Dự án Nhà máy thép Việt-Pháp: Còn nhiều câu hỏi cần trả lời
Tiếng kêu từ đầu nguồn Vu Gia | |
Giảm thiểu việc gây ô nhiễm |
Trong hơn một tháng qua, dư luận xã hội cũng như người dân địa phương dấy lên lo ngại về khả năng gây ra ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường đối với dự án Nhà máy thép Việt Pháp nếu được cấp phép xây dựng ngay tại đầu nguồn hệ thống sông Vu Gia (Quảng Nam).
Ai cũng hiểu một điều rằng, nhà máy này chắc chắn sẽ gây ô nhiễm môi trường, nhưng ô nhiễm như thế nào và ở cấp độ nào thì hiện thời chưa thể đánh giá được - Thời báo Ngân hàng phản ánh trong các số báo trước.
Quang cảnh họp báo |
Trước những thông tin trái chiều về việc chính quyền tỉnh Quảng Nam đồng ý chủ trương cho phép DN nguyên cứu lập dự án Nhà máy thép Việt - Pháp tại huyện Nam Giang (Quảng Nam), mới đây tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo để cung cấp nhưng thông tin cụ thể về dự án này.
Tại buổi họp báo, bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường (TN-MT) tỉnh Quảng Nam cho biết, Công ty TNHH Việt - Pháp chủ đầu tư Nhà máy thép Việt Pháp đang đặt ở phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nhà máy này được cấp phép đầu năm 2010, đưa vào hoạt động năm 2012, vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, công suất 48.000 tấn/năm.
Chính quyền tỉnh Quảng Nam cho phép DN đầu tư 50 năm trên diện tích 2,9ha. Song, sau khi đi vào hoạt động, người dân địa phương liên tục phản đối, vì cho rằng nhà máy gây ô nhiễm. Mặc dù theo số liệu quan trắc của cơ quan chức năng thì cho kết quả “nằm trong ngưỡng cho phép?”.
Cũng theo bà Hạnh, ngày 28/9/2016, Sở TN-MT tổ chức thẩm định báo cáo dự án trên và mời một số chuyên gia có kinh nghiệm tham gia thẩm định. Ý kiến của các thành viên hội đồng đã thống nhất thông qua nhưng cần chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện.
Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, việc đầu tư xây dựng nhà máy luyện cán thép Việt - Pháp tại vùng đầu nguồn sông Vu Gia nhằm mục đích di chuyển nhà máy luyện cán thép Việt - Pháp đang hoạt động tại phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; bị người dân trong khu vực nhiều lần phản đối.
Đây là chủ trương của UBND tỉnh Quảng Nam. Việc di chuyển Nhà máy luyện cán thép Việt - Pháp tại Điện Bàn gây ô nhiễm môi trường lên vùng đầu nguồn sông Vu Gia tại huyện Nam Giang nhằm giải quyết công ăn việc làm cho người đồng bào dân tộc.
Tại cuộc họp báo, ông Đinh Phú Thanh, Giám đốc Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp cho hay, vị trí đặt Nhà máy luyện cán thép Việt Pháp cách sông Vu Gia khoảng 5 km. Nhà máy thép Việt Pháp dự kiến xây dựng tại thôn Hoa, mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, công suất 180.000 tấn/năm, được khảo sát để đầu tư trên diện tích 17,3ha.
Khi phóng viên đặt câu hỏi nguyên liệu cho nhà máy luyện cán thép được nhập sắt thép phế liệu từ nước ngoài liệu trong tương lai Quảng Nam có thể trở thành nơi rác thải của thế giới? Bà Hạnh cho rằng, nguyên liệu sắt thép phế thải từ các nước được nhập về để luyện cán thép tại nhà máy nằm trong danh mục Chính phủ cho phép nên Quảng Nam phải chấp nhận.
Trước câu hỏi, Nhà máy luyện cán thép Việt - Pháp xây dựng tại đầu nguồn sông Vu Gia thuộc huyện Nam Giang có gây ô nhiễm môi trường? Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thạch - Hội viên bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường TP. Đà Nẵng, thành viên Hội đồng báo cáo đánh giá tác động môi trường cho biết: Nhà máy thép Việt Pháp đi từ thép phế liệu đun nó lên thành khối, phôi thép để sản xuất ra thép xây dựng và nhà máy này cũng dùng nhiệt là chính chứ không dùng than. Khẳng định nhà máy không thể dùng quặng để ra được sắt thép, chất ô nhiễm chính là bụi và tiếng ồn.
Khi được hỏi về công nghệ của Nhà máy Thép Việt - Pháp, bà Võ Thị Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Việt-Pháp khẳng định, công nghệ và thiết bị của nhà máy do Trung Quốc sản xuất nhưng theo tiêu chuẩn của châu Âu.
Việc đóng thuế cho nhà nước hàng năm được cho là quá thấp thì bà Hạnh khẳng định là đã làm nghĩa vụ thuế theo quy định của nhà nước theo ưu đãi đầu tư của tỉnh Quảng Nam.
Ông A Viết Sơn Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, liên quan đến việc chủ trương xây dựng nhà máy thép, địa phương chỉ mới họp 17 hộ dân, còn khoảng 8.000 dân ở thị trấn Thạnh Mỹ chưa họp để lấy ý kiến. Lãnh đạo huyện Nam Giang cũng thống nhất chủ trương với tỉnh là cho DN vào làm, nhưng huyện Nam Giang không đánh đổi giữa môi trường và phát triển, nếu không đảm bảo thì xử lý.
Còn ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết DN có đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ từ nguồn ngân sách 123,8 tỷ đồng để di dời, còn chuyện "có di dời hay không phải chờ hoàn thiện thủ tục đánh giá tác động môi trường trình UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, quyết định". Theo ông Quang, việc phê duyệt dự án quy mô 180.000 tấn thép/năm thuộc thẩm quyền của địa phương, không phải xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương.
Theo ông Quang, Nhà máy Thép Việt - Pháp chỉ sản xuất thép từ thép phế liệu nhập khẩu nước ngoài, không sản xuất thép từ quặng sắt tại các mỏ sắt ở Quảng Nam và việc di dời Nhà máy thép Việt - Pháp mới là chủ trương của tỉnh Quảng Nam. Hiện còn nhiều việc phải làm và phải xem xét hiệu quả kinh tế…