Doanh nghiệp ngoại nhắm đến nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt
Nhân lực ngành Sản xuất: Nhiều cơ hội tuyển dụng cuối năm | |
Chung tay đào tạo nhân lực thời 4.0 | |
Đầu tư cho trẻ hôm nay để có nguồn nhân lực chất lượng trong tương lai |
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch danh dự Liên minh VNITO, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung cho biết tại Hội nghị Phát triển dịch vụ CNTT Việt Nam 2019 với chủ đề “Việt Nam – Điểm đến cho đổi mới, sáng tạo”, với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ trên thế giới và lợi thế có gần 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp và tiếp tục tăng mỗi năm, Việt Nam đang có số lượng các công ty khởi nghiệp cao thứ 3 ở Đông Nam Á. Các công ty công nghệ của Việt Nam cũng đang bắt kịp xu hướng phát triển công nghệ mới của thế giới trong cuộc CMCN 4.0 ở hầu hết các lĩnh vực như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI/ML), IoT, Blockchain, chuyển đổi số... Đây sẽ là cơ hội vàng để ngành công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam bứt phá, trở thành Trung tâm đổi mới – Innovation Hub hàng đầu tại Đông Nam Á.
Những siêu cường trong lĩnh vực CNTT tại khu vực châu Á đã và đang nhắm đến nguồn nhân lực tại Việt Nam |
Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế năng động nhất khu vực Châu Á với tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,8% năm và năm 2018 là 7,1%. Theo Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) năm 2019, Việt Nam xếp hạng 42/129 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, tăng 3 bậc so với năm 2018. Việt Nam cũng đã tăng một bậc để xếp thứ 88 trong số 193 quốc gia theo Khảo sát chỉ số phát triển Chính phủ điện tử 2018 của Liên hợp quốc và Việt Nam đạt điểm cao về Chỉ số dịch vụ trực tuyến (OSI) và Chỉ số tham gia điện tử (EPI) (tăng từ 0,5 điểm lên 0,75 điểm).
Theo báo cáo mới nhất về Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 do Google, Temasek và Bain & Company công bố tháng 10/2019 thì nền kinh tế số của khu vực Đông Nam Á vừa đạt đến một cột mốc mới, chạm ngưỡng 100 tỷ USD lần đầu tiên vào năm nay, tăng tới 72 tỷ USD so với năm ngoái. Nền kinh tế số tại Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đang tăng trưởng ở mức từ 20 đến 30% hàng năm. Trong khi đó, 2 nền kinh tế số Indonesia và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu trong khu vực, vượt mức 40%/ năm.
Đặc biệt, Hà Nội và TP.HCM nằm trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới năm 2019 theo bảng xếp hạng City Momentum Index 2019 (CMI) của Jones Lang LaSalle (JLL). Hơn nữa, TP.HCM trở thành khu vực đầu tiên triển khai 5G tại Việt Nam. Công nghệ này được cho là sẽ giúp cho hoạt động của TP.HCM trở nên năng động hơn trong tương lai và dẫn đầu cả nước trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.
Bàn về vấn đề này, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.GCM (ITPC) cho rằng, TP.HCM luôn đi đầu trong làn sóng đổi mới và bùng nổ khởi nghiệp với số lượng các công ty khởi nghiệp chiếm gần 50% của cả nước. Thành phố cũng đã xây dựng một chương trình 4 năm (2016-2020) để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có năng lực cạnh tranh và hội nhập toàn cầu. Với vai trò là cầu nối mở rộng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với quốc tế, ITPC cam kết sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng của Việt Nam về các công nghệ mới đến với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Vừa qua, lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Liên minh VNITO Alliance và 6 tổ chức quốc tế đã diễn ra. Trong đó, có 3 đơn vị đến từ Nhật Bản bao gồm Trung tâm chiến lược và đổi mới CNTT Okinawa (ISCO Okinawa), Heart Industry Holdings - Ủy ban sinh viên quốc tế Nhật Bản, Hiệp hội các doanh nghiệp phần mềm thành phố Fukouka (FISA) và 3 đơn vị từ Hàn Quốc là Trung tâm hợp tác CNTT Hàn Quốc, Hiệp hội phần mềm thương mại Hàn Quốc, Mạng lưới thương mại Hàn Quốc. Điều này cho thấy Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 quốc gia rất quan tâm đến Việt Nam, đánh dấu việc hợp tác và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam ra 2 thị trường trọng điểm trên nói riêng và thị trường thế giới nói chung.
Thực tế, quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp CNTT Việt Nam và Nhật Bản đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ gia công phần mềm sang các dự án nghiên cứu và phát triển trên các nền tảng công nghệ mới, chia sẻ tri thức.
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Jetro Hà Nội cho biết, theo khảo sát thường niên do Jetro thực hiện, có khoảng 70% các công ty Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam cho biết có định hướng mở rộng kinh doanh tại châu Á và Asean, đặc biệt là Việt Nam. Riêng trong lĩnh vực CNTT, việc hợp tác và trao đổi song phương đang phát triển mạnh. Năm 2018, có tới 248 DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực CNTT, chiếm 8% tổng số đầu tư của Nhật vào Việt Nam.
Còn theo Ban Hợp tác quốc tế (Hiệp hội Dịch vụ CNTT Nhật Bản - JISA), nhu cầu dự án công nghệ mới của Nhật tăng khoảng 31,5%, trong khi nguồn nhân lực đang thiếu hụt lớn, khoảng 781.000 kỹ sư CNTT và 95% công ty Nhật trả lời quan tâm và sẽ nhận các kỹ sư của Việt Nam làm việc.
Trước đó, Trung tâm hợp tác CNTT Việt Nam - Hàn Quốc và Trung tâm đào tạo công nghệ thông tin Hàn quốc (KITS) tại TP.HCM cũng đã chính thức được khai trương (đây là Trung tâm thứ hai được thành lập tại Việt Nam sau Trung tâm tại Hà Nội) là cầu nối quan trọng, góp phần thúc đẩy hợp tác đầu tư kinh doanh giữa doanh nghiệp CNTT giữa hai nước. Rõ ràng, những quốc gia đang là siêu cường trong lĩnh vực CNTT tại khu vực châu Á đã và đang nhắm đến nguồn nhân lực nhiều tiềm năng tại thị trường Việt Nam.