Doanh nghiệp tư nhân trong cột mốc tăng trưởng
Trong đó, lần đầu tiên, các quy định về doanh nhân, về quyền đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nhân, của DN được hiến định trong bản Hiến pháp… Thế nhưng trong những sự kiện của giới doanh nhân theo mốc thời gian, niềm vui của họ chưa thực tràn đầy...
Quy mô khối DN tư nhân nhỏ hơn rất nhiều nhưng hiệu quả hoạt động không hề kém FDI và DNNN
Những người đã làm nên kỳ tích
“Khi Việt Nam chuyển đổi theo hướng kinh tế thị trường, khu vực tư nhân đã trở thành động lực chính tạo nên kỳ tích kinh tế Việt Nam”, đó là lời của ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam. Việt Nam đổi mới, Việt Nam mở cửa, DNNVV, DN tư nhân Việt Nam dù quy mô nhỏ bé nhưng đã góp phần lớn vào thành tựu phát triển kinh tế Việt Nam suốt những năm qua. Họ cũng là những người tiên phong bước vào kinh tế thị trường. Mấy năm gần đây khi tăng trưởng suy giảm, khi động lực cho tăng trưởng gần như cạn kiệt thì chính khu vực này đã cho thấy đây chính là động lực của tăng trưởng.
“DN tư nhân ở Việt Nam có mặt ở hầu hết các lĩnh vực, các vùng miền trong cả nước. Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế trong nước và thế giới, các DN tư nhân đã thể hiện sức bật mạnh mẽ trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển và tăng trưởng”, ông Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) bình luận. Ông nói thêm: “Một điểm nổi bật rất đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng của khu vực DN tư nhân ổn định ngay cả trong các thời kỳ khó khăn về kinh tế vừa qua. Điều này cho thấy tính bền vững của khu vực này”.
Theo kết quả nghiên cứu của ông Hoàng và nhóm cộng sự, tuy quy mô khối DN tư nhân nhỏ hơn rất nhiều nhưng hiệu quả hoạt động của các DN tư nhân không hề kém 2 khu vực kia (FDI và DNNN - PV), thậm chí là vượt trội hơn khu vực DNNN về hiệu quả đầu tư. Đây cũng là khu vực năng động nhất và có mức độ lan tỏa trong nền kinh tế cao và không kích thích nhập khẩu nhiều trong khi DN FDI gần đây XK nhiều nhưng nhập khẩu cũng nhiều và cũng không mang lại sức lan tỏa nhiều tới thu nhập người lao động.
Các DN tư nhân ngày càng khẳng định vị trí của mình, nhiều thương hiệu đã có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong và ngoài nước. Khu vực DN tư nhân giữ vai trò quan trọng trong việc giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quyết định vào khôi phục và tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch XK, tăng thu ngân sách và tham gia giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo. Khu vực này đang là nhân tố quan trọng giúp duy trì tỷ lệ thất nghiệp thấp tại Việt Nam trong thập niên qua.
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, khu vực DN tư nhân sẽ đóng góp khoảng 30% ngân sách vào năm 2015 và khoảng 40% GDP của cả nước. Ngay cả trong những giai đoạn kinh tế khó khăn như năm 2008 - 2009 và 2011-2012, thì vốn đầu tư của khu vực DN tư nhân vẫn tăng, cho thấy tính ổn định và bền vững của khu vực này.
Nhưng vẫn có tâm lý “chạnh lòng”…
Ông Tomoyuki Kimura nhận xét, phát triển khu vực kinh tế tư nhân đã được coi là trọng tâm để Việt Nam đạt được tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt hai thập kỷ qua. Nhìn lại cuộc khủng hoảng và suy thoái gần đây đã cho thấy DN tư nhân là khu vực có khả năng “chịu đựng” tốt, linh hoạt trong đổi mới, sáng tạo để thích nghi với điều kiện mới. Điều này cũng thể hiện tính bền vững trong tăng trưởng dài hạn của khu vực này.
