Thách thức với bảo hiểm y tế
Thông tuyến khám chữa bệnh: Thuận cho người dân, khó cho y tế | |
Báo động tình trạng lạm dụng quỹ Bảo hiểm y tế | |
Nỗi niềm bảo hiểm y tế |
Vừa tuần trước, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, một thông tin “sốc” được nêu là có trường hợp đi khám bảo hiểm y tế 308 lần, tại 23 nơi chỉ trong vòng 8 tháng. Đây là một biểu hiện của lạm dụng khám chữa bệnh, trục lợi bảo hiểm. Nhưng đáng tiếc đó không phải trường hợp cá biệt. Một loạt “hiện tượng lạ” tương tự cũng được cơ quan bảo hiểm xã hội nêu trong phiên họp nói trên. Vấn đề đặt ra là: Tại sao có trường hợp khám chữa bệnh hàng trăm lần trong một thời gian ngắn như vậy, trong khi nhiều người “cả đời” không dùng đến bảo hiểm y tế?
Ảnh minh họa |
Hơn 20 năm công tác, cho đến nay số lần đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của tôi có lẽ chỉ đếm trên đầu một bàn tay. Mất thời gian chờ đợi, bị phân biệt đối xử trong quá trình khám chữa bệnh, không được chỉ định sử dụng các kỹ thuật cao, xét nghiệm giản đơn và thuốc chữa bệnh chỉ được sử dụng theo quy định… là những ký ức buồn còn hằn lại trong suy nghĩ về vài lần hãn hữu khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.
Hơn 3 năm nay, tôi mua bảo hiểm sức khỏe của Bảo Việt với chi phí khoảng 3,5 triệu đồng/năm. Vào năm ngoái, chi phí cho lần nằm viện của tôi lên tới gần 30 triệu đồng, được phía bảo hiểm trả toàn bộ.
Những người như tôi không phải ít - vẫn thường xuyên trả tiền bảo hiểm y tế bắt buộc nhưng không sử dụng - đang làm lợi cho Quỹ Bảo hiểm y tế. Theo thông tin tôi ghi nhận được, trong vòng vài năm nay, doanh thu từ các sản phẩm bảo hiểm liên quan đến sức khỏe của một số DN ngành bảo hiểm tăng trưởng tới 30-40%/năm. Đặc biệt là khi chi phí khám chữa bệnh tăng lên thì doanh thu sản phẩm bảo hiểm loại này cũng tăng theo rất nhanh.
Tuy nhiên, Quỹ Bảo hiểm y tế trên thực tế lại không an toàn và ngày càng rủi ro vỡ quỹ, cho dù nhiều người đóng nhưng không dùng đến. Hồi cuối năm ngoái, tại một hội thảo liên quan đến bảo hiểm y tế do Ban Kinh tế Trung ương và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng, thông tin quan trọng được đưa ra là chỉ trong 9 tháng đầu năm 2016 Quỹ Bảo hiểm y tế đã ghi nhận gần 6.000 tỷ đồng bội chi, ước cả năm trên 7.000 tỷ đồng. Với đà này, Quỹ Bảo hiểm y tế có nguy cơ mất cân đối sau năm 2018.
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, việc lạm dụng, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế đang diễn ra khá phổ biến. Các “chiêu trò” bao gồm: chỉ định dịch vụ kỹ thuật cao, kéo dài thời gian điều trị không cần thiết; sử dụng một số thuốc, vật tư y tế giá cao không hợp lý...
Rủi ro vỡ quỹ không hẳn chỉ do bị lạm dụng, trục lợi bảo hiểm mà còn vì bị “thâm thủng” từ phía đóng. Trên thực tế, bảo hiểm y tế có độ phủ rất cao, hiện lên tới khoảng 80% dân số Việt Nam, nhưng việc tham gia đóng quỹ không hẳn được tất cả mọi người tự giác thực hiện. Cơ quan bảo hiểm xã hội cho biết có tới 40% DN thuộc diện nợ, hoặc thậm chí là trốn đóng bảo hiểm y tế.
Nhiều trường hợp trong đó là “nợ lâu, trốn dài”, thu của người lao động nhưng không đóng… Chẳng hạn như theo tính toán thì đến giữa năm 2016 vừa qua, số nợ bảo hiểm y tế lên tới gần 3.000 tỷ đồng, trong đó nợ của DN chiếm gần một nửa.
Tôi không biết những trường hợp lạm dụng khám chữa bệnh, trục lợi bảo hiểm y tế có phải đều do quen biết với người trong bệnh viện mới làm được thế hay không. Còn những người không đi khám bảo hiểm y tế lần nào thì có chung quan điểm, họ không nhìn thấy lợi ích đem lại khi tham gia bảo hiểm y tế. Cũng như tôi, nhiều người tìm đến với bảo hiểm sức khỏe, mua tự nguyện và thấy được lợi ích mà loại hình này mang lại. Phải chăng đây là nguyên nhân quan trọng khiến cho việc nợ, trốn đóng bảo hiểm y tế nhiều như vậy?
Với chi phí khám chữa bệnh của đối tượng tham gia bảo hiểm y tế chiếm từ 70-90% nguồn thu và cơ bản bảo đảm các chi phí trực tiếp để phục vụ người bệnh và hoạt động của bệnh viện, theo như ngành y tế cho biết, đáng lẽ việc phục vụ người bệnh diện này phải được quan tâm, chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phải được nâng lên. Nhưng thực tế, một tỷ trọng khá lớn nguồn quỹ vẫn đang đổ vào các bệnh viện công mà không đến được các bệnh viện tư nhân, nơi coi bệnh nhân là khách hàng và dành sự quan tâm nhiều hơn, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cải thiện.
Nói như vậy để thấy rằng, muốn ổn định được Quỹ Bảo hiểm y tế, để người dân và DN tự nguyện đóng… thì bản thân ngành này cũng cần phải thay đổi. Từ nguồn quỹ thu được, việc chi trả phải được xác lập trên phương diện công khai và cạnh tranh. Nếu người bệnh bảo hiểm y tế được tùy ý lựa chọn bệnh viện, ở bất kỳ đâu trên đất nước này, với định mức chi trả cụ thể còn phần chênh người bệnh tự chi trả, thì tôi tin rằng bất kỳ ai cũng quan tâm đến bảo hiểm y tế.
Khi người dân, người lao động cảm nhận được lợi ích, sự phù hợp nhu cầu khám chữa bệnh khi tham gia bảo hiểm y tế thì họ sẽ quan tâm hơn, DN vì thế cũng không thể chây ì. Trường hợp nào lạm dụng khám chữa bệnh, trục lợi bảo hiểm thì hoàn toàn có thể từ chối bảo hiểm y tế. Có như thế mới bớt đi nỗi lo vỡ quỹ.