Gạo Việt gặp khó
Xây dựng thương hiệu cho hạt gạo Việt Nam | |
Áp lực giảm giá, gạo Việt Nam lận đận |
Thị trường Mỹ “chối” gạo Việt
Trong những năm qua, việc siết chặt kiểm soát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp đã mang đến nhiều hệ lụy cho các sản phẩm nông sản, nhất là các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang các thị trường lớn, uy tín như Mỹ, Nhật, châu Âu...
Chỉ riêng tại thị trường Mỹ, theo con số thống kê của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), tính từ năm 2012 đến tháng 8/2016, có tổng số 16 DN xuất khẩu gạo Việt Nam bán sang thị trường này bị trả về với tổng số 412 container, tương ứng gần 10.000 tấn gạo.
Cần thay đổi tư duy trong phương thức sản xuất nông sản |
Thực tế cho thấy, vấn đề này không những làm giảm giá trị chất lượng bản thân mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, trái thanh long, nhãn, cá da trơn… mà còn dẫn đến hệ lụy nguy hiểm về lâu dài, nảy sinh tiền lệ cho các thị trường truyền thống “chối” nhập những mặt hàng nông sản có nguồn gốc Việt.
Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực lớn đến kim ngạch xuất khẩu, đầu ra của nông sản, vốn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam và đang bị cạnh tranh gay gắt, lại đang có dấu hiệu “đuối sức” so với cùng mặt hàng của một số nước trong khu vực.
Đơn cử, gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có nguy cơ bị thị trường Mỹ “chối” nhập khẩu. Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân dẫn đến hệ lụy này, là do thời gian qua nhiều lô hàng gạo của Việt Nam vì một số dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép của nước này. Do đó, nếu không chấn chỉnh kịp thời, thì nguy cơ Mỹ đóng cửa thị trường với gạo Việt Nam là rất lớn.
Giám đốc một DN chuyên xuất khẩu gạo sang các thị trường Mỹ và châu Âu cho hay, việc một số DN vi phạm tiêu chuẩn chất lượng đã gây ảnh hưởng đến uy tín chung của gạo Việt. Nếu các DN này không khắc phục, chắc chắn sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất luôn thị trường và “vạ lây” đến các DN làm tốt là điều khó tránh khỏi. Vì thế, DN khi xuất khẩu gạo cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định đưa hàng vào các thị trường khó tính.
Thay đổi tư duy để nâng giá trị
Các chuyên gia trong ngành nông nghiệp phân tích, hiện nay, người nông dân trồng trọt thường lạm dụng việc bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức. Điều này dẫn đến tồn dư hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm nông sản.
Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu gạo như Mỹ, Nhật, châu Âu rất khắt khe về chất lượng gạo. Họ có thể nghiêm cấm nhập gạo, nếu phát hiện sản phẩm gạo nhập khẩu có chứa hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật.
Tuy nhiên, hiện các nhà xuất khẩu của Việt Nam thường ít quan tâm đến chuyện chất lượng, xuất khẩu theo kiểu “không chuyên”, cứ lúc nào ký được hợp đồng là xuất, chứ không có kế hoạch đầu tư nguồn nguyên liệu để thực hiện việc xuất khẩu dài hạn.
Một yếu tố khác, là để giảm chi phí quản lý, đầu tư một số DN xuất khẩu gạo không thực hiện hoặc thực hiện không đúng theo tiêu chuẩn sản xuất gạo sạch như thực hành nông nghiệp tốt Việt Nam (VietGAP), GlobalG.A.P.
Trước những thông tin về việc thị trường Mỹ “chối” nhập khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam, với vai trò là một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực lúa gạo, GS. Võ Tòng Xuân đánh giá, các thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu, đều tiêu thụ gạo sạch, và còn phải có chất lượng thơm, ngon, độ dẻo và hạt gạo phải đẹp đồng đều. Hiện một số nước trong khu vực đã đảm bảo được các tiêu chí này, đơn cử như Campuchia đã xuất khẩu được gạo hữu cơ sang Đức, Mỹ từ nhiều năm nay.
Trong khi cùng một giống lúa đó nếu trồng ở Việt Nam, nông dân thường lạm dụng sử dụng hóa học, nhất là phân đạm để tăng năng suất và thuốc trừ sâu. Có khi sắp thu hoạch lúa, nông dân còn phun thuốc kích thích to hạt. Chính cách sản xuất này sẽ gây hậu quả là hạt gạo không dẻo, mất mùi thơm, không ngọt, hạt gạo bị gãy nhiều. Đó là chưa kể tình trạng trộn các gạo từ nhiều nguồn nguyên liệu vào nhau.
Để khắc phục và xuất được sang các thị trường khó tính, theo các chuyên gia, người nông dân và DN không còn cách nào khác là phải nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị mặt hàng. Có nghĩa là phải sản xuất nông nghiệp theo đúng quy trình, sản xuất sạch.
Cùng với đó, để hỗ trợ nông hộ, Chính phủ và các ngành chức năng phải có sự vào cuộc đối với việc tạo điều kiện, khuyến khích các DN liên kết với nông hộ quy hoạch các vùng nguyên liệu sạch, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường “khó”. Nếu làm được điều này, chắc chắn chất lượng gạo của Việt Nam sẽ được nâng lên trong thời gian không xa.