Doanh nghiệp ngành điều lại hụt hơi
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp chế biến hạt điều xuất khẩu vẫn đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, như việc thị trường nhập khẩu giảm cả về lượng và giá, lại chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ các nước khác, trong khi nguồn nguyên liệu cho sản xuất phải nhập khẩu nhiều. Các doanh nghiệp ngành này đang phải giảm hay ngừng sản xuất từ đầu năm 2018 đến nay, mặc dù Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hạt điều lớn thứ hai thế giới (sau Ấn Độ).
Ảnh minh họa |
Ông Quách Văn Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Chế biến Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm Đồng Nai (Donafoods) cho biết, sản lượng điều thô vụ mùa 2017 đã giảm đến 40% so với năm trước đó, khiến doanh nghiệp phải nhập đến 1,31 triệu tấn điều thô để chế biến hàng xuất khẩu-đây là số lượng nhập khẩu cao nhất trong 10 năm qua. Giá nguyên liệu điều thô cũng liên tục tăng cao lên gần gấp đôi từ cuối năm 2017 đến nay.
Riêng với Donafoods, hàng giao cho đối tác nước ngoài đã ký hợp đồng từ cuối năm 2017 với giá bình quân là 10,9 USD/kg, nhưng giá vốn sản xuất của công ty luôn ở mức trên 12 USD/kg do mua nguyên liệu giá cao. Điều này khiến trong năm 2017, riêng về xuất khẩu điều nhân và điều thô của Donafoods đã lỗ đến 58,2 tỷ đồng. Để giảm lỗ, công ty đã giảm sản lượng sản xuất, mua điều nhân thương mại để xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), thị trường tiêu thụ thế giới về hạt điều đang có sự chêch lệch giữa cung và cầu. Cụ thể, sản lượng điều thô thế giới trong những năm gần đây có mức tăng 10%/năm, trong khi nhu cầu tiêu dùng chỉ tăng khoảng 4%/năm, đều này dẫn đến xuất khẩu hạt điều đã giảm trong 5 năm qua trên toàn thế giới.
Từ đầu năm đến ngày 15/10/2018, Việt Nam đã xuất khẩu trên 286.000 tấn hạt điều, trị giá 2,659 tỷ USD, chỉ tăng 4,8% về lượng và giảm 1,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Điều này cho thấy, doanh nghiệp ngành điều hiện nay rất khó khăn. Tại địa phương có diện tích trồng cây điều lớn nhất Việt Nam là Bình Phước, hiện đang có đến 80% nhà máy chế biến hạt điều xuất khẩu đang ngưng hoạt động.
Nguyên do một mặt vì doanh nghiệp thiếu nguyên liệu chế biến, mặt khác giá của bên mua cũng đang giảm mạnh gần 20% so với cùng kỳ năm 2017. Con số kim ngạch xuất khẩu tuy cao (10 tháng đạt 2,659 tỷ USD), nhưng nhập khẩu nguyên liệu 10 tháng cũng gần 2 tỷ USD. Vì thế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chọn cách giảm hoặc ngưng sản xuất để chờ giá tốt hơn trong thời gian tới.
Ông Quách Văn Đức cho biết thêm, bên cạnh đó, một số doanh nghiệp phần lớn máy móc thiết bị sản xuất đã cũ, lạc hậu, xuống cấp, làm tăng chi phí sửa chữa mà năng suất, chất lượng sản phẩm thấp. Nhiều doanh nghiệp có nhà máy chế biến hạt điều vẫn còn trong danh mục khấu hao, nhưng đã hư hỏng không thể sử dụng vào sản xuất, dẫn đến chi phí khấu hao phải tính vào giá thành sản phẩm cao, khó tìm lợi thế cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, thuế nhập khẩu điều của Ấn Độ đang giảm từ 5% xuống còn 2,5% sẽ giúp các doanh nghiệp nước này tham gia tích cực vào thị trường điều thô quốc tế và đang cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp Việt Nam.
Với khó khăn hiện tại và dự báo đến hết năm 2018 trên thị trường thế giới, giá điều nhân có xu hướng giảm trong khi giá điều thô tại các nước châu Phi vẫn cao, tình hình xuất khẩu điều của Việt Nam sẽ còn nhiều thách thức. Vì vậy, Vinacas đã đưa ra định hướng cho ngành chế biến điều là giảm lượng và tăng chất; các doanh nghiệp chế biến cũng đồng loạt giảm sản lượng xuất khẩu, tăng lượng hạt điều chế biến (hạt điều rang, hạt điều rang muối và hạt điều wasabi…) để tiêu thụ nội địa.