, khi thực thi TFA, các nước đang phát triển sẽ tăng số lượng sản phẩm xuất khẩu mới lên 20%, các nước kém phát triển sẽ tăng 36%.
Dù lợi ích từ việc áp dụng “Quy định xác định trước” là rất rõ ràng, nhưng theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến nay, cả nước mới có hơn 500 hồ sơ xác định trước mã số hàng hóa, 5 trường hợp xác định trước giá trị hải quan và chưa có hồ sơ nào xác định trước về xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Những con số này cho thấy, còn rất nhiều DN chưa nắm bắt thông tin, quy trình xác định trước vào hoạt động xuất nhập khẩu.
Chưa chủ động trong đối thoại
Lý giải vì sao Hiệp định TFA mang lại nhiều lợi ích nhưng chưa phát huy được tác dụng, ông Đặng Thái Thiện cho rằng, do chưa nắm bắt được thông tin. Điều này, dẫn đến có một số DN xảy ra tranh cãi với cơ quan hải quan khi xin xác định thông số hàng hóa.
Tuy nhiên, một số DN phản ánh, thủ tục xin xác định trước hiện nay quá phức tạp như phải cung cấp vận đơn, hợp đồng mua bán, hóa đơn thanh toán… trong khi những chứng từ này chỉ có sau khi đã giao dịch, như vậy thủ tục “xác định trước” trở thành “xác định sau” và không còn ý nghĩa gì với DN.
Chia sẻ với các DN Việt Nam, ông Nestor Scherbey chuyên gia Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GATF) cho biết, thủ tục xin xác định trước về mã số, xuất xứ và định giá hải quan ở các nước khác trên thế giới khá đơn giản, chỉ bao gồm đơn đề nghị xác định trước, mẫu hàng hóa hoặc thông số kỹ thuật, vật liệu tạo ra sản phẩm.
Ông Nestor Scherbey góp ý, để “Quy định xác định trước” đến được với nhiều DN và phát huy hiệu quả trong việc tạo thuận lợi thương mại, các cơ quan quản lý của Việt Nam cần nhanh chóng đơn giản hóa các thủ tục. Đơn cử như việc thay thế các chứng nhận kiểm tra chuyên ngành bằng việc áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, hay cấp thư xác nhận kèm theo điều kiện ràng buộc cho DN.
Bà Cao Thị Phi Vân cũng cho rằng, bất cứ một quy định nào khi đưa vào áp dụng thực tế đều cần sự nỗ lực từ hai phía: cơ quan thực thi và đối tượng điều chỉnh. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành hải quan đã nỗ lực cải cách, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện để DN tiết kiệm thời gian, chi phí thông quan.
Tuy nhiên, các DN cũng cần phải chủ động tìm hiểu các quy định và quy trình để áp dụng đúng và phù hợp. Điều này không chỉ giúp cơ quan quản lý giải quyết thủ tục nhanh chóng mà còn là cơ hội để DN tận dụng được những ưu đãi chính đáng vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ “Hầu hết các DN Việt Nam hiện nay là DNNVV, thậm chí siêu nhỏ, chỉ tập trung vào sản xuất mà chưa thật sự quan tâm đúng mức cho việc tìm hiểu các chính sách, quy định liên quan tới thương mại hàng hóa.
Đây là thiếu sót và cũng là thiệt thòi cho chính DN. Trong bối cảnh hội nhập với nhiều hiệp định thương mại quốc tế, các DN Việt Nam phải ý thức việc nắm bắt thông tin và kỹ năng áp dụng các quy định mới có thể nắm bắt cơ hội tham gia vào thị trường thế giới”.
Trước những quan điểm trên, ông Thiện cho biết: “Chúng tôi sẽ cung cấp và tham dự tất cả các khóa huấn luyện cho DN thấy những lợi ích của các hiệp định để tận dụng”.