Doanh nghiệp tận dụng thương mại điện tử
Sức hút với các nhà đầu tư ngoại | |
Thương mại điện tử hướng về thị trường tỉnh lẻ | |
Thị trường thương mại điện tử gia tăng sức nóng |
Bà Trương Thùy Linh - Trưởng chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston, Mỹ cho biết, thị trường tiêu dùng thế giới đang mở rộng cửa ngay chính trong lòng Việt Nam. Từ đây, hàng hóa của DN Việt tỏa đi toàn cầu. Nhưng thực tế không dễ dàng, việc bán hàng thông qua các kênh trung gian và phân phối truyền thống không đơn giản và thường chịu chi phí cao, điều này gây khó khăn cho các DN Việt muốn xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới (trong đó có Mỹ), nhất là khi 98% DN Việt là nhỏ và vừa.
Ảnh minh họa |
Với sự bùng nổ của Internet và thương mại điện tử, DN Việt Nam giờ đây có thể bán sản phẩm của mình trực tiếp tới người tiêu dùng nước ngoài. Cơ hội bán hàng trực tuyến hiện nay rất lớn và ngày càng tăng. Thông qua các kênh trực tuyến, DN Việt có thể bán hàng tới trực tiếp người tiêu dùng mà không cần phải qua các kênh phân phối truyền thống. Và bằng cách bán hàng trực tuyến, DN Việt có thể kinh doanh 24/7 cũng như tìm kiếm khách hàng mới ở thị trường nước ngoài, xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường mới với chi phí thấp; kiểm soát được thời điểm bán hàng và sử dụng dữ liệu để đưa ra quyết định kinh doanh hợp lý, nhận tiền trước, hạn chế các rủi ro liên quan đến thanh toán…
Cụ thể tại thị trường Mỹ - một trong những thị trường thương mại điện tử nhộn nhịp nhất thế giới. Hàng năm, người Mỹ đã tiêu 517,36 tỷ USD cho việc mua sắm online với tổng giá trị hàng hóa được bán trực tuyến đạt khoảng 3,63 nghìn tỷ USD; giá trị mua hàng trực tuyến tăng khoảng 15%/năm. Hiện tại ở Hoa Kỳ, rất nhiều cửa hàng, chuỗi bán lẻ truyền thống đã đóng cửa do sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Chợ bán lẻ trực tuyến chiếm 14,3% tổng lượng bán lẻ và liên tục tăng trưởng trong các năm gần đây.
Điều này cho thấy, thương mại điện tử cung cấp một tiềm năng rất lớn cho DNNVV của Việt Nam để tăng doanh thu thông qua xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ qua kênh trực tuyến. Tuy nhiên, ghi nhận của Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, hiện tại rất ít DN Việt tận dụng hết kênh này tại thị trường Mỹ. Đây là một thiệt thòi rất lớn của DN xuất khẩu Việt.
Theo ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất khu vực châu Á. Hầu hết các kênh bán hàng trực tuyến quy mô toàn cầu (Amazon, Alibaba…) đều đã có mặt tại Việt Nam. Đây là một lợi thế rất lớn để DN xuất khẩu có thể đưa sản phẩm hàng Việt đến người tiêu dùng thế giới với mức giá tốt hơn (kênh truyền thống) gấp nhiều lần. Cụ thể, khi DN xuất khẩu tiếp cận được nền tảng bán hàng của Amazon, thì sẽ tiếp cận trực tiếp với hơn 300 triệu khách hàng tại 220 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Riêng tại thị trường Mỹ, gần 70% người mua hàng sẽ trực tiếp truy cập vào kênh bán lẻ này để tìm kiếm sản phẩm. Thời gian qua, nhiều sản phẩm hàng Việt như nông sản thực phẩm (cà phê, nước mắm, bánh tráng…), hàng may mặc, thủ công mỹ nghệ… khi đưa lên trang Amazon đã bán rất nhanh và được giá tốt.
Hiện nay, Công ty Amazon Global Selling Việt Nam có chương trình hỗ trợ DN Việt (số lượng DN hạn chế) tham gia bán hàng trên kênh Amazon. Hay tại kênh thương mại điện tử Alibbaba, DN có cơ hội quảng bá sản phẩm đến 260 triệu người mua hàng trên thế giới, tại trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lợi thế quảng bá và bán hàng tại các kênh thương mại điện tử lớn này là, nhiều sản phẩm tại thị trường trong nước không bán được, hay khó xuất khẩu, thì khi lên kệ trực tuyến quốc tế lại bán được với giá cao.
Ngoài ra Amazon đã chính thức cung cấp trang web tiếp thị bằng tiếng Việt (services.amazon.vn) và trang facebook (fb.com/banhangamazon) giúp DN Việt tìm thông tin, tài liệu và sự hỗ trợ để bắt đầu việc bán hàng trên Amazon.
Bà Trương Thùy Linh chia sẻ, để bán hàng trực tuyến ra thị trường thế giới, DN cần cân nhắc các chiến lược tiếp thị, thanh toán, tính hiệu quả, thuế và các khoản phí khác. Ngoài ra, DN có thể sử dụng các trang truyền thông, mạng xã hội như Facebook, Twitter hoặc YouTube để quảng bá sản phẩm của mình và phát triển cơ sở khách hàng ở thị trường nước ngoài.
DN được khuyến khích sử dụng phiếu giảm giá, khuyến mại và khuyến mại bán chéo (nghĩa là mua mặt hàng này thì có thể được giảm giá mặt hàng khác mà DN bán kèm nếu trong cùng một đơn hàng), những phương thức này có sức hấp dẫn đặc biệt. Ngoài ra, cung cấp trải nghiệm của khách hàng tin cậy đối với sản phẩm của DN, bao gồm cung cấp dịch vụ khách hàng trực tiếp nếu có thể.