Giảm thiểu việc gây ô nhiễm
Cần sự tử tế! | |
Khi DN không bảo vệ môi trường | |
Cần mạnh tay xử lý ô nhiễm môi trường |
“Nói không” với dự án gây ô nhiễm
8 tháng đầu năm 2016, TP. Hồ Chí Minh có 525 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 715,5 triệu USD, và 102 dự án điều chỉnh tăng vốn. Ngoài ra, thành phố cũng chấp thuận cho 1.121 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các DN với tổng vốn góp đăng ký khoảng 11,5 tỷ đô la Mỹ.
Những năm gần đây, nhiều địa phương đã có sự chọn lọc chặt chẽ hơn đối với các dự án đầu tư |
Theo bà Trần Thị Bình Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, sở dĩ có sự sụt giảm thu hút đầu tư FDI tại TP. Hồ Chí Minh, là do thành phố không tập trung phát triển số lượng, mà chuyển sang coi trọng chất lượng dự án. TP. Hồ Chí Minh hiện quan tâm thu hút những dự án sạch, có công nghệ cao, sử dụng ít lao động phổ thông, và khuyến khích các dự án thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng lớn.
Trong khi đó, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn vùng ĐBSCL thu hút 79 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư 987,4 triệu USD. Đồng thời, có 51 dự án tăng vốn 412 triệu USD, nâng tổng vốn lên gần 1,4 tỷ USD.
“Hiện tại, dư luận và cơ quan truyền thông lo ngại đến khả năng xả thải ra sông Hậu từ Nhà máy giấy Lee&Man (Hồng Kông-Trung Quốc) đặt tại Hậu Giang, cũng như 29 nhà máy khác trong vùng… Và quan điểm của VCCI Cần Thơ là luôn ưu tiên bảo vệ môi trường. Điều này cần có sự giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan chức năng, cũng như thông tin minh bạch”, ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết.
Tương tự, Đồng Nai và Bình Dương từ nhiều năm nay cũng đã “nói không” với các dự án FDI có ảnh hưởng đến môi trường. “Hơn 3 năm trở lại đây, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của Đồng Nai có sự chọn lọc dự án khá kỹ, ưu tiên thu hút đầu tư đối với những dự án có công nghệ sạch, thân thiện với môi trường”, ông Nguyễn Hòa Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết.
Kiểm soát chặt dự án đầu tư
TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng, lẽ dĩ nhiên là phải cân nhắc các giá trị lợi ích và phải có lộ trình thận trọng. Trước mắt, các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL phải tránh xa những ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Còn đối với các nhà máy đang hoạt động, để giảm thiểu việc gây ô nhiễm, phải đề nghị các chủ dự án thay đổi công nghệ, tăng kinh phí đầu tư cho xử lý môi trường, đồng thời phải thực hiện nghiêm quy trình kiểm tra giám sát việc vận hành sản xuất, nhằm đảm bảo việc tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng Đầu tư thuộc Ban Quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, TP. Hồ Chí Minh cũng rất cân nhắc khi tiếp nhận các dự án trọng điểm ngành dệt may.
Theo ông Hà, các dự án dệt may được lựa chọn là những dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ hiện đại và sử dụng lao động ở mức vừa phải, chứ không phải những dự án dệt may gia công như những năm trước.
TS. Bùi Quang Tín, trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Hiện Việt Nam đang trong thời điểm hội nhập sâu rộng, sẽ có rất nhiều dự án FDI vào Việt Nam. Do đó, sự sàng lọc kỹ càng là rất cần thiết. Nếu không, hậu quả sẽ rất khó lường”, TS. Tín cho biết.
Cũng theo ông Tín, lãnh đạo các địa phương cần phải có những cơ chế cần thiết để yêu cầu các dự án phải cam kết và đảm bảo xử lý nước thải đạt chuẩn; bên cạnh đó cũng cần phải quy hoạch nằm xa khu dân cư, nguồn nước; thường xuyên giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng môi trường…