Độc quyền vàng miếng, “diệt” vàng nhập lậu
Ảnh minh họa |
Thời gian gần đây, lực lượng công an đã phát hiện và bắt giữ một số đối tượng vận chuyển vàng nhập lậu qua biên giới, trong bối cảnh chênh lệch giá vàng cao giữa trong và ngoài nước cũng làm tăng nguy cơ vàng lậu tuồn vào Việt Nam nhiều hơn. Trao đổi với phóng viên TBNH, ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, rất khó để ngăn chặn triệt để hoạt động buôn lậu vàng, nhưng so với trước đây thì số vàng lậu chảy vào Việt Nam đã giảm đáng kể.
Mức chênh lệch lớn giá vàng khiến nhập lậu vàng đang nóng trở lại. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Nếu muốn kiếm được lợi nhuận lớn thì vàng nhập lậu phải chảy vào được “khuôn vàng” SJC. Trên thực tế, vàng lậu nếu là vàng 9999 cũng không còn cửa để chuyển thành vàng SJC, vì NHNN quản lý chặt chẽ việc sản xuất và nhập khẩu vàng. Đây cũng là lý do chính vàng nhập lậu vào Việt Nam đã giảm đáng kể trong thời gian qua.
Hiện tại, theo tôi vàng nhập lậu chỉ có thể trà trộn vào vàng nữ trang. Nhưng thực tế chênh lệch giá vàng nữ trang so với vàng thế giới không nhiều. Do đó, lợi nhuận mang lại cho đối tượng tham gia hoạt động này không nhiều như đồn thổi. Đương nhiên dù ít nhưng có lợi nhuận thì đối tượng buôn lậu vẫn sẽ không bỏ qua cơ hội này. Nhất là cuối năm, nhu cầu vàng trang sức tăng cao nên việc vàng lậu được tuồn vào Việt Nam qua biên giới nhiều hơn các thời kỳ trong năm không có gì bất bình thường.
Như ông nói, để hưởng mức chênh lệch giá cao thì phải trà trộn được vào vàng miếng SJC?
Đúng vậy. Vì giá vàng trang sức không chênh lệch nhiều so với giá vàng thế giới. Trước đây việc chuyển đổi vàng 9999 sang vàng SJC còn dễ dàng. Nhưng từ khi NHNN độc quyền sản xuất, xuất nhập khẩu vàng miếng và SJC được chọn là thương hiệu vàng quốc gia thì không còn cơ hội cho vàng lậu trá hình vào vàng miếng SJC.
Ông nghĩ sao về việc một số DN đã đến Công ty SJC “xin” dập vàng miếng SJC?
Đó chỉ là tin đồn. Vì, Công ty SJC (Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn) do Nhà nước quản lý và SJC cũng là thương hiệu vàng quốc gia thì không thể có chuyện đó xảy ra. Mặt khác, Công ty SJC chỉ là đơn vị gia công sản xuất vàng cho NHNN. Thực ra, gần đây NHNN không có chủ trương sản xuất thêm vàng SJC vì nhu cầu vàng miếng đang thấp. Quan trọng hơn cả là NHNN kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng.
Tôi được biết, SJC sản xuất số lượng bao nhiêu, vào thời điểm nào đều theo chỉ định và phải được phép của NHNN mới thực hiện. Sau khi sản xuất xong theo “đơn đặt hàng” của NHNN, toàn bộ máy móc sản xuất, khuôn vàng đều được niêm phong. Đến khi được yêu cầu sản xuất thì công ty này mới được mở máy tiếp tục dập vàng miếng.
Khác với mọi năm, giao dịch vàng miếng thời điểm cuối năm nay ít sôi động. Vì sao vậy, thưa ông?
Đây là tình hình chung của các sản phẩm hàng hóa trong bối cảnh kinh tế khó khăn chứ không riêng gì vàng. Người dân vẫn coi vàng là tài sản dự trữ có giá trị tốt, nhưng không giữ nhiều như trước. Một phần do biến động giá vàng giảm nhiều hơn tăng nên người dân thấy giữ vàng không có lợi.
Nhưng tôi cho rằng, nguyên nhân tác động lớn hơn làm cầu vàng giảm đó là chính sách điều hành thị trường vàng của NHNN trong 3 năm qua đã làm sức hấp dẫn của vàng giảm với người dân. Để cho rằng người dân đã quay lưng lại với vàng thì chưa hẳn chính xác, nhưng sự quan tâm đến kim loại quý này giảm nhiệt nhiều so với trước đây. Khi chính sách quản lý đúng hướng và quan trọng hơn cả là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định thì NĐT chuyển hướng sang kênh đầu tư khác chứ không tập trung vào vàng miếng nữa.
Những vấn đề tâm lý cũng sẽ tác động đến hành vi mua bán vàng của người dân. Nhất là giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng giá vàng thế giới. Nếu giá vàng thế giới tiếp tục lên, người dân lại có xu hướng mua vàng nhiều hơn và ngược lại. Vì thế, yếu tố tâm lý rất quan trọng và ít nhiều đều ảnh hưởng đến biến động giá trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!
Hà Thành thực hiện