Dự án sân bay Long Thành: Vốn đầu tư giảm còn 15,7 tỷ USD
Ảnh minh họa |
Báo cáo của Ủy ban Kinh tế về một số vấn đề lớn còn nhiều ý kiến về Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cần thiết.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng không nên sử dụng sân bay quân sự Biên Hòa để kết hợp khai thác hàng không dân dụng với Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Bởi việc mở rộng và cải tạo Cảng hàng không Tân Sơn Nhất có thể nâng công suất khai thác lên 50 triệu khách/năm nhưng phải đầu tư kinh phí rất lớn cho giải tỏa, đền bù, tái định cư (tương đương 9,1 tỷ USD), đồng thời nhìn về dài hạn, nếu nhu cầu vượt quá 50 triệu khách/năm thì cũng không thể tiếp tục mở rộng.
Tuy nhiên, cần phải tiến hành rà soát, tính toán lại diện tích của Dự án xem có cần phải sử dụng đến 5.000 ha đất không, vì có tới một phần lớn diện tích đất (2.250 ha) không liên quan trực tiếp đến Dự án.
Giải trình bổ sung về báo cáo đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, trong giai đoạn lập Báo cáo tiền khả thi, khái toán chi phí được lập trên cơ sở suất đầu tư nên độ chính xác chưa cao. Giá trị khái toán tại thời điểm báo cáo Quốc hội cho cả Dự án là 18,7 tỷ USD, trong đó Giai đoạn 1 là 7,8 tỷ USD (tương đương khoảng 164.589 tỷ đồng).
Tuy nhiên, sau khi rà soát và tính toán chi tiết hơn trên nguyên tắc áp dụng đơn giá của các dự án có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự đã và đang triển khai trên thế giới cũng như trong khu vực, giá trị khái toán rà soát lại chỉ là 15,8 tỷ USD, trong đó Giai đoạn 1 là 5,2 tỷ USD (tương đương khoảng 109.970 tỷ đồng).
Về diện tích đất sử dụng cho Dự án, sau khi rà soát lại báo cáo đầu tư, nhu cầu sử dụng đất cho Dự án là 2.750 ha (chỉ tính diện tích đất cần thiết cho các hạng mục hàng không thiết yếu của cảng hàng không, sân bay), không bao gồm diện tích đất cho quốc phòng (khoảng 1.050 ha) và đất dành cho các hạng mục phụ trợ và đầu tư xây dựng khu công nghiệp hàng không (khoảng 1.200 ha).
Trong đó, diện tích đất cần thiết cho Giai đoạn 1 là 1.165 ha với kinh phí giải phóng mặt bằng (GPMB) ước tính khoảng 4.042 tỷ đồng; đến Giai đoạn 2, kinh phí GPMB cho diện tích còn lại 1.585 ha cần khoảng 7.209 tỷ đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ và tiết kiệm kinh phí, đề nghị GPMB một lần cho 2.750 ha với kinh phí ước tính khoảng 9.540 tỷ đồng…
Qua thảo luận, nhiều ý kiến cơ bản nhất trí với những đánh giá và đề nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Tuy nhiên, để đảm bảo đầy đủ cơ sở, thuyết phục Quốc hội, cần tập trung hoàn thiện, làm rõ hơn một số nội dung cụ thể. Đặc biệt, một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, bảo đảm tính chính xác tổng vốn đầu tư của toàn bộ dự án (3 giai đoạn), tránh phát sinh lớn chi phí đầu tư khi thực hiện; có phương án huy động vốn khả thi trên cơ sở cân đối ngân sách nhà nước và vấn đề nợ công...