FTA thúc đẩy cải cách thể chế
Ảnh minh họa |
“Nếu ví các hiệp định thương mại tự do (FTA) như một cái ô tô thì mở cửa thị trường chỉ là động cơ”, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương ví von. Hình ảnh mà ông Thái đưa ra hàm ý rằng, mở cửa thị trường là yếu tố thúc đẩy các quốc gia tham gia đàm phán FTA, song đây chỉ là một mục đích. Các FTA thế hệ mới hiện nay chú trọng nhiều hơn tới khía cạnh thúc đẩy cải cách chính sách và thể chế, đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển.
Nội dung này đã được thảo luận tại Hội thảo “FTA Việt Nam – EU: Hàm ý đối với cải cách chính sách và thể chế”, do Đại sứ quán Đan Mạch và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương phối hợp tổ chức ngày 25/6.
Dự báo với FTA Việt Nam – EU, GDP sẽ tăng thêm 7-8% vào năm 2025. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU cũng tăng khoảng 10%. Việc ký kết hiệp định sẽ là cơ hội lớn cho một số ngành như dệt may, da giày, thuỷ hải sản. Ngược lại EU cũng có những lợi thế lớn trong nhóm ngành dịch vụ, dược và sản phẩm công nghệ cao.
Tuy nhiên, GS. Ari Kokko, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á, Đại học kinh doanh Copenhegen, Đan Mạch cho biết, ngay với mục tiêu mở cửa thị trường thì cho đến nay các DN Việt Nam cũng mới chú trọng tới hàng rào thuế quan. Trong khi đó các rào cản phi thuế quan đối với thương mại thậm chí còn quan trọng hơn và nổi bật trong các cuộc đàm phán thương mại song phương của EU.
Ví như các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến an toàn vệ sinh, kiểm dịch động thực vật đặc biệt với mặt hàng nông sản… Thực tế là phần lớn các lô hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU không đáp ứng được các yêu cầu do hàng rào phi thuế quan đặt ra. Hàng ngàn lô hàng đã bị từ chối trong 8 năm (2002-2010). Điều này cho thấy việc vượt qua các hàng rào phi thuế quan là vấn đề mà DN rất cần chú ý.
Ông Ari Kokko cũng nhấn mạnh rằng, ngược lại với giảm thuế, việc loại bỏ các rào cản phi thuế không phải đơn giản. Thực tế, không phải tất cả các lĩnh vực pháp lý đều có thể được giải quyết. Các rào cản phi thuế đến từ nhiều nguồn khác nhau, do vậy việc dỡ bỏ chúng đòi hỏi phải có những thay đổi về thể chế, thay đổi pháp lý hoặc kỹ thuật phi thực tế.
Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, FTA mang lại cơ hội cho các bên, song để chia sẻ cơ hội đó công bằng hơn, đặc biệt cho DN Việt Nam thì đòi hỏi cải cách thể chế thực sự mạnh mẽ trong nước. Đó là điều quyết định thành công của các FTA nói chung và FTA Việt Nam-EU nói riêng.
Ông Lương Hoàng Thái bổ sung, FTA là kênh lớn nhất thúc đẩy cải cách, tạo ra môi trường thương mại, đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn cho DN. Tất nhiên, ông Thái lưu ý, FTA chỉ tạo ra cơ hội, còn vận dụng như thế nào là chuyện của mỗi nước, phụ thuộc vào từng hiệp định tham gia đàm phán.
Riêng với FTA Việt Nam – EU, vấn đề DNNN có thể nói đã tìm được tiếng nói chung. Ông Thái cho biết, EU là đối tác đặc biệt. Trong khi ở nhiều nước có quan điểm không coi trọng DNNN, thậm chí giảm càng nhiều càng tốt, thì EU có cách tiếp cận giống Việt Nam. Đó là duy trì DNNN ở một số lĩnh vực như đảm bảo an ninh xã hội, nhưng làm thế nào để hoạt động của khối này minh bạch, cạnh tranh bình đẳng với tư nhân. Chính vì vậy trong FTA này có một chương riêng về DNNN, được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho cải cách mạnh mẽ hơn ở lĩnh vực này. Hoặc về chi tiêu công cũng có một chương về mua sắm Chính phủ, liên quan đến vấn đề minh bạch hoá, làm sao hoạt động mua sắm công được hiệu quả. Điều này cũng sẽ thúc đẩy cải cách thể chế một cách mạnh mẽ.
Trong lĩnh vực thu hút FDI, có nhiều quan điểm cho rằng, mở cửa khiến FDI vào quá nhiều, chiếm chỗ ngon, khiến DN trong nước không phát triển được. Song ông Thái lại nhìn nhận đó là cơ hội. “Cơ hội chỉ trở thành thách thức nếu chính chúng ta không tận dụng được”, ông khẳng định.
Đại diện của Phòng Thương mại và Kinh tế, Phái đoàn EU chia sẻ, quá trình đàm phán FTA của EU với các quốc gia đã phản ánh sự khác biệt cũng như quyết tâm cải cách thể chế tại mỗi nước là rất khác nhau. Bà dẫn chứng, ví dụ Singapore căn bản đã là quốc gia rất cởi mở, tự do hoá, thị trường mở cửa rộng, do đó sự khác biệt không quá lớn trong quá trình đàm phán với EU. Tuy nhiên Việt Nam thì khác. “Chúng tôi rất ngưỡng mộ những gì mà Việt Nam thể hiện trong đàm phán, dù là nước đang phát triển, song những nỗ lực, tiến bộ đạt được trong đàm phán rất đáng kể, tiến bộ, mạnh bạo, mà có thể các quốc gia khác không sẵn sàng thực hiện”, bà cho biết thêm.