FSMIMS góp phần hiện đại hóa ngành Ngân hàng
Sau 2 năm triển khai, hầu hết các hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) thuộc phạm vi dự án Hệ thống Thông tin quản lý và Hiện đại hóa ngân hàng (FSMIMS) đã đi vào vận hành, trong đó có hệ thống báo cáo mới của NHNN-hệ thống SG4.
Để nhìn lại quá trình triển khai, cũng như những đóng góp của Dự án FSMIMS đối với công cuộc hiện đại hóa ngành Ngân hàng Việt Nam, phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS. Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ ngành Ngân hàng.
Phó Thống đốc đánh giá thế nào về vai trò của Dự án FSMIMS trong công cuộc hiện đại hóa công nghệ ngân hàng?
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh |
FSMIMS là một trong số các dự án, đề án chủ yếu nhằm thực hiện mục tiêu định hướng phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg ngày 24/5/2006.
Theo đó, ngành Ngân hàng Việt Nam phát triển hạ tầng công nghệ ngân hàng hiện đại ngang tầm với các nước trong khu vực dựa trên cơ sở ứng dụng có hiệu quả CNTT, điện tử tiên tiến và các chuẩn mực, thông lệ quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam. Hiện đại hoá toàn diện, đồng bộ công nghệ ngân hàng của NHNN và các TCTD trên các mặt về nghiệp vụ, quản lý và phương tiện kỹ thuật. Tiếp cận nhanh, vận hành có hiệu quả và làm chủ được các ứng dụng công nghệ ngân hàng tiên tiến.
Năm 2017 là năm thứ 9 thực hiện Dự án FSMIMS và cũng là kết thúc 2 năm triển khai các gói thầu CNTT, hầu hết các hệ thống CNTT của dự án đã đi vào hoạt động và được đánh giá cơ bản ổn định; góp phần tích cực vào việc đổi mới phương thức quản trị, điều hành của NHNN trên nền tảng công nghệ hiện đại, theo thông lệ quốc tế là cơ sở quan trọng để đưa NHNN Việt Nam vững bước khẳng định vị thế là một NHTW hiện đại trong khu vực.
Gói thầu SG4 thuộc Dự án FSMIMS được đánh giá là gói thầu phức tạp, có phạm vi tác động trong toàn Ngành. Với vai trò quan trọng như vậy, nguồn nhân lực triển khai gói thầu này như thế nào?
Gói thầu SG4 “Quản trị dữ liệu, kho dữ liệu và các ứng dụng liên quan của NHNN” có phạm vi triển khai và đối tượng hưởng lợi trực tiếp lớn nhất, bao phủ toàn hệ thống ngân hàng, với hơn 10 vụ, cục, cơ quan, đơn vị sự nghiệp của NHNN TW, NHNN 63 chi nhánh tỉnh, thành phố; 123 TCTD với 2.362 chi nhánh trên toàn quốc, 1.179 QTDND và 3 tổ chức tài chính vi mô.
Mục tiêu của SG4 là xây dựng một cơ sở dữ liệu điều hành tập trung, thống nhất trên nền tảng công nghệ tiên tiến, chuẩn hóa các mẫu biểu báo cáo theo thông lệ quốc tế và phù hợp với thiết kế dữ liệu của hệ thống ngân hàng lõi của các TCTD nhằm đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành và giám sát an toàn hoạt động TCTD của NHNN hiện tại, cũng như nhu cầu phát triển trong tương lai.
Bên cạnh đó, SG4 còn có sự liên kết chặt chẽ với các dự án thành phần khác của FSMIMS, như Dự án “Ngân hàng lõi, kế toán, lập ngân sách và tích hợp hệ thống cho NHNN”; Dự án “Máy chủ, lớp giữa và cơ sở dữ liệu cho NHNN”; Dự án “Các ứng dụng quản lý dữ liệu Trung tâm Thông tin tín dụng - các máy chủ chính, kho dữ liệu lõi, ứng dụng liên quan”…
Chính vì vậy, để triển khai thành công nhiệm vụ, từ cuối năm 2016, NHNN đã huy động sự tham gia trực tiếp của trên 4.000 lượt cán bộ trong toàn ngành Ngân hàng. Số người đã qua đào tạo vận hành hệ thống là 1.099. Số người dùng được cấp quyền truy cập vào hệ thống hiện tại là hơn 8.000 người.
Vậy, hệ thống báo cáo phục vụ cho công tác quản lý, điều hành của NHNN thay đổi ra sao sau khi dự án SG4 hoàn thiện?
