Dòng vốn FII chảy mạnh vào TTCK giúp tăng dự trữ ngoại hối của Việt Nam
Ảnh minh họa |
BVSC cho biết, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng trong quý III sau khi mua ròng mạnh hai quý đầu năm. Cụ thể, trên sàn HoSE, khối này đã mua vào 28,6 nghìn tỷ đồng và bán ra 23,8 nghìn tỷ đồng, giá trị mua ròng đạt hơn 4,8 nghìn tỷ đồng.
Phân tích sâu hơn, BVSC cho biết, khối ngoại mua ròng mạnh ở nhóm cổ phiếu mới lên sàn với VPB, VCI và PLX được mua ròng lần lượt +1,5 nghìn tỷ; +1,1 nghìn tỷ đồng và +462 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn truyền thống vẫn được mua ròng đều đặn từ đầu năm đến nay, điển hình như VNM (+4.678 tỷ đồng); HPG (+1.763 tỷ đồng); CTD (789 tỷ đồng)...
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bị bán ròng mạnh gồm có PVD (-710 tỷ đồng); MSN (-438 tỷ đồng), SSI (-460 tỷ đồng), VIC (-326 tỷ đồng) và VCB (-237 tỷ đồng)…
Như vậy, tính chung 9 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng 13.500 tỷ đồng trên cả hai sàn HSX và HNX trong khi cùng kỳ năm 2016, khối ngoại đã bán ròng hơn 5.247 tỷ đồng trên sàn HSX.
“Việc khối ngoại mua ròng mạnh là một trong những động lực giúp chỉ số VN-Index tăng trưởng vượt bậc”, BVSC đánh giá.
Cũng theo công ty này, ngoài thị trường cổ phiếu thì nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng mạnh trên thị trường trái phiếu. Ước tính kể từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã mua ròng hơn 18.000 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu.
Tổng hợp cả hai kênh thì dòng vốn FII ước tính chảy vào Việt Nam đạt hơn 33.500 tỷ đồng (tương đương 1,4 tỷ USD) trong 3 quý đầu năm.
“Diễn biến này đã giúp tăng cung USD trên thị trường, tạo điều kiện để NHNN mua vào ngoại tệ. Theo thông tin mới nhất, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đã đạt 45 tỷ USD, tăng thêm 6 tỷ USD so với thời điểm cuối năm 2016. Đây là mức dự trữ ngoại hối lớn nhất được công bố từ trước đến nay”, BVSC cho biết.
Theo đánh giá của tổ chức này, mức kỷ lục mới của dự trữ ngoại hối sẽ là “tấm đệm” tốt, giúp NHNN có thêm công cụ để điều hành linh hoạt tỷ giá, đồng thời góp phần tăng thêm xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong tương lai.