Du lịch hướng đến tăng trưởng bền vững
Cần thêm dịch vụ để thu hút du khách | |
Du lịch Việt: Tiềm năng bị lãng phí |
Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được xây dựng nhằm phát triển hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam bền vững, có tính cạnh tranh cao với 4 dòng sản phẩm chủ đạo là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch đô thị. Và mục tiêu là đến năm 2030, sẽ phát triển đồng bộ, các dòng sản phẩm trên sẽ được ghi nhận trên thị trường khu vực và quốc tế.
Chất lượng tour của các công ty du lịch cần phải nâng cao hơn nữa |
Thực tế tại các công ty du lịch cho thấy, so với năm ngoái, lượng khách đi tour trong nước năm nay nhiều hơn, tăng khoảng 30%. Giá tour dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 này nhìn chung khá phù hợp, chỉ tăng nhẹ, một số tour không tăng. Từ đầu năm đến nay, hầu hết các công ty du lịch, lữ hành đều thực hiện chương trình khuyến mãi, giảm giá cho du khách đăng ký tour với mức giảm giá lên từ 15 - 20%.
Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế VITM, giúp các công ty lữ hành trực tiếp bán được hàng nghìn tour cho du khách ngay tại hội chợ với mức giá giảm tối thiểu từ 20%, kết hợp với nhiều chương trình độc đáo.
Cách làm thông thường là khuyến mại, giảm giá, tăng tour tuyến vào những dịp lễ Tết cũng góp phần kích thích nhu cầu tăng lên. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, đây không phải là cách làm hay và bền vững bởi chỉ tăng được về lượng, mà giá trị kinh tế thu về chưa cao.
Đại diện Công ty Mekong Rustic cho rằng, DN du lịch cần tập trung xây dựng chính sách và sản phẩm du lịch một cách có trách nhiệm, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực, đề xuất sáng kiến phát triển. Đồng thời, tạo ra các giá trị của sản phẩm kết hợp với xây dựng các sản phẩm du lịch bền vững như du lịch cộng đồng thông qua hợp tác với các DN khác...
Nhiều DN du lịch khác lại có ý kiến, cần đặc biệt chú ý đến văn hóa ẩm thực, nên coi đây là một điểm nhấn trong sản phẩm du lịch của Việt Nam bởi sự đa dạng và đặc sắc. Đây cũng là sự quan tâm, ưa thích của mỗi du khách quốc tế khi đến Việt Nam. Việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng miền cần tạo nên điểm nhấn khác biệt cho từng địa phương.
Theo số liệu báo cáo của Tổng Cục Du lịch (Bộ Văn hóa, thể Thao và Du lịch), trong 3 tháng đầu năm 2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 2.500.000 lượt, tăng gần 20%; lượng khách du lịch nội địa đạt 18,7 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 109.137 tỷ đồng (tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2015).
Đặc biệt, với việc tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế từ chính sách thị thực, thì hoạt động xúc tiến quảng bá cũng được đẩy mạnh, tiếp tục tạo đà tăng trưởng do tất cả các thị trường trọng điểm từ châu Âu.
Ông Trần Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Tổng cục Du lịch cho biết, tại các địa phương, nhiều tập đoàn đã đẩy mạnh triển khai các dự án quy mô lớn hướng đến phân khúc du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, tăng cường nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Các hoạt động liên kết, phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu được đẩy mạnh và bước đầu phát huy hiệu quả.
Thời gian tới, ngành du lịch sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như sửa đổi Luật Du lịch; tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh lữ hành; tổ chức truyền thông trên cả nước về Chiến dịch ứng xử văn minh với du khách; tăng cường hợp tác du lịch ASEAN, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch...
Như vậy cùng với cách làm đổi mới, hướng đến chiều sâu của các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, thì cơ chế chính sách sẽ tạo hành lang, cơ sở pháp lý để ngành công nghiệp không khói của đất nước phát triển bền vững.