Quý III/2015, NHNN đã hoàn thành thiết kế hệ thống báo cáo mới, sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới như: Thu thập báo cáo theo chuẩn XBRL (Extensible Business Reporting Language); Xây dựng kho dữ liệu theo kiến trúc chuẩn Data warehouse; Khai thác bằng các công cụ khai thác thông minh OBIEE; Sử dụng trục tích hợp ESB cho việc trao đổi thông tin với các hệ thống CNTT khác.
Hệ thống báo cáo gồm 3 phần chính: thu thập dữ liệu, kho dữ liệu và khai thác dữ liệu.
Phần thu thập dữ liệu được thiết kế gồm 2 mảng thông tin lớn: Mảng thông tin thứ nhất được thu thập trực tiếp từ các đơn vị thuộc hệ thống NHNN và các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông qua 573 mẫu biểu báo cáo. Mảng thông tin thứ hai là các thông tin được tích hợp từ các hệ thống sẵn có của NHNN như hệ thống ngân hàng lõi, hệ thống thông tin tín dụng, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống thông tin quản lý phát hành và kho quỹ tập trung, hệ thống Deal Tracker… Đây là lần đầu tiên NHNN Việt Nam thu thập toàn bộ các thông tin về tiền tệ, tín dụng, tài chính và kinh tế vĩ mô trên một hệ thống CNTT.
Bên cạnh đó, phần kho dữ liệu được thiết kế theo chuẩn Data warehouse của thế giới về kiến trúc, mô hình dữ liệu với mục tiêu không chỉ đáp ứng yêu cầu phân tích và khai thác dữ liệu hiện tại mà còn thích ứng với những thay đổi, mở rộng trong tương lai. Việc thiết kế Data warehouse cũng đáp ứng các đặc trưng về mặt dữ liệu như tích hợp, hướng chủ đề, tích lũy theo thời gian, bất biến…
Ngoài ra, phần khai thác được thiết kế với đầy đủ các tính năng để phục vụ nhu cầu khai thác thông tin của gần 900 cán bộ NHTW và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố. Với hệ thống mới, ngoài việc sử dụng 673 các báo cáo dựng sẵn, cán bộ của NHTW sẽ sử dụng công cụ OBIEE biến hóa những con số vốn tĩnh lặng trở thành những con số biết nói khi phân tích, dự báo.
Như vậy, có thể nói sau khi triển khai thành công gói thầu SG4, NHNN đã có được một hệ thống thông tin hiện đại, tương đối hoàn chỉnh để hỗ trợ tích cực cho điều hành chính sách tiền tệ cũng như công tác thanh tra, giám sát an toàn hệ thống ngân hàng.
Theo Phó Thống đốc, đâu là yếu tố để chúng ta thực hiện thành công những hợp đồng lớn như SG4 trong Dự án?
Thực tế triển khai các dự án phần mềm trên thế giới cho thấy, trên 50% các dự án về Data warehouse bị thất bại, trong đó nguyên nhân thường gặp là: sự thiếu quan tâm của lãnh đạo cấp cao, không quản lý được kỳ vọng dẫn tới bùng nổ phạm vi dự án, mối quan hệ lỏng lẻo giữa bên cung cấp giải pháp và chủ đầu tư; thời gian triển khai dự án dài nên có nhiều thay đổi yêu cầu về nghiệp vụ trong quá trình triển khai, phạm vi ảnh hưởng rộng…
Rút kinh nghiệm từ những bài học như vậy, nên xuyên suốt quá trình 25 tháng và 11 ngày triển khai Hợp đồng SG4, Ban Lãnh đạo NHNN luôn có những chỉ đạo sát sao và ưu tiên đầu tư nguồn nhân lực cho dự án. Tổ Triển khai Hợp đồng SG4 của NHNN được thành lập với các cán bộ lãnh đạo và chuyên môn nghiệp vụ từ hơn 10 vụ, cục, cơ quan của NHNN (như Dự báo thống kê, Chính sách tiền tệ, Tín dụng các ngành kinh tế, Quản lý ngoại hối, Thanh toán, Tài chính - Kế toán, Cơ quan Thanh tra - giám sát ngân hàng, Sở Giao dịch, Cục Công nghệ tin học, Bảo hiểm tiền gửi, CIC, Ban Quản lý dự án). Đây chính là điển hình của mô hình liên kết chặt chẽ 3 trong 1 (kỹ thuật-nghiệp vụ-quản lý dự án) và là nhân tố then chốt dẫn tới thành công của dự án.
Trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!