Du lịch làng nghề: Biến tiềm năng thành hiện thực
Khác biệt để phát triển | |
Lắng nghe và bắt nhịp | |
Dấu ấn làng nghề |
Gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái… là những làng nghề, thương hiệu sản phẩm đặc trưng Hà Nội đã lần lượt xuất hiện trong nhiều cuốn sách hướng dẫn du lịch quốc tế thời gian qua, như một gợi ý về điểm cần đến, sản vật nên mang về đối với du khách quốc tế. Khẳng định những nét văn hóa làng xã đặc trưng của Hà Nội, nhưng đồng thời các chỉ dẫn này cũng mở ra một tiềm năng phát triển du lịch làng nghề của Thủ đô.
Du lịch làng nghề thu hút khách quốc tế |
Hiện nay, Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 227 làng nghề đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định, việc phát triển làng nghề gắn kết sản phẩm thủ công mỹ nghệ với thị trường du lịch được coi là định hướng chung của Hà Nội.
Bà Hà Thị Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Quang Vinh (Bát Tràng), Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho biết, hiện nay du lịch đến Bát Tràng rất đông. “Mới đây, chúng tôi đón một đoàn từ Thụy Điển, trong đó có Đại sứ Thụy Điển. Họ được đến các gia đình, tham quan kiến trúc nhà cổ, nghe các câu chuyện, trải nghiệm nghề cùng các nghệ nhân, ăn một bữa tiệc. Họ rất thích thú và đánh giá rất cao”, bà Vinh cho biết.
Hiện nay, các ngày thứ Bẩy và Chủ Nhật, tại làng nghề Bát Tràng có từ 50-70 xe (thường là 40 chỗ ngồi) đến tham quan. Bà Vinh kỳ vọng, trong tương lai vài năm tới, du lịch làng nghề sẽ mang về khoảng 50-70% tổng thu nhập của làng nghề. Chưa kể các dịch vụ đi kèm cũng đang được địa phương mở rộng, nâng cấp, phát triển rất tốt.
Tuy nhiên thời gian vừa qua, hoạt động du lịch làng nghề Bát Tràng vẫn tự bộc phát là chính, các hộ tự làm cho du lịch làng nghề. Để chuẩn hóa dịch vụ du lịch làng nghề Bát Tràng, bà Vinh cho biết hiện đã có một nhóm xây dựng du lịch làng nghề Bát Tràng theo mô hình cộng đồng.
“Mô hình này, chúng tôi định vị nhu cầu của du khách xem họ cần gì và muốn gì. Chúng tôi định vị bốn mục tiêu, đó là họ muốn xem gì, nghe gì, ăn gì và sắm gì. Với các mục tiêu đó, chúng tôi cũng tìm ra mình có gì để phục vụ”, bà Vinh cho biết.
Việc phát triển du lịch làng nghề, gắn kết sản phẩm thủ công mỹ nghệ với thị trường du lịch được coi là định hướng chung của Hà Nội, nhằm khai thác những thế mạnh của các làng nghề. Chính vì vậy, năm 2016 làng gốm Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc - hai làng nghề có hàng nghìn năm tuổi - đã được Hà Nội chọn đầu tư phát triển thành làng nghề du lịch.
Đánh giá về tiềm năng phát triển du lịch làng nghề của Hà Nội, ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc cho biết, với lịch sử truyền thống lâu đời (1.200 năm tuổi), làng nghề Vạn Phúc có sức hấp dẫn với nhiều đoàn khách quốc tế đến tham quan.
Theo thống kê, những năm gần đây có khoảng trên 10.000 khách quốc tế đến tham quan đã đăng ký theo con đường ngoại giao. Ngoài ra còn có khách du lịch cá nhân, khách trong nước có từ 60-70 nghìn lượt người đến với Vạn Phúc.
Cũng theo ông Hà, để phát triển du lịch làng nghề, trước mắt địa phương sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng mở lớp dạy nghề và tập huấn giao tiếp, kỹ năng du lịch với DN, người dân có hiểu biết về lịch sử làng nghề; mở lớp đào tạo cho thế hệ trẻ về khâu thiết kế thời trang trên lụa và lớp đào tạo ngoại ngữ.
“Có biết ngoại ngữ thì mới trực tiếp truyền thông và giao dịch với khách nước ngoài. Cùng với cơ quan chức năng chúng tôi đang chỉnh trang lại làng nghề theo mô hình làng cổ, phù hợp với sự phát triển của văn hóa Bắc bộ và thể hiện nét văn hóa Việt Nam. Có làm vậy thì mới có sức thuyết phục và thu hút khách du lịch tham quan...”, ông Hà cho biết.
Bước đầu du lịch làng nghề ở Vạn Phúc đã có kết quả đáng khích lệ. Khách đến du lịch tham quan giúp mở thêm ngành nghề. Ví dụ, tại đây đã thành lập phố lụa, phố ẩm thực… Tới đây, địa phương dự kiến xây dựng nhà nghỉ, khách sạn phục vụ khách lâu dài, tạo thêm việc làm cho người dân và mang lại thu nhập…
Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề du lịch vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Bà Hà Thị Vinh cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay để phát triển du lịch làng nghề là kỹ năng của con người còn kém, ví dụ về hướng dẫn viên, ngoại ngữ… Thậm chí, trong mỗi gia đình kỹ năng đón khách, sắp xếp lại nội thất để thu hút khách du lịch vẫn chưa tốt. “Đó là các kỹ năng chúng tôi còn thiếu và mong thành phố hỗ trợ”, bà Vinh chia sẻ.
Về vấn đề này, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, sự phát triển của làng nghề thủ công mỹ nghệ có liên quan mật thiết đến sự phát triển của ngành du lịch Hà Nội. Vì vậy, cần xây dựng một kế hoạch dài hạn nhằm bảo tồn, kế thừa và phát huy một cách bền vững bản sắc văn hóa Việt Nam trong bức tranh đa màu sắc đầy tính cạnh tranh của du lịch thời kỳ hội nhập.
Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, du lịch Hà Nội tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển: khách quốc tế đến Hà Nội đạt trên 2 triệu lượt, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2015; khách nội địa đạt gần 10 triệu lượt, tăng tương ứng 6%. Tổng thu từ khách du lịch đạt 31.306 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015. Dự kiến 6 tháng cuối năm, số lượng khách du lịch đến Hà Nội sẽ tăng lên. Đây là tiềm năng để ngành du lịch làng nghề có thể thu hút lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. |