Giảm lãi suất USD ít tác động đến thị trường chứng khoán
Ông Trần Minh Hoàng |
Tuy nhiên, ông cũng cho biết, chỉ khi nào rủi ro tỷ giá lắng dịu thì khả năng phục hồi thị trường mới rõ nét hơn.
Sau khi Fed tăng lãi suất USD, NHNN Việt Nam lập tức giảm lãi suất tiền gửi đối với đồng tiền này xuống 0%. Theo ông, những điều chỉnh đó tác động thế nào đến TTCK Việt Nam?
Về lý thuyết, khi giảm lãi suất tiền gửi USD sẽ phần nào giảm bớt áp lực lên tỷ giá. Nhưng đây không phải là yếu tố chính vì ẩn đằng sau rủi ro tỷ giá hiện nay không phải đến từ nội tại trong nước mà đến từ áp lực phía bên ngoài.
Ví dụ đồng nhân dân tệ mất giá và khả năng mạnh lên của đồng USD. Thực tế, thời gian qua đồng nhân dân tệ đã mất giá và đồng USD đã mạnh lên. Nhưng trong suốt thời gian đó, đồng Việt Nam chưa thay đổi gì nhiều và như vậy nó chưa phản ánh vào diễn biến và áp lực vẫn còn. Chỉ khi nào hiện thực hoá áp lực đó thì rủi ro mới giảm bớt...
Khi áp lực bên ngoài mạnh lên, thông thường các cơ quan chức năng sẽ có động thái mạnh mẽ là bán ra ngoại tệ hoặc điều chỉnh tỷ giá để ổn định lại. Còn việc giảm lãi suất như thế này thì hiệu ứng không đáng kể.
Bởi vì, mặc dù giảm lãi suất tiền gửi với USD sẽ tiếp tục kéo giãn chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền và phần nào đó nó hỗ trợ cho việc gửi tiền đồng. Nhưng ở đây chỉ là mang nghĩa hỗ trợ chứ không có nghĩa là NĐT sẽ chuyển từ tiền USD sang tiền đồng. Với nhiều người, 25 điểm cơ bản không phải lý do thuyết phục để họ chuyển từ USD sang VND.
Từ nhận định như vậy, tôi cho rằng việc giảm lãi suất tiền gửi USD không mang lại nhiều tác động cho thị trường cổ phiếu.
Vậy, các dòng tiền trên thị trường có thay đổi nhiều không, thưa ông?
Khi điều chỉnh lãi suất 25 điểm cơ bản như vậy có thể giúp cơ quan thực thi chính sách không phải phá giá tiền đồng. Khi tiền đồng chưa giảm giá, rủi ro chưa hiện thực hoá, thì khả năng dòng tiền quay trở lại thị trường một cách mạnh mẽ là rất khó. Mà thường phải sau khi giảm giá xong, việc quy đổi sang tiền đồng sẽ có lợi hơn, lúc đó dòng tiền mới được kích hoạt, chứ hiện nay là rất khó kích hoạt dòng tiền vào thị trường, nhất là dòng tiền ngoại. Và khi dòng tiền ngoại thận trọng thì các dòng khác cũng như vậy. Đối với dòng kiều hối có thể vẫn về nước, nhưng không có nghĩa là họ đổi sang tiền đồng và đổ vào chứng khoán...
Trong bối cảnh như vậy, ông có khuyến nghị gì với NĐT?
Thời điểm hiện tại, NĐT vẫn nên thận trọng quan sát, những phiên tăng điểm thường để cơ cấu danh mục nhiều hơn mua đuổi. Hiện tại, chưa có điềm sáng để quan tâm, xu hướng chung vẫn chưa có nhiều tin tốt, thanh khoản thị trường chưa cao. Xu hướng thị trường chính là tích luỹ và đi ngang. Khi cơ hội chưa rõ ràng, NĐT cần quan tâm đến tín hiệu dòng tiền. Ví dụ, khi thanh khoản tốt, điểm số không tăng nhiều, tích luỹ tốt thì nên cân nhắc.
NĐT cũng không nên quan tâm nhiều quá diễn biến thị trường vì chủ yếu hiện nay thị trường phản ánh thông tin. NĐT nên quan tâm đến các thông tin tiếp theo về tín hiệu kinh tế trong nước và thế giới, nhất là diễn biến đồng nhân dân tệ, đồng USD, các vấn đề về tăng tưởng kinh tế và về vấn đề lãi suất… Bởi lẽ, độ mở của nền kinh tế Việt Nam khá lớn nên bị ảnh hưởng lớn vào diễn biến kinh tế thế giới. Nếu kinh tế thế giới tốt, kinh tế Việt Nam cũng tốt lên nhanh chóng.
Chẳng hạn như chuyện giá dầu cũng có thể cân nhắc, vì hiện nay đang thấp, nếu có phục hồi trong ngắn hạn 2-3 tuần thì nhóm dầu khí trên TTCK Việt Nam sẽ phục hồi. Điều này sẽ giúp phục hồi thị trường trong ngắn hạn.
Nhìn chung NĐT nên rất thận trọng và hạn chế mua mới vào lúc này vì không phải là thời điểm tốt.
Xin cảm ơn ông!