Đổi mới và sáng tạo: Không còn con đường nào khác
Ảnh minh họa |
Sau hội thảo đánh giá lại quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế, TS.Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch-Đầu tư) đã bày tỏ những tâm tư trăn trở.
Ông nói, nền kinh tế đang có rất nhiều việc phải làm, tái cơ cấu cũng rất nhiều điều còn dang dở và khó khăn. Là một chuyên gia chiến lược, ông nói vấn đề nan giải và quyết định hiện nay là tái cơ cấu nông nghiệp và không có con đường nào khác là phải ứng dụng khoa học công nghệ, có như thế nông nghiệp mới tồn tại và phát triển được.
TS.Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đã nhấn mạnh vấn đề đưa Việt Nam hướng đến một nước công nghiệp mà trong đó phải phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa. Và đây là con đường tất yếu.
Rõ ràng phát triển nông nghiệp hiện đại ở Việt Nam là một xu hướng tất yếu hứa hẹn nhiều lợi ích. Nhưng phải là đầu tư sáng tạo.
Mới đây, ông Mori Mutsuya - Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tổ chức họp báo để nói về những dự án nông nghiệp mà cơ quan này và các nhà đầu tư Nhật Bản đang thực hiện ở Việt Nam. Trong đó ông giới thiệu khá kỹ về mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam.
Đây là mô hình ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) trong nông nghiệp và đang kiểm chứng khả năng sử dụng ICT trong quản lý quy trình khép kín từ lập kế hoạch canh tác, trồng trọt đến bán hàng, nhằm thúc đẩy thương mại hóa nông nghiệp tại Việt Nam.
Cùng với đó, các DN cũng đã xác định “muốn phát triển không có con đường nào khác là phải ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, quản lý để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh và để tồn tại và phát triển”, như ông Ngô Tiến Dũng, Tổng thư ký Hiệp hội các DN ứng dụng công nghệ cao (ATE) phát biểu.
Việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp không chỉ có Nhà nước và các cơ quan nghiên cứu khoa học, mà rất cần có sự tham gia của các DN và nông dân.
Thực tế, DN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ công nghệ trong ngành, đồng thời tạo ra những cơ hội mới cho nông dân tiếp cận công nghệ cao. Đặc biệt, đưa DN vào sản xuất kinh doanh nông nghiệp sẽ phần nào giải quyết được vấn đề vốn, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.
Đến nay, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân nhưng DN vẫn gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là về đất đai, vốn và công nghệ. Hiện cả nước mới chỉ có 6 DN nông nghiệp được công nhận có ứng dụng công nghệ cao, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.
Theo khảo sát của Dự án Vườn ươm Sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Incubator - V2I) do BK-Holdings được IPP tài trợ thực hiện, việc tiếp cận với các công nghệ mới áp dụng trong quá trình chế biến và sản xuất những sản phẩm chất lượng cao còn khó khăn.
Và khó khăn đầu tiên mang tính quyết định, như TS. Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc của BK-Holdings chỉ ra, đó là nguồn vốn. Hơn nữa, thị trường vẫn còn thiếu một khối lượng lớn các phương thức để cải thiện việc phổ biến các sáng kiến và ứng dụng.
Tuy nhiên, những thông tin từ Hội thảo “Hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho các DN nông nghiệp” gần đây đã cho thấy rất nhiều chương trình hỗ trợ đang sẵn sàng. Nhưng vẫn còn ít người biết đến điều này. Hội thảo do Hệ thống DN BK-Holdings thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp Hiệp hội các DN ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp (ATE), các quỹ hỗ trợ phát triển đổi mới sáng tạo (dự án: FIRST, VIIP, IPP...), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tổ chức.
Hội thảo cho biết, hiện có nhiều chương trình tại Việt Nam nhằm hỗ trợ đổi mới về khoa học công nghệ như Chương trình IPP, Dự án đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ (FIRST), Dự án đổi mới sáng tạo hướng tới người có thu nhập thấp (VIIP).
Được biết, Trung tâm Sáng tạo Khí hậu Việt (VCIC), đã tài trợ khoảng 190 triệu USD cho các hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Dự án Vườn ươm Sáng tạo Việt Nam (V2I) cũng đang hỗ trợ nghiên cứu chuỗi giá trị thực phẩm tại đồng bằng Sông Hồng được quản lý bởi liên minh BK-Holdings… SNV Việt Nam; BDIC hỗ trợ các DN tiếp cận các công nghệ mới nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong quá trình chế biến, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, hỗ trợ tài chính cho việc chuyển giao công nghệ ở Việt Nam cũng như tiếp cận thị trường quốc tế đang hứa hẹn mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho các DN nông nghiệp Việt…