Hạn chế tác động tiêu cực từ thủy điện
Loại 684 dự án thủy điện khỏi quy hoạch | |
Dự án thủy điện và những chấn thương văn hóa! |
Để lại nhiều hệ luỵ
Hiện tại, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về thủy điện. Với hơn 2.372 sông, suối lớn nhỏ có dòng chảy liên tục và dài hơn 10km, tiềm năng thủy điện lý thuyết của Việt Nam đạt khoảng 35.000MW, đến nay cũng đã khai thác phần lớn những tiềm năng này.
Thủy điện Sông Tranh 2 từng nhiều lần làm “nóng” nghị trường Quốc hội |
Do chiếm tỷ lệ lớn trong hệ thống điện quốc gia, nên thủy điện có vai trò rất quan trọng trong mạng lưới điện ở Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây, hệ thống các thuỷ điện ở Việt Nam lại đang phát triển “nóng”. Do vậy, bên cạnh những mặt tích cực sự phát triển quá nhanh của hệ thống các thủy điện đã và đang để lại những hệ luỵ khó lường.
Chỉ tính riêng tại miền Trung - Tây Nguyên, việc đầu tư xây dựng ồ ạt hệ thống thủy điện ở khu vực đã gây thiệt hại đáng kể về môi trường và kinh tế - xã hội. Theo ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật TP. Đà Nẵng, tác động dễ nhận thấy nhất là tình trạng ngập lụt và xói lở bờ sông do thay đổi chế độ nước hạ lưu và vận hành xả không đúng quy trình. Hạn hán, suy giảm chất lượng nước hạ lưu do lượng xả của các nhà máy phụ thuộc vào chế độ vận hành.
Ngoài ra, còn phải kể̉ đến các vấn đề liên quan đến đền bù, di dân tái định cư và an sinh xã hội, rồi các rủi ro khác có liên quan đến thuỷ điện như vỡ đập, động đất. Có thời điểm thuỷ điện Sông Tranh 2, tại Bắc Trà My ở Quảng Nam, từng làm “nóng” nghị trường Quốc hội, khi được coi là thủ phạm của nhiều vụ động đất trong khu vực...
Tại đối thoại ông Nguyễn Khánh Tâm Anh, trú xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam), đã đưa những thực tế chứng minh những hậu quả do thủy điện gây ra. Theo đó, năm 2010 đến nay, toàn xã Đại Hồng có 150ha đất bị bồi cát do các thủy điện xả lũ. Khi đất chưa bị bồi cát, cây trồng phát triển tốt, năng suất cao, bây giờ muốn đạt năng suất như trước phải đầu tư phương tiện tưới, phân bón.
Chưa hết, cả xã có 120 phương tiện vận chuyển đường thủy, nhưng đến năm 2014 thì chỉ có 8 phương tiện. Do thủy điện tích nước khiến dòng sông Vu Gia có nơi khô đáy, hàng chục hộ dân phải bỏ nghề sông nước.
Bên cạnh đó, vấn đề nghiêm trọng khác là việc trồng rừng thay thế chưa được các nhà máy thủy điện quan tâm. Khi xây dựng nhà máy thủy điện buộc phải phá rừng. Nhưng đến nay ở nhiều địa phương việc trồng lại rừng ở gần các nhà máy thuỷ điện vẫn triển khai rất ì ạch.
Chỉ tính riêng tại Quảng Nam hiện có 4 nhà máy thủy điện “nợ rừng” với diện tích lớn như, Thủy điện Sông Bung 2 chưa trồng 426 ha, Thủy điện Sông Tranh 2 chưa trồng 314 ha, Thủy điện Sông Bung 4 hơn 206 ha và Thủy điện Sông Bung 5 là hơn 106 ha...
“Sống chung” với thủy điện
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, những diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai và sự cố ngập lụt hạ lưu miền Trung thời gian gần đây cho thấy, thủy điện Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều thách thức, rủi ro đối với môi trường sinh thái ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người. Từ thực tiễn tại miền Trung có thể thấy phát triển thủy điện là một bài toán phức hợp và cần phải được nhìn nhận cặn kẽ, thấu đáo, thận trọng ở nhiều khía cạnh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng làm thủy điện ngoài tầm kiểm soát, trong đó có hạn chế yếu kém trong khâu quản lý. Thực tế, việc quy hoạch thủy điện đã không tính đến sự tham gia của người dân, không để người dân giám sát từ lúc thi công đến lúc vận hành.
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, người dân cần được hỗ trợ để có thể “sống chung” với thủy điện. Ông Đặng Ngọc Quang, cố vấn tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) cho biết, những tổn thương mà thủy điện gây ra cho người dân vẫn chưa được hàn gắn sau một thời gian dài.
Theo ông Quang, trước hết phải đảm bảo sự tham gia của người dân chịu ảnh hưởng của các dự án thủy điện. Cụ thể, đó là quyền của người dân tham gia vào quá trình định giá đền bù, quyền được biết thông tin từ các báo cáo đánh giá môi trường, xã hội ở một dạng thức phù hợp, dễ hiểu, quyền giám sát của người dân với các công trình dân sinh ở làng tái định cư; thúc đẩy nối kết các cộng đồng bị ảnh hưởng với vấn đề về tư pháp, kỹ thuật, nâng cao hiểu biết về pháp luật của người dân.
Trong khi đó, về phía các nhà máy thủy điện, ông Lê Đình Bản, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện A Vương lại đưa ra ý kiến, bên cạnh đánh giá xã hội, cần có những đánh giá về môi trường để nhìn nhận rõ vấn đề về sự phát triển của hệ thống thuỷ điện.
Trong thời gian gần đây các tỉnh miền Trung chịu ảnh hưởng nghiêm trọng diễn biến phức tạp của thời tiết. Nhiều thủy điện cũng bị thiếu nước do hiện tượng El Nino. Năm 2016 đến nay, Thủy điện A Vương cũng chỉ sản xuất được 60% sản lượng. Cũng trong năm 2016, thuỷ điện đã nghỉ phát điện trong 3 tháng để tích nước theo yêu cầu của chính quyền các địa phương ở Quảng Nam và Đà Nẵng.
Về bảo đảm quy trình xả lũ, còn có những tác động từ yếu tố cơ sở hạ tầng. Đơn cử, các hồ thủy điện tại Quảng Nam hiện vẫn khá nhỏ. Khi dung tích các hồ để trữ lũ chỉ khoảng 1,5 đến 2 triệu mét khối, trong khi một cơn lũ là 2 tỷ mét khối. Vì vậy, các hồ không thể nào giữ nước, buộc phải xả lũ...