Khác biệt để phát triển
Thách thức sau tăng trưởng cao của du lịch | |
Để du lịch Việt đã đẹp lại “sạch” | |
Làm gì để phát triển M.I.C.E? |
Đơn cử tại TP. Đà Nẵng, trong giai đoạn 2011- 2015, ngành du lịch có mức tăng trưởng bình quân hàng năm về khách du lịch khoảng 20%; thu nhập từ du lịch tăng bình quân hàng năm hơn 30%. Từ đầu năm 2016 đến nay, địa phương đã đón hơn 1,9 triệu lượt khách-một con số khá ấn tượng.
Tuy nhiên trong thực tế, du lịch TP. Đà Nẵng cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, có thể kể đến sự chênh lệch giữa hai thị trường khách du lịch châu Âu và châu Á. Lượng khách Trung Quốc đang chiếm đến khoảng 40% lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng.
Cần xây dựng sản phẩm du lịch có bản sắc văn hoá địa phương |
Bên cạnh đó, là việc phát triển quá “nóng” của các cơ sở lưu trú. Năm 2015, TP. Đà Nẵng có 17.670 phòng khách sạn, đến cuối tháng 5/2016, con số này đã tăng lên 20.166 phòng. Điều đáng nói ở đây là, hiện nay cũng như nhiều địa phương khác, tỷ lệ nghịch với số lượng khách sạn là số điểm đến, hay sản phẩm du lịch.
Ông Đặng Minh Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group cho biết, đa số khách đến TP. Đà Nẵng chỉ biết sáng đi Bà Nà, chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn, sau đó chiều về tắm biển, rồi tối đi ăn hải sản, xong ra sông Hàn ngắm cảnh... Ông Trường cho biết thêm, Bà Nà Hills đang đứng trước nỗi lo quá tải.
Hiện, Sun Group đang có kế hoạch đầu tư thêm các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới để du khách cả trong và ngoài nước luôn muốn quay lại với Đà Nẵng. Nếu không có gì mới, rất khó để đạt được điều này.
Mới đây, cùng với một số địa phương khác TP. Đà Nẵng đã tái thành lập Sở Du lịch. Theo ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, việc tái lập cơ quan chuyên trách sẽ giúp công tác quản lý du lịch chặt chẽ, sát sao và phù hợp hơn. Ông Vinh cũng cho rằng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của “ngành công nghiệp không khói” ở địa phương là xây dựng những sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo, mang bản sắc văn hoá ở địa phương, từ đó có sức cạnh tranh trên thị trường…
Theo đó, Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển các khu du lịch sinh thái ở phía Tây thành phố như, Khu du lịch Hòa Phú Thành, Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Khu du lịch Bà Nà Hills; Đầu tư xây dựng công viên bách thảo; Kêu gọi đầu tư dự án du lịch ở đỉnh đèo Hải Vân; Xúc tiến triển khai dự án Làng Vân; Phát triển các loại hình du lịch đường sông, xây dựng bến du thuyền hạng sang đẳng cấp thế giới; Đa dạng hóa sản phẩm hàng lưu niệm đặc trưng của Đà Nẵng, đặc biệt là sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước… Đồng thời, TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục liên kết với Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế để phát triển sản phẩm du lịch mới.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, cần có chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Đà Nẵng, tương xứng với tầm vóc một trung tâm du lịch ở miền Trung. Bởi, thực tế hiện nay ngoài sản phẩm du lịch biển, thương hiệu du lịch Đà Nẵng chưa thực sự gắn với một sản phẩm du lịch đặc trưng nào khác. Thành phố cần có định hướng chiến lược để phát triển những sản phẩm du lịch có ưu thế, tiềm năng như du lịch nghỉ dưỡng kết hợp hội thảo, hội nghị…
Để thực hiện được điều đó, chính quyền thành phố cần có chính sách ưu đãi kêu gọi nhà đầu tư chiến lược để phát triển các sản phẩm độc đáo mang tầm vóc quốc tế.