Doanh nghiệp vào khu công nghệ cao: Chào đón và tạo điều kiện tốt nhất
Khánh thành dự án ươm tạo công nghệ cao Việt Nam-Hàn Quốc | |
Mô hình mở cho khu công nghệ cao mới |
Ông Phạm Xuân Hưng, Giám đốc công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Phương Nam (PADCO) cho biết, đã tham gia chương trình ươm tạo DN nông nghiệp công nghệ cao thuộc Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, DN được hỗ trợ hiệu quả nhiều mặt, từ mặt bằng sản xuất, phát triển sản phẩm mới, tập huấn đào tạo chuyên sâu cho lãnh đạo và nhân viên, đến việc tham gia hội chợ, hội thảo quảng bá sản phẩm.
Đây là một trong những yếu tố tiên quyết cho sự thành công của DN. Qua thực tế, PADCO nhận thấy để DN thành công tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao, thì cần có nguồn quỹ đất, nhà xưởng, kho bãi... cho thuê ưu đãi để các DN sau khi được ươm tạo tiếp tục phát triển có hiệu quả, bền vững trong tương lai.
Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được quan tâm |
Một DN thành công khác từ Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh là công ty cổ phần Công nghệ sinh học Nấm Việt. Qua 10 năm sản xuất và nuôi trồng các loại nấm theo công nghệ sạch, đến nay, sản phẩm của công ty đã có mặt tại tất cả siêu thị lớn nhỏ trên cả nước. Hiện công ty đang hướng đến sản xuất giống nấm, phôi nấm để chuyển giao cho nông dân nuôi trồng theo quy trình kỹ thuật đã định và bao tiêu sản phẩm cho hộ nông dân để tạo vùng nguyên liệu sạch…
Bà Lê Hà Mộng Ngọc, Tổng giám đốc Nấm Việt cho rằng, để DN phát triển mạnh hơn, các ban, ngành chức năng và Khu Nông nghiệp công nghệ cao cần chú trọng tìm kiếm các nguồn vốn hỗ trợ DN. Bởi rất nhiều DN qua quá trình ươm tạo, vẫn còn khó khăn do thiếu nguồn vốn trung và dài hạn. Cần có cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ hiệu quả, giúp DN phát triển được đúng khả năng.
Theo ông Đinh Minh Hiệp, Trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, cho đến đầu năm 2016, Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành phố đã có 19 DN tham gia các chương trình ươm tạo DN, thuộc các lĩnh vực phân hữu cơ sinh học, nuôi trồng chế biến nấm ăn và nấm dược liệu, chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp, sản xuất rau sạch...
Mục tiêu từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ tiếp tục ươm tạo ít nhất 30 DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, đã có dự thảo tiêu chí xét chọn công nghệ dự án đầu tư vào Khu Nông nghiệp công nghệ cao. Đó phải là các dự án sản xuất sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản phục vụ thương mại hóa sản phẩm hay công nghệ.
DN, nhà đầu tư có thể tham khảo các tiêu chí xét chọn để biết năng lực của mình có phù hợp không khi tham gia đầu tư. Bởi các tiêu chuẩn xét chọn như kinh phí đầu tư hoạt động nghiên cứu phát triển, số lao động tham gia dự án, công nghệ và hệ thống quản lý chất lượng, môi trường… đều quy định rất rõ.
Thị trường thực phẩm Việt Nam hiện đang “khát” nguồn thực phẩm sạch, được nuôi trồng, chế biến theo công nghệ hiện đại, an toàn đối với sức khỏe người dùng. Vì vậy, thực phẩm sạch bằng công nghệ cao bao giờ cũng được thị trường ưa chuộng.
Nắm bắt xu hướng này, Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã kết nối, xây dựng mối liên kết với các nhà phân phối lớn trên thị trường bán lẻ như Big C, Saigon Co.op… để hỗ trợ các DN giới thiệu, chào bán sản phẩm. Hiện nay, mạng lưới phân phối đã được xây dựng hoàn chỉnh, đảm bảo các DN tham gia đầu tư sản xuất được tiếp cận và sử dụng để tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, Khu Nông nghiệp công nghệ cao còn tăng cường mối liên kết giữa các DN, tổ chức kinh tế của thành phố với các tỉnh trong vùng để xây dựng Chuỗi cung ứng nông sản an toàn cho người tiêu dùng.
Hàng loạt sản phẩm nông sản tốt có tên tuổi của các DN trẻ trong thành phố đã được người tiêu dùng biết đến như nấm ăn và nấm dược liệu của Nấm Việt, dưa lưới Ba Hưng, rau quả sạch Thành Vinh… đều có xuất thân từ Khu Nông nghiệp công nghệ cao.