Giải mã giá thịt lợn trên thị trường
Thịt lợn đang đứng trước khủng hoảng thừa nghiêm trọng |
Trong thời gian qua, giá thịt lợn tại các tỉnh - thành phố trong cả nước đều giảm sâu. Tham khảo tại một số khu vực thu mua thì thịt lợn chỉ được mua vào với mức giá trên dưới 25 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, tại các chợ hay siêu thị tại các thành phố lớn thì thịt lợn vẫn được giao dịch ở mức giá 80 - 100 nghìn đồng/kg.
Nhiều phương tiện truyền thông đã vào cuộc để lý giải hiện tượng mua thấp - bán cao tiền chảy vào túi thương lái. Cụ thể, giá mua tại chuồng hiện là 2,5 triệu đồng/con lợn 1 tạ. Sau khi giết mổ, còn khoảng 75kg. Nếu xẻ ra thì thịt mông, vai, ba chỉ, chân giò bán được 80 nghìn đồng/kg, thăn 90 nghìn đồng/kg, sườn 100 nghìn đồng/kg... Còn nếu cào bằng giá 80 nghìn đồng/kg, tính ra, một con lợn ngoài chợ bán được khoảng 6 triệu đồng/con và thương lái lãi ròng trên 3 triệu đồng.
Nhưng theo nhiều ý kiến, thì đó chỉ là một góc nhìn trên một tổng thể lớn hơn khi mà Chính phủ đang định hướng xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững. Nhiều DN lớn rất chú trọng đến việc làm thương hiệu, nên việc bán hàng hóa ở mức “trên trời” cho khách hàng là không có.
Người tiêu dùng vẫn chuộng các sản phẩm sạch |
Chị Thanh Vân, phụ trách bán hàng tại Vimart chia sẻ, những sản phẩm sạch của chuỗi cửa hàng được bày bán trên kệ như thịt lợn đều được kiểm định kỹ càng từ khâu chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến khâu đóng gói và bảo quản nên chi phí rất cao. Khi đến tay khách hàng, cửa hàng cũng chỉ có mức lợi nhuận khoảng 15-20% chứ không có chuyện gấp mấy lần như nhiều thông tin đã đưa.
Anh Hoàng Lâm, chủ hộ nuôi lợn tại Long Biên chia sẻ, mỗi lứa lợn gia đình tôi cũng chỉ nuôi khoảng 5-7 con. Sau khoảng 5 tháng trừ chi phí chăn nuôi (chủ yếu là thức ăn thừa, bã rượu...), con giống và chi phí y tế phòng bệnh thì số tiền thu về cũng chỉ là lấy công làm lãi mặc dù giá bán khá cao khoảng 80 nghìn đồng/kg. Nhưng để bán được ở mức giá này thì phải là phương thức chăn nuôi sạch - hữu cơ chứ tuyệt đối không dùng cám công nghiệp và dùng thuốc tăng trọng nên sản phẩm thịt cũng thơm ngon hơn và rất đắt hàng.
Như trên các phương tiện đưa ra mức giá thu mua ở nhiều nơi chỉ ở mức 25 nghìn đồng/kg thịt lợn thì các hộ nuôi không lỗ mới là lạ, anh Lâm cho biết thêm.
Về góc độ quản lý, đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng, Việt Nam cần phải học người Thái Lan trong cách thức tổ chức khâu phân phối, cách thức chia lợi nhuận. Họ có luật quy định rất rõ, khâu trung gian chỉ được ăn 30%, không được vượt quá hơn con số này, bất kể là trong quá trình phân phối trải qua 1 hay nhiều khâu trung gian.
Còn người nông dân được hưởng 70%, đảm bảo họ có lợi nhuận để tái đầu tư sản xuất.
Tuy nhiên, ở Việt Nam thì ngược lại hoàn toàn. Mặc cho người nông dân bán với giá rẻ, chịu lỗ thì khâu trung gian vẫn lãi đầy túi. Đặc biệt, giá càng rẻ khâu trung gian càng lãi cao. Vì vậy, nông dân Việt Nam đang chịu thiệt thòi nhất, lép vế nhất còn người tiêu dùng thì phải mua hàng với giá đắt đỏ.
Ngoài ra, cần phải xây dựng theo chuỗi liên kết. Về lâu dài, cần xây dựng luật phân phối giống như các nước đã làm, từ đó quy định mức lợi nhuận các khâu được hưởng, tránh tình trạng người nông dân phải bỏ công sức nhiều nhất nhưng lại là người được hưởng lợi nhuận ít nhất, vị đại diện này nhấn mạnh.