Doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ tìm kiếm cơ hội
Kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi cung ứng | |
EVFTA sẽ là cơ hội vàng cho ngành công nghiệp hỗ trợ | |
Nhiều rào cản ngăn doanh nghiệp Việt kết nối với chuỗi cung ứng |
Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp trong ngành công nghiệp hỗ trợ năm 2019 tại TP.HCM được tổ chức khiến các DN công nghiệp hỗ trợ (đa số là DNNVV) háo hức tìm kiếm cơ hội cũng như giới thiệu mặt hàng cung ứng của mình cho 25 DN FDI và DN sản xuất đầu cuối với mong muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN lớn này.
Công nghiệp hỗ trợ góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh |
Ông Nguyễn Dương Hiệu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty CP Công nghiệp & Thương hiệu LIDOVIT cho biết, mặc dù đang cung ứng ổn định cho Samsung và một số nhà sản xuất khác nhưng LIDOVIT vẫn tham gia hội nghị để tìm cơ hội tiếp cận thêm khách hàng.
"DN Việt phải chủ động đầu tư để ngoài vấn đề chính là năng lực sản xuất, chất lượng, giá cả sản phẩm, còn có khả năng kết nối hiệu quả vào hệ thống của các DN sản xuất nước ngoài, cạnh tranh công bằng với các nhà cung ứng khác. Muốn thành công, DN phải đầu tư đồng bộ vào hệ thống công nghệ phù hợp, hệ thống quản trị tiên tiến và nguồn nhân lực để sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý. Từ đó có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. DN chúng tôi vẫn đang phấn đấu để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN thương hiệu lớn" - ông Hiệu chia sẻ những đúc kết của mình.
Trong khi đó, ông Đặng Quốc Tiến, Phó Giám đốc công ty TNHH thiết kế chế tạo Nhật Minh cho biết, DN hiện đang sản xuất cung ứng một số linh kiện cho các công ty lớn trong nước như Samco và chỉ là nhà cung ứng cấp 2 cho Samsung. DN đã được tham gia các khóa đào tạo quản lý do Samsung phối hợp với Bộ Công thương tổ chức và đã nâng cao được hiệu quả trong quản lý sản xuất. Tuy nhiên, để phấn đấu trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung thì DN còn cần đầu tư cũng như đổi mới hệ thống quản trị của mình rất nhiều. Đến hội nghị lần này, DN cũng mong muốn tìm kiếm thêm khách hàng mới để từng bước tái đầu tư cải tiến sản xuất tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trên thực tế, mỗi nhà sản xuất đầu cuối đều có nhu cầu, tiêu chí mua hàng khác nhau nên nhà cung cấp nội địa khó đáp ứng được 100%. Kinh nghiệm thành công của Samsung khi phát triển được nhiều nhà cung cấp hỗ trợ nội địa là do họ chủ động đào tạo, hướng dẫn các DN hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất theo yêu cầu của mình..
Đứng ở góc độ nhà đầu tư, ông Ngô Bảo Anh - đại diện của Công ty Panasonic Việt Nam chỉ ra rằng, các nhà mua hàng ngày càng đòi hỏi cao hơn đối với các nhà cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, về chất lượng, ngoài việc phải đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, các quy trình sản xuất, bảo quản linh kiện nguyên vật liệu, kiểm soát chất lượng... các nhà cung cấp còn phải đáp ứng các tiêu chí về tài chính, năng lực đáp ứng đơn hàng.
Trước yêu cầu ngày càng cao của các nhà mua hàng, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, Sở đang phối hợp với nhiều cơ quan, ban ngành của thành phố trong các hoạt động hỗ trợ về đào tạo, kết nối tiêu thụ, nâng cao năng suất, chất lượng cho các DN công nghiệp hỗ trợ với mục đích tạo ra một “hệ sinh thái” để nâng tầm ngành sản xuất này.
“Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, giảm giá thành, tạo ra giá trị gia tăng để công nghiệp của thành phố phát triển mạnh hơn. Các DN cũng phải liên tục cải tiến, đổi mới nâng cao quản trị DN, đáp ứng được điều kiện yêu cầu của các nhà mua hàng”, ông Đông chia sẻ với các DN.
Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM, cho biết đã có 242 cuộc kết nối trực tiếp tại hội nghị tìm kiếm nhà cung ứng công nghiệp hỗ trợ năm 2019. Theo đánh giá của 80 DN nội, có 92% nhà cung cấp đánh giá nhà mua hàng là khách hàng tiềm năng; 36,4% nhà mua hàng đề nghị nhà cung cấp gửi bảng báo giá; 47,5% nhà mua hàng đề nghị đi thăm nhà máy của nhà cung ứng; 85,8% đồng ý tiếp tục gặp gỡ trao đổi sau cuộc tiếp xúc tại ngày hội; trên 95% đánh giá hài lòng về công tác tổ chức kết nối. Về phía 17 DN đầu cuối đánh giá thì có 62% các nhà cung cấp tiếp xúc trực tiếp là có tiềm năng, 51% được hẹn đi thăm nhà máy sau cuộc tiếp xúc trực tiếp. |