Dự Luật PPP: Cần khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng dài hạn, nhiều rủi ro
Thảo luận tại Hội trường về dự án Luật này, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù, phản ảnh bản chất của mối quan hệ đối tác công và tư; khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.
Về lĩnh vực đầu tư của dự án PPP, hiện có 2 loại ý kiến. Thứ nhất, đồng tình với quy định như dự thảo Luật, theo đó xác định cụ thể 7 lĩnh vực đầu tư PPP, đồng thời có quy định mở về việc bổ sung các lĩnh vực đầu tư khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm tính linh hoạt đối với các lĩnh vực PPP phát sinh trong tương lai.
Thứ hai, cho rằng việc quy định về lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP như dự thảo Luật còn chung chung, chưa xác định rõ lĩnh vực ưu tiên đầu tư theo phương thức này. Dự án Luật cần xác định tập trung vào một số lĩnh vực đầu tư nhất định, quan tâm tới các lĩnh vực đầu tư có nhiều tác động và tính lan tỏa cao trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Toàn cảnh phiên họp |
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho biết thực tiễn hiện nay, các dự án PPP chủ yếu mới được triển khai thông qua hình thức BOT và BT, tập trung ở lĩnh vực giao thông, trong khi một số lĩnh vực phúc lợi, đặc biệt là lĩnh vực môi trường như xử lý nước thải, rác thải mặc dù đang rất nóng bỏng, mong muốn các dự án đầu tư vào, Nhà nước cũng có chủ trương cơ chế mời gọi nhưng vẫn không hiệu quả.
Lý do là các địa phương hiện nay vẫn lúng túng trong triển khai PPP trong lĩnh vực này ở điểm quy định cho UBND tỉnh xây dựng mức giá thuê các doanh nghiệp xử lý nước thải, rác thải, bởi khung giá các tỉnh đưa ra thường không hấp dẫn và không ổn định lâu dài. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có trách nhiệm đưa ra khung giá thống nhất trong phạm vi cả nước đối với các dịch vụ PPP về môi trường mà doanh nghiệp cung cấp để làm cơ sở cho các địa phương yên tâm thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng nhu cầu đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, trong khi nguồn lực đầu tư hạn chế thì việc tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư cho các dự án quan trọng, mang tính lan tỏa, tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là cần thiết và phù hợp. Do đó, đối với các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP cần có định hướng thu hút đầu tư gắn kết chặt chẽ với các ưu tiên đầu tư quốc gia, tránh việc đầu tư dàn trải, lãng phí và hiệu quả đầu tư thấp. Dự thảo Luật đã xác định một số lĩnh vực đầu tư cần thiết, cũng như có quy định mở đối với các lĩnh vực phát sinh trong tương lai cần đầu tư theo phương thức PPP trên nguyên tắc các lĩnh vực khác phải phù hợp với quy định về lĩnh vực đầu tư công và khả năng bố trí vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (nếu dự án có sử dụng vốn đầu tư công).
Tuy nhiên, ông cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng và xác định một cách có chọn lọc về các lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả của phương thức đầu tư PPP và thống nhất, đồng bộ với quy định tại các luật liên quan, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho các bên trong lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, đảm bảo lợi ích cho Nhà nước, nhà đầu tư và người dân là trọng tâm thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện các dự án đầu tư cạnh tranh công khai, minh bạch, hiệu quả nhằm thu hút khu vực đầu tư tư nhân.
Đối với việc thành lập Hội đồng thẩm định dự án, đại biểu cho rằng ngoài quyền lợi, phải tính đến trách nhiệm của mỗi thành viên Hội đồng để hạn chế việc dự án được thẩm duyệt, lại kém hiệu quả do yếu tố chủ quan.
“Không thể để đối tượng gây thiệt hại tài sản của nhà nước và nhân dân, thì bình an vô sự. Quyền lợi được hưởng, có sự cố lại không có trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu Hội đồng. Thực tế đã có không ít những dự án đã gây thiệt hại cho Nhà nước mà người thẩm định lại vô can”, đại biểu đoàn Đồng Tháp nhấn mạnh và cho biết, các dự án có hiệu quả hay không, công tác lựa chọn nhà đầu tư là tối quan trọng. Do đó, việc công khai, minh bạch, công tâm, không “sân sau”, lợi ích nhóm là rất cần thiết trong dự luật. Trong đó, cần tách bạch rõ ràng, cụ thể vốn của Nhà nước và vốn của nhà đầu tư.
Thảo luận về quy mô đầu tư của dự án PPP, hiện cũng còn 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, dự thảo Luật quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP là 200 tỷ đồng là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay. Việc quy định tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án nhằm tránh việc đầu tư dàn trải và xác định ưu tiên đầu tư cho những dự án cần nguồn lực lớn, quan trọng nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, không nên quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong dự thảo Luật, vì sẽ tạo nên sự cứng nhắc, không linh hoạt trong lựa chọn phương thức đầu tư của các nhà đầu tư. Việc quy định một hạn mức cụ thể tại dự thảo Luật có thể ảnh hưởng tới tính khả thi của Luật, đồng thời sẽ gây khó khăn đối với các dự án có quy mô dưới 200 tỷ đồng nhưng tác động lớn về kinh tế - xã hội, có tính cộng đồng và thiết yếu đối với người dân như các dự án trong lĩnh vực giáo dục, y tế... và các dự án tại các địa phương thường có quy mô nhỏ.
Ủy ban Kinh tế cho rằng việc quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP để áp dụng phương thức đầu tư PPP là cần thiết nhằm ưu tiên đầu tư PPP đối với các dự án quan trọng, khuyến khích thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân thuộc các lĩnh vực được xác định, nhằm tránh tình trạng đầu tư tràn lan, không kiểm soát được rủi ro do các dự án PPP còn liên quan đến các nghĩa vụ từ phía khu vực công như bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu...
Việc áp dụng quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với các lĩnh vực khác nhau là phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với các lĩnh vực cũng như làm rõ hơn căn cứ, cơ sở của việc quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP tại dự thảo Luật.