ECB bị chia rẽ về thời điểm kết thúc chương trình mua trái phiếu
ECB sẽ bắt đầu thu hẹp kích thích từ đầu năm 2018 | |
Draghi sẽ “hạ cánh mềm” cho chính sách kích thích khi ECB vẫn lo lạm phát | |
Phó Chủ tịch ECB: Lạm phát sẽ tăng dù tiền lương yếu |
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khu vực phục hồi mạnh mẽ, nhưng lạm phát vẫn rất yếu ớt, ECB đã quyết định giảm một nửa quy mô mua vào trái phiếu hàng tháng, song lại kéo dài chương trình này thêm 9 tháng với hy vọng rằng việc kéo dài chương trình kích thích sẽ giữ được mức tăng trưởng đủ mạnh để tạo ra lạm phát. Cụ thể, ECB quyết định kéo dài chương trình mua sắm tài sản của mình cho tới cuối tháng 9/2018, song giảm quy mô mua hàng tháng xuống còn 30 tỷ euro.
Tuy nhiên, Biên bản cuộc họp chính sách diễn ra ngày 26/10 cho thấy, các nhà hoạch định chính sách của ECB vẫn chưa đạt được sự đồng thuận, khi một số người muốn đưa ra tín hiệu rõ ràng về thời điểm kết thúc chương trình mua sắm tài sản khổng lồ của ECB, song một số khác lại cho rằng sự thay đổi là tiền đề quan trọng cho việc kết thúc. Hiện ECB đang nắm giữ hơn 2,2 nghìn tỷ euro tài sản trong bảng cân đối kế toán.
Biên bản cuộc họp cũng cho thấy, các nhà hoạch định chính sách đã thảo luận về một loạt các giải pháp thay thế, thảo luận về sự thay đổi cuối cùng trong hướng dẫn chính sách của ECB và đồng ý rằng các thành phần khác trong gói kích thích của ECB cũng cần được nhấn mạnh.
“Thời điểm kết thúc đã được xem xét (một vài thời điểm) dựa trên cơ sở có khả năng dự đoán được những tiến bộ tiếp theo đối với sự điều chỉnh bền vững của lạm phát trên cơ sở đà tăng trưởng tốt hơn dự kiến, làm giảm rủi ro và tiếp tục các điều kiện tài chính thuận lợi cho nền kinh tế”, biên bản nêu rõ. Tuy nhiên, cũng có “một số mối quan ngại rằng việc để ngỏ thời điểm kết thúc của chương trình mua tài sản có thể tạo ra kỳ vọng mở rộng thêm”.
Thế nhưng luồng ý kiến ngược lại cho rằng, ngay cả khi không dự đoán được ngày kết thúc rõ ràng, thì phản ứng của thị trường vẫn khá hạn chế và trong bất kỳ trường hợp nào, nền kinh tế cũng có thể xử lý các điều kiện tài chính chặt chẽ hơn nhờ vào tăng trưởng vững chắc.
Một dấu hiệu khác cho thấy sự bất đồng quan điểm trong ECB đó là một số nhà hoạch định chính sách lập luận rằng ECB nên chấm dứt liên kết mua tài sản với lạm phát mà thay vào đó phải tham chiếu đến lập trường chính sách tiền tệ chung.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin trước đó đã nói với Reuters, các nhà hoạch định chính sách của ECB nói chung đồng ý rằng, nếu không có các cú sốc, việc mua tài sản sẽ chấm dứt vào năm tới.
Trong một nỗ lực để chuẩn bị cho mục đích này, các nhà hoạch định chính sách đã bày tỏ mong muốn nêu bật các phần khác trong gói kích thích của ECB, nhất là khi bảng cân đối tài sản của ECB hiện đã khá lớn, lãi suất thấp và cam kết giữ lãi suất thấp trong một thời gian dài.
Cuộc tranh luận nêu bật sự chia rẽ trong Hội đồng Thống đốc của ECB và cho thấy rằng bất kỳ sự mở rộng nào thêm nữa trong kế hoạch mua tài sản sẽ gặp phải sự phản đối, ngay cả khi lạm phát tiếp tục ở dưới mục tiêu gần 2% của ECB trong nhiều năm tới.
Mặc dù nền kinh tế khu vực đồng tiền chung đã mở rộng trong 18 quý liên tiếp – khoảng thời gian tăng trưởng tốt nhất trong một thập kỷ - tình trạng lạm phát trong khu vực vẫn thấp mục tiêu đã kéo dài 5 năm, đe dọa sự mức độ tín nhiệm của ECB vì lạm phát là nhiệm vụ chính của họ.
Thế nhưng dư địa chính sách của ECB không còn nhiều sau khi họ đã mua 2,2 nghìn tỷ euro trái phiếu buộc ECB phải giảm quy mô mua vào tài sản nếu muốn kéo dài hơn nhằm tạo cho mình thêm thời gian để đẩy tăng lạm phát.
Câu đố lớn nhất của ECB hiện nay là trong khi tỷ lệ thất nghiệp đang giảm nhanh chóng, tiền lương lại không mấy phản ứng vfa điều đó làm dấy lên sự hoài nghi về mối quan hệ lâu dài giữa hai chỉ số.
Tuy nhiên câu đố này không phải của riêng ECB mà tại Mỹ, Fed cũng đang phải đối mặt với một tình trạng tiến thoái lưỡng nan tương tự.