“Doanh nhân là những người rất năng động và sáng tạo. Họ luôn nhìn ra cơ hội, kể cả trong những giai đoạn kinh tế gặp nhiều khó khăn. Kinh tế tư nhân có trách nhiệm vô hạn với DN, với những gì họ đã đầu tư, và phải luôn nỗ lực để sao có hiệu quả nhất. Đó là sự khác biệt”, ông Cao Bá Khoát - Giám đốc Công ty tư vấn K và cộng sự phát biểu. Nhưng ông cũng cho rằng vẫn còn có những khoảng cách từ nhận thức đến hành động chính sách và quan điểm đầu tư hỗ trợ DN tư nhân. Thực tế kinh tế tư nhân vẫn bị đánh giá thấp. “Thậm chí vẫn còn định kiến”, theo ông Hoàng.
“Cảm nhận của chúng tôi khi tiếp xúc với các DN là niềm lạc quan vào các cơ hội kinh doanh sắp tới. Tuy vậy, cũng nhận thấy những tâm tư, lo lắng khi phải đối mặt với các thách thức do kinh tế biến động khó lường và sức ép cạnh tranh từ bên ngoài ngày càng khốc liệt. Trong khi sự hỗ trợ từ phía Chính phủ chưa thực sự hữu hiệu”, ông Hoàng cho biết.
Còn GS-TS. Nguyễn Mại lại nêu kinh nghiệm: “Tôi làm việc nhiều với DN FDI, nghiên cứu về DN FDI. Cho dù có lúc, như một hai năm gần đây, các khu vực DN khác suy yếu trước tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới và động lực tăng trưởng dựa vào FDI. Nhưng một đất nước phải dựa vào nội lực, Việt Nam phải tạo được động lực tăng trưởng từ DN trong nước, trong đó là DN tư nhân”.
Về pháp lý, không thấy sự phân biệt đối xử nhưng nhìn từ bản chất của các quy định dễ dàng thấy những khác biệt trong ưu đãi đầu tư. Đặc biệt, mặc dù hạn chế về ngân sách, nhưng Chính phủ lại khá “hào phóng” khi ưu đãi thuế và có các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cho DNNN, DN FDI về đất, tài nguyên khoáng sản, tín dụng và đào tạo nguồn nhân lực... nhưng lại khá khắt khe với DN tư nhân. Ưu đãi, hỗ trợ thiên lệch không những thể hiện sự bất công với DN tư nhân mà còn là sự cản trở, thậm chí là chèn ép DN tư nhân khiến DN tư nhân đã nhỏ lại càng bị hạn chế cơ hội phát triển lên.
Bà Chi Lan, ông Hoàng và TS. Lê Duy Bình (Economyca Vietnam) cùng một quan điểm cho rằng nhắc lại những rào cản, những điều một phần đang làm chạnh lòng DN tư nhân là để có được những chính sách, giải pháp, thái độ và những cách ứng xử đẹp hơn, xứng đáng hơn với khu vực kinh tế này. “Nếu khu vực này có được những chính sách tốt hơn, chỉ cần chính sách bình đẳng không cần ưu đãi, thì khả năng tạo ra động lực và kích thích cho nền kinh tế sẽ cao hơn”, bà Lan nói.
Lương của người lao động trong khu vực tư nhân đã không ngừng tăng lên, và tốc độ tăng lương cao hơn khu vực FDI 1,5 lần. Đặc biệt, trong năm 2012, khi các DN phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do hàng tồn kho, nợ xấu tăng cao, cầu tiêu dùng sụt giảm… thì lương cho người lao động trong khu vực tư nhân vẫn tăng tới 20% so với mức tăng 9% của khu vực FDI, còn lương bình quân/năm của người lao động trong các DNNN bị sụt giảm tới 19%. |
Tri Nhân