Động lực cho nghề cá phát triển
Để vững nhịp vươn khơi | |
Vững tin “đội tàu sáu bảy” | |
Niềm vui từ tàu 67 |
Chủ động vào cuộc
Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ 67), Ninh Thuận được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ chỉ tiêu 71 tàu. Trong đó, có 66 tàu khai thác và 5 tàu dịch vụ. Nỗ lực tạo điều kiện cho bà con ngư dân tiếp cận vốn vay, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã tích cực vào cuộc. Trong đó, phải kể đến vai trò tiên phong, “đầu tàu” của Agribank Ninh Thuận.
Theo đó, ngay trong đợt đầu tiên khi UBND tỉnh phê duyệt danh sách 13 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn theo NĐ 67, Agribank Ninh Thuận đã ký hợp đồng tín dụng với 8 ngư dân, với số vốn cam kết cho vay theo các hợp đồng tín dụng lên đến gần 80 tỷ đồng. Sau các đợt phê duyệt danh sách của UBND tỉnh Ninh Thuận, hiện có thêm 10 chủ tàu đăng ký vay vốn theo NĐ 67 tại Agribank Ninh Thuận…
NĐ 67 đã và đang tạo động lực cho nghề cá ở Ninh Thuận |
Ông Trần Công Thành, trú phường Mỹ Đông (TP. Phan Rang - Tháp Chàm) chủ tàu cá NT 91199, một trong những ngư dân đầu tiên được vay vốn theo NĐ 67 tại Agribank Ninh Thuận. Giới thiệu với phóng viên con tàu gỗ có công suất 450CV, hành nghề lưới rê còn thơm mùi gỗ, ông Thành cho biết, con tàu trị giá 6,5 tỷ đồng, trong đó phần lớn là vốn vay từ Agribank với lãi suất ưu đãi.
Chia sẻ thêm với khách, ông Thành tâm sự, thời gian đầu thấy giấy tờ thủ tục khá phức tạp, thế nhưng được cán bộ ngân hàng động viên, hướng dẫn tận tình về các thủ tục nên ông mạnh dạn đăng ký, rồi tiến hành vay vốn đóng tàu. Đến nay, ước mơ sở hữu tàu lớn đã thành hiện thực, góp phần khai thác hiệu quả nguồn lợi từ biển, đồng thời bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Cũng từ vốn vay Agribank Ninh Thuận, ông Nguyễn Đức Hải ở xã Thanh Hải (Ninh Hải) cũng đã hạ thuỷ tàu dịch vụ hậu cần đầu tiên đóng mới với vỏ composite mang tên Việt Anh trị giá gần 8 tỷ đồng. Đây là tàu hậu cần lớn nhất và được hạ thủy sớm nhất theo NĐ 67 ở Ninh Thuận.
Theo đó, tàu có công suất 500 CV, chiều dài 21m, rộng 5,8m, cao 3m, được thiết kế hiện đại với 18 hầm chứa hải sản có sức chứa trên 50 tấn. Đặc biệt, trong quá trình đóng tàu, cán bộ tín dụng Agribank luôn quan tâm, theo sát tiến độ để giải ngân kịp thời bảo đảm tiến độ đóng tàu của nhà máy.
Để thực hiện tốt NĐ 67, ông Đặng Ngọc Ba - Giám đốc Agribank Ninh Thuận khẳng định, ngân hàng phải chủ động vào cuộc. Theo đó, ngay sau thời điểm NĐ 67 có hiệu lực, chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở địa phương, tham gia rà soát, xét duyệt lựa chọn các chủ tàu ngay từ cơ sở.
Do vậy, danh sách ngư dân đủ điều kiện được hưởng chính sách đóng tàu theo NĐ 67 ở các địa phương, được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng. Trong quá trình thực hiện chi nhánh tạo điều kiện tốt nhất để ngư dân triển khai dự án, để “tàu sáu bảy” sớm được vươn khơi.
Hỗ trợ cho ngư dân, ngân hàng còn xem xét ưu tiên khi chủ tàu tham gia liên kết chuỗi từ khâu khai thác, chế biến đến tiêu thụ; rút ngắn thời gian thẩm định cho vay. Ngoài ra, Agribank Ninh Thuận còn tổ chức đưa ngư dân đi tham quan các cơ sở đóng tàu tại Khánh Hòa, để khách hàng khảo sát, học tập kinh nghiệm tiết kiệm chi phí đóng tàu…
Chủ động tháo gỡ “nút thắt”
Trước đây, tại Ninh Thuận việc phát triển kinh tế biển nói chung và nghề cá nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, do những khó khăn từ thời tiết, tàu thuyền có công suất nhỏ… Hiện, với các tàu được đóng theo NĐ 67 hầu hết đều có công suất từ 450 đến 1.000 CV, giúp bà con yên tâm bám biển dài ngày, góp phần quan trọng tạo động lực để phát triển nghề cá…
Ngoài ra, với sự xuất hiện của các tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá như con tàu Việt Anh của ông Nguyễn Đức Hải, có sức chứa lên đến 50 tấn đã góp phần đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong nghề đánh bắt và liên kết giữa các khâu nghề cá. Từ việc khai thác, chế biến, dịch vụ hậu cần thương mại ở các cảng cá, bến cá, tiêu thụ thuỷ hải sản cho bà con ngư dân ở địa phương cũng được nhanh hơn.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Ninh Thuận đã có 25 ngư dân được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá theo NĐ 67. Trong đó, những địa phương có nhiều chủ tàu được vay vốn như TP. Phan Rang - Tháp Chàm 13 chủ tàu, huyện Ninh Hải có 10 chủ tàu.
Trong số đó đến nay đã có 8 con “tàu 67” của ngư dân Ninh Thuận đã được hạ thuỷ và đang đánh bắt, làm dịch vụ hậu cần nghề cá ở những vùng biển xa bờ… Một số khó khăn vướng mắc khi thực hiện NĐ 67 đã được tháo gỡ bằng Nghị định 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ 89). Điều này, đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bà con ngư dân ở địa phương, trong việc vay vốn ưu đãi để đóng mới, cải hoán các tàu thuyền...
Ông Lê Văn Cương, Giám đốc NHNN Chi nhánh Ninh Thuận cho biết, trong thời gian tới NHNN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh NHTM triển khai kịp thời các chủ trương mới liên quan chính sách tín dụng theo NĐ 67 và NĐ 89; Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai của các NHTM.
Tuy nhiên, trong thực tế tại Ninh Thuận cũng như nhiều địa phương khác việc thực hiện NĐ 67 vẫn còn gặp những “nút thắt”. Trước những khó khăn trên, ngành Ngân hàng trên địa bàn đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tháo gỡ. Đơn cử đối với các dự án đóng mới tàu cá theo NĐ 67, tiến độ triển khai vẫn còn chậm, do phải mất nhiều thời gian để lập hồ sơ thiết kế và thẩm định dự toán theo quy định.
Trong khi, địa phương không có điều kiện có quyền sử dụng các mẫu phù hợp để hướng dẫn cho ngư dân trong tỉnh áp dụng. Ngoài ra, nhiều ngư dân còn những băn khoăn về chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo hướng dẫn thuyền viên, vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới; hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên…
Để hạn chế tiêu cực trong quá trình lập dự án vay vốn, đồng thời để tiết kiệm vốn vay, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho ngư dân, đại diện một số chi nhánh ngân hàng trên địa bàn cho rằng, chính quyền địa phương nên giới thiệu đơn vị tư vấn quản lý dự án để giúp ngư dân trong quá trình vay vốn đóng mới tàu cá theo NĐ 67.