Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV: DN lo lại vấp “xin – cho”
Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV dưới góc nhìn của cộng đồng DN là chủ đề Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội ngày 11/7.
“Hỗ trợ DNNVV cần trọng tâm, trọng điểm hiệu quả, không làm theo kiểu phong trào, hành chính và dứt khoát không tạo cơ chế xin – cho”, Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội thảo |
Ra luật để thay đổi hành vi
Để giúp DN bật lên khỏi những ngáng trở bởi quy mô nhỏ, DNNVV ở mọi quốc gia đều cần sự trợ giúp để vượt những cản trở do quy mô nhỏ gây ra. Việc ban hành Luật hỗ trợ DNNVV cũng là để thay đổi hành vi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân DN trong việc thúc đẩy DNNVV phát triển. Đó là 2 chủ đích của việc cần có luật này, theo như ý kiến của bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI.
Luật hỗ trợ DNNVV ra đời sẽ tạo nên khung khổ pháp lý, là công cụ quan trọng, thúc đẩy sự hỗ trợ DNNVV. Đây cũng sẽ là động lực để đạt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có ít nhất 1 triệu DN như Chính phủ đã đề ra” – TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết.
Theo lộ trình, Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV sẽ được trình Chính phủ trong tháng 7 này nhưng đến nay, chính phía DN lại không muốn được hỗ trợ quá như Dự thảo.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Cục phó Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thuyết minh về dự thảo: Mục tiêu tạo điều kiện cho DNNVV phát triển. Và một trong những vấn đề quan trọng là tạo khung pháp lý để cơ quan, tổ chức khác có thể tham gia quá trình hỗ trợ.
Đây là luật rất mới, đầu tiên tại Việt Nam, nhưng là vấn đề cũ của các nước khác. Vấn đề dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV là đặc trưng, đây là vấn đề xuyên suốt, liên quan nhiều ngành, chuyên ngành khác cần nhìn nhận toàn diện, đầy đủ, đem lại lợi ích tốt nhất cho DNNVV.
Phía DN cho rằng, Dự thảo luật đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của cộng đồng DN nhưng cần điều chỉnh một số nội dung.
Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, mục tiêu của Luật chưa rõ hỗ trợ DN đang hoạt động hay DN thành lập mới. Theo Dự thảo thì đối tượng hỗ trợ bao gồm cá nhân, tổ chức khởi nghiệp kinh doanh. “Chúng tôi cho rằng cần mở rộng đối tượng là hộ kinh doanh, vì hiện nay ĐBSCL chỉ có khoảng 30 nghìn DN đang hoạt động nhưng có đến hàng triệu hộ kinh doanh”, ông Dũng đề nghị.
TS. Cấn Văn Lực (BIDV) thì nói lên nỗi băn khoăn vì nguồn lực có hạn lại quá phức tạp và quá nhiều nội dung hỗ trợ. TS. Cấn Văn Lực cho biết: “Tôi e rằng sẽ lãng phí” như việc Dự thảo đưa ra hình thức tổ chức tuần hỗ trợ DNNVV và không nên hỗ trợ đại trà (như hỗ trợ cả hộ kinh doanh). Ông cũng đặc biệt lưu ý trách nhiệm của DNNVV “được hỗ trợ mà không làm đúng phải hoàn trả hỗ trợ” và cần bổ sung điều này vào luật.
Nói đến hỗ trợ - DN rất sợ
Ở phía DN có rất nhiều ý kiến. Đó là việc hỗ trợ DNNVV thì rất tốt nhưng nội dung hỗ trợ như Dự thảo cho thấy sự lúng túng của cơ quan nhà nước. Điều này thể hiện ngay ở việc đưa ra rất nhiều điểm hỗ trợ, chương trình hỗ trợ và cách hỗ trợ nhưng lại không rõ nguồn kinh phí. Và dường như ban soạn thảo chưa thấu lắm “hành trình để đến được nguồn hỗ trợ”.
Đơn cử như Dự thảo đưa ra 5 chương trình hỗ trợ và DN chỉ được lựa chọn 1 trong 5 chương trình, ý đồ là tốt nhưng để chọn 1, DN phải tự khảo sát cả 5 và theo đó là nhiều thủ tục nhiêu khê. Một điểm được coi “là khác, là mới” của Dự thảo lần này đưa ra lấy ý kiến đó là “hỗ trợ có chọn lọc”. Để được hưởng hỗ trợ, DN phải đáp ứng từng nội dung của từng chương trình. Ví dụ, quy định mỗi khu công nghiệp phải để dành một tỷ lệ mặt bằng nhất định cho DNNVV (tính tỷ lệ khi khu lấp đầy).
Nhìn chung, giới DN và đại diện cho giới DN đang cho rằng cần thay đổi tư duy, kỹ thuật làm luật và “ở đây đang có dư âm của cơ chế xin cho”. DN đề nghị không nên đưa quá nhiều chương trình, mục tiêu hỗ trợ DNNVV vào Dự thảo.
Ông Dũng cũng cho biết “rất nhiều phần thấy có cơ chế xin – cho. Điều này làm chúng tôi rất ngại và hậu quả là làm méo mó thực tế kinh doanh”. Ông Dũng cũng cho biết thêm: “Nói đến Hỗ trợ DN rất sợ. Chi phí đi xin cũng ngốn gần hết. DN không quan tâm thì luật có quan trọng không. Việc đi xin để được hỗ trợ là không nên”.
Bà Hằng thì cho rằng, dự luật vẫn còn bộc lộ một số điểm hạn chế. Theo Dự thảo, DNNVV phải đáp ứng các điều kiện của từng nội dung chương trình hỗ trợ DNNVV. Tại cùng một thời điểm, trường hợp DNNVV đồng thời đáp ứng các điều kiện khác nhau về cùng một nội dung hỗ trợ thì DN được lựa chọn áp dụng mức hỗ trợ theo quy định có lợi nhất".
Từ quy định này, bà Hằng cho rằng, dự luật bộc lộ dư âm của cơ chế "xin - cho" vì các DNNVV sẽ phải điều chỉnh, thậm chí quy mô nhỏ đi để phù hợp với các điều kiện; nhiều chương trình có nội dung, hình thức trùng lặp, DN sẽ không biết đâu là mức hỗ trợ theo quy định là "có lợi nhất"...
Chính sách mà mập mờ thì sẽ tạo nên tiêu cực
Chính chủ tịch VCCI cũng phải nhắc đến thực tế “hành trình để đến được các chương trình hỗ trợ với DNNVV nhiều khi đánh đố DN nếu không công khai, không rõ ràng, không minh bạch”. Ông đề nghị mọi quy định phải rõ ràng, đơn giản, cách làm phải minh bạch và ông cũng cho biết “nhiều khi thực tế chi phí này cao hơn cả số hưởng lợi trực tiếp từ chương trình”.
TS. Cấn Văn Lực gợi nhắc: “Chúng ta yêu cầu ngân hàng hỗ trợ DN, chúng ta muốn DN được hỗ trợ nhiều hơn về mặt tài chính nhưng thực tế thì DN đang phải gánh chi phí không chính thức. 62-70% số DN cho biết phải chi khoản này, 60% DNNVV kêu bị nhũng nhiễu”.
TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV cần giảm chi phí không chính thức và giảm thủ tục hành chính, không làm theo kiểu phong trào, hành chính và dứt khoát không tạo cơ chế xin - cho. Nhà nước không làm thay hiệp hội, không đẻ thêm bộ máy mà để hiệp hội, thị trường thực hiện việc này.