Du lịch đường thủy TP.HCM: Tầm vóc chưa xứng với tiềm năng
Du lịch trực tuyến: Khi cơ hội đồng hành cùng thách thức | |
6 tháng, gần 8,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam |
Theo các nghiên cứu, hệ thống đường thủy tại thành phố hoàn toàn có thể hình thành tuyến du lịch tham quan tới các di tích lịch sử, bảo tàng trên địa bàn. Tuy nhiên, để sản phẩm du lịch đường sông phát triển như mong muốn, không thể chỉ dựa vào các tuyến sông có sẵn. TP.HCM cần có sự đầu tư thỏa đáng để tạo dựng cảnh quan bên sông hấp dẫn hơn trong mắt du khách.
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ khẳng định, sắp tới ngành du lịch thành phố phải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030. Trong đó, du lịch đường thủy nằm trong kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng và chủ lực của thành phố nhằm thu hút du khách quốc tế và nội địa. Chính vậy, sở đã triển khai kế hoạch phát triển du lịch đường thủy trong năm 2019. Đồng thời, đang đề nghị các đơn vị báo cáo tình hình triển khai thực hiện về phát triển sản phẩm du lịch đường thủy TP.HCM giai đoạn 2017 - 2020 để rút kinh nghiệm và có những giải pháp căn cơ hơn.
Từ năm 2017, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đã đưa vào khai thác 7 tuyến du lịch đường sông mới như tour du lịch miền Đông; tour tham quan rừng ngập mặn; tour tham quan địa đạo Củ Chi; tour du lịch nhà vườn; tour du lịch hạ nguồn sông Sài Gòn - Tân Cảng… Đơn vị này tập trung nguồn lực để đầu tư các sản phẩm du lịch đường thủy trên địa bàn, tuy nhiên kết quả chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân do hệ thống cầu tàu, bến bãi neo đậu, điểm dừng chân, dịch vụ dọc hai bên bờ cảnh quan môi trường chưa hoàn thiện khiến việc triển khai, nâng cấp sản phẩm đường thủy gặp nhiều trở ngại.
Bến thủy nội địa trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè do Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn đầu tư, tuy nhiên tại khu vực bến, một số hạng mục công trình đang được sử dụng không đúng theo mục đích của đề án và chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Cụ thể, khu vực nhà chờ được sử dụng làm nơi kinh doanh giải khát, phục vụ cho cả những người dân không có nhu cầu đi thuyền; khu vực bán hàng lưu niệm có chỗ để trống hoặc làm nhà kho.
Cũng như vậy, bến thủy nội địa gần cầu Mống do Công ty TNHH Du thuyền Hoàng Gia Toàn Cầu đầu tư cầu dẫn bằng thép kết nối phao nổi, biển báo hiệu, bích neo, đệm va… Tuy nhiên, lại không có các công trình trên bờ (nhà điều hành, nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng, khu vực giữ xe) để phục vụ đưa - rước hành khách du lịch. Hiện hoạt động chủ yếu của bến này chỉ là tiếp nhận hành khách rồi di chuyển ngay bằng đường bộ đến các địa điểm khác. Bến thủy nội địa cầu Mống hiện nay trung bình chỉ tiếp nhận khoảng 230 lượt phương tiện, tương ứng với 1.500 lượt hành khách/tháng.
Thời gian qua, có khá nhiều DN muốn đầu tư xây dựng các hạng mục phụ trợ trên bờ (nhà điều hành, nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng, khu vực giữ xe) nhưng theo Sở Giao thông - Vận tải, vấn đề là mặt bằng khu vực để xây dựng các công trình này đều là đất công thuộc phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, rạch. Muốn được sử dụng phần đất này, nhà đầu tư phải thực hiện các thủ tục thuê đất theo đúng quy định của pháp luật.
Để giải quyết vấn đề này, cuối tháng 6 vừa qua, Sở Giao thông - Vận tải TP. HCM vừa kiến nghị UBND thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp đơn vị hướng dẫn nhà đầu tư xây dựng nhà điều hành, nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng, khu vực giữ xe của bến thủy nội địa trên bờ theo đúng quy định nhằm bảo đảm mỹ quan, phù hợp với nhu cầu sử dụng, không tác động xấu đến cây xanh, mảng xanh công cộng trong khu vực.
“Hiện nay, Sở Giao thông - Vận tải đang phối hợp với các sở ngành, UBND các quận, huyện xây dựng cơ chế đầu tư, dự kiến trình UBND TP. HCM xem xét, ban hành trong quý IV/2019. Do đó, trong khi chưa có cơ chế, nhà đầu tư sẽ không thể đầu tư các hạng mục trên bờ”, lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải TP. HCM khẳng định.