Du lịch thể thao, nhìn từ Hàn Quốc
Khởi động chương trình quảng bá du lịch quốc gia #WhyVietnam | |
Đà Nẵng lần thứ 4 liên tiếp lọt top 10 điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu châu Á |
PyeonChang, Alpensia Resort, nơi đăng cai Thế vận hội mùa Đông năm 2018 |
Tận dụng các sự kiện thể thao
Hàn Quốc không làm ngơ với Olympic mùa Đông, thậm chí còn 2 lần vận động đăng cai Olympic mùa Đông không thành. Bởi nhờ Thế vận hội mùa Hè năm 1988, kinh tế Hàn Quốc đã có sự tăng trưởng đáng kể. Lý do nằm ở lợi nhuận mà thế vận hội này mang về cho nhà tổ chức.
Một thế vận hội như thế sẽ là dịp quy tụ đông đảo các vận động viên, huấn luyện viên, những người phục vụ đảm bảo cho các cuộc thi đấu thành công, đặc biệt là đông đảo những người hâm mộ, các đối tượng khán giả đến từ các địa phương trong nước và quốc tế.
Điều đáng nói là các hoạt động thể thao ngày nay đang thu hút mọi đối tượng trong xã hội, không phân biệt tầng lớp, lứa tuổi, giới tính, thế hệ, văn hóa, tộc người, nguồn gốc. Những dịp thế này, không chỉ các khách sạn tại PyeongChang đều kín phòng, những chuỗi trung tâm thương mại luôn nhộn nhịp.
Một nguồn thu đáng kể nữa đến từ việc bán bản quyền truyền hình, quảng cáo. Không chỉ góp phần làm tăng nguồn thu từ dịch vụ, vui chơi giải trí, tạo việc làm cho PyeongChang mà cả các tỉnh, thành phố lân cận phía Đông Seoul như cũng được hưởng lợi từ sự kiện này.
Nhận thức sâu sắc được giá trị thực của một kỳ thế vận hội, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) đang ra sức biến tiềm năng của ngành du lịch trở thành nguồn lực đích thực cho nền kinh tế nước này. Bên cạnh những thương hiệu như “Điểm đến du lịch MICE toàn cầu”, “Trung tâm nghệ thuật, chữa bệnh”... Hàn Quốc còn muốn khẳng định như một trung tâm thể thao.
Việt Nam được đưa vào tầm ngắm của KTO bởi 9 tháng đầu năm nay, lượng khách Việt Nam đi du lịch Hàn Quốc đã tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, dự kiến đến cuối năm con số này sẽ cán mốc 240 nghìn lượt. Lượng khách du lịch Hàn Quốc đến với Việt Nam cũng đã tăng 36% và dự kiến sẽ cán mốc 1,5 triệu lượt vào cuối năm nay. Đây thực sự là một tín hiệu lạc quan cho sự giao lưu về du lịch của hai nước.
Nhiều hoạt động xoay quanh “Năm du lịch Hàn Quốc 2016-2018” cũng là bước khởi đầu cho chiến dịch quảng bá Olympic mùa Đông 2018 được KTO giới thiệu đến người dân Việt Nam từ Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM 2016 diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ Hà Nội vào đầu tháng 4/2016.
Không chỉ để du khách dễ dàng tiếp cận với những thông tin du lịch hấp dẫn tại Hàn Quốc, KTO mong muốn mang lại những cái nhìn thiện cảm, gần gũi hơn về du lịch mùa Đông tại xứ sở kim chi này, dần dần đưa thói quen đi du lịch mùa Đông để trượt tuyết, tham gia các trò chơi, lễ hội trên băng trở nên phổ biến tại thị trường Việt Nam.
Chẳng những thế, Cuộc thi “Best Korea Winter Tour Contest” được KTO tại Việt Nam giới thiệu rộng rãi tới các công ty du lịch Việt với mong muốn phát triển và kinh doanh các sản phẩm du lịch Hàn Quốc vào mùa Đông như tổ chức các lớp học trượt tuyết cơ bản tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh dành cho đối tượng là người Việt Nam. Mới đây, một thỏa thuận hợp tác thúc đẩy và phát triển giao lưu về du lịch giữa hai tổng cục du lịch Hàn Quốc và Việt Nam đã được ký kết…
Những hoạt động bên lề này của KTO đã trúng hai đích: vừa tìm ra giải pháp cho du lịch mùa thấp điểm vắng khách vừa gián tiếp nâng cao sức hấp dẫn và đẩy mạnh quảng bá cho Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018.
Việt Nam có tận dụng được cơ hội?
Một khảo sát của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), hiện có trên 1,1 tỷ người đi du lịch trên toàn thế giới. UNWTO dự đoán đến năm 2020, con số này sẽ đạt mức 1,4 tỷ người. Đóng góp của du lịch chẳng những được khái quát qua các con số như 10% GDP toàn cầu, cứ 11 công việc làm trên thế giới thì có 1 việc liên quan đến du lịch và mang về giá trị trên 1.500 tỷ USD.
Quan trọng hơn, bản chất của du lịch tạo ra hàng triệu sự giao thoa văn hóa khắp mọi nơi trên toàn thế giới, thúc đẩy hiểu biết văn hóa giữa các quốc gia. Đặc biệt hơn khi sự kiện thể thao kết hợp với du lịch góp phần đánh thức nhiều tiềm năng đang ngủ yên của các điểm đến.
Nhìn thấy cơ hội cũng như tiềm năng của du lịch thể thao mang lại, Việt Nam đang từng bước tiến vào thị trường này. Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai một sự kiện thể thao mang tầm cỡ quốc tế như Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 - năm 2016 (ABG5) tại thành phố biển Đà Nẵng thu hút 6.000 vận động viên, huấn luyện viên và các trọng tài, quan chức đến từ hơn 42 đoàn thể thao của các quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á cùng hàng chục triệu người hâm mộ dõi theo những cuộc tranh tài sôi nổi, đầy kịch tính.
ABG5 chính là cơ hội tốt để Đà Nẵng phát triển du lịch thể thao. Khi Đà Nẵng phát triển tốt, cơ hội chia sẻ nguồn thu cho một số thành phố vệ tinh như: Huế, Kon Tum, Gia Lai hay Nghệ An, Hà Tĩnh… đó cũng là cách làm du lịch thể thao của Thái Lan.
Kết hợp du lịch với thể thao hay văn hóa là những hướng phát triển đúng nhưng tùy hoàn cảnh, điều kiện thực tế của mỗi nước mà có những cách làm khác nhau nhưng đều đến một đích duy nhất: Phát huy tiềm năng của hơn 1 tỷ lượt khách đi du lịch mỗi năm. Liệu Việt Nam có để vuột mất cơ hội?