Giữa biển trời Tổ quốc
Cho vay đóng tàu 67: Kỳ vọng tăng trong năm mới | |
Gỡ nút thắt cho vay “tàu sáu bảy” | |
Chủ tàu không phải bổ sung thêm tài sản đảm bảo |
Vững tin với tàu lớn
Hừng đông ló rạng trên mặt biển Sa Huỳnh, phủ sắc hồng lên vẻ đẹp thơ mộng với cát trắng, biển xanh của mảnh đất phía Nam tỉnh Quảng Ngãi - nơi được xem là cái nôi văn hóa của cư dân Việt. Nó khiến tôi chợt nhớ đến những câu thơ của thi sĩ Xuân Diệu: “Hỏi mình biển đẹp vô ngần/ Sóng xanh như đến dừng chân Sa Huỳnh…”.
Trên cảng cá Sa Huỳnh, những con tàu từ khơi xa lần lượt cập bến. Bao đời nay, những ngư dân Sa Huỳnh đã dạn dày sóng gió cưỡi thuyền rẽ sóng vươn khơi. Giữa những nụ cười rạng ngời, những gương mặt sạm đen vì nắng gió, chúng tôi gặp lão ngư dân Nguyễn Sáu, ở xã Phổ Thạch, huyện Đức Phổ - một trong những ngư dân đầu tiên trong cả nước được vay vốn đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (NĐ 67) của Chính phủ.
Đảo Lý Sơn, hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc |
Bên ấm trà nóng ngay trong buồng lái của con tàu QNg 989191 còn thơm mùi gỗ, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt ngư dân lão luyện hơn 40 năm gắn bó với từng sải nước, con sóng ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.
Ông Sáu vui vẻ chia sẻ, từ lúc hạ thuỷ cuối năm 2014, đến nay con tàu “sáu bảy” này đã vươn khơi được 7 chuyến. Tàu to, máy lớn nên mỗi chuyến đi kéo dài cả tháng trời. Chuyến vừa rồi, trừ hết chi phí tàu ông còn lời hơn 300 triệu đồng, mỗi bạn thuyền được chia gần 20 triệu đồng để lo cho cái Tết đang cận kề...
Giữa câu chuyện vui, ánh mắt của ông Sáu đôi lúc thoáng chút đăm chiêu khi nhớ lại những ngày theo cha lên con thuyền 15 CV, tròng trành vượt biển đến Hoàng Sa. Ngày ấy, con thuyền mỏng manh như chiếc lá trước biển cả bao la. Đi miết, ròng rã gần 5 ngày mới đến được ngư trường. Nhưng vừa đến nơi, ngư dân lại lật đật đánh bắt rồi vội vã trở về vì thuyền nhỏ không đủ sức bám biển.
Những ký ức gian khó ngày ấy nay đã lùi xa, khi ông Sáu đang sở hữu con tàu có công suất lên đến 765 CV, dài 22m, cao 3,1m, rộng 6,7m, tổng chi phí đầu tư gần 7 tỷ đồng. Trong đó, ông được vay vốn ưu đãi 4,4 tỷ đồng theo NĐ 67 từ Agribank Quảng Ngãi. Sở hữu con tàu “khủng” nhất nhì ở vùng biển Sa Huỳnh, cùng với nhiều trang thiết bị hiện đại, ông Sáu cùng những bạn thuyền của mình đã vững tin hơn trước biển cả bao la…
Chuẩn bị cho chuyến ra khơi |
Đậu sát bên con tàu của ông Sáu, chủ tàu cá QNg 98442 Lê Tấn Cầu cả đời đi biển cũng luôn đau đáu với ước mơ đóng tàu lớn, sắm sửa trang thiết bị hiện đại để đi biển dài ngày, đánh bắt thủy sản hiệu quả hơn. Khi Nhà nước có chủ trương hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho ngư dân, ông Cầu không chút chần chừ, mạnh dạn bán chiếc tàu nhỏ, vay thêm vốn ngân hàng để đóng mới con tàu có công suất 700 CV. Đến nay, con tàu QNg 98442 đã có 3 chuyến đi biển, trừ phí tổn còn lãi ròng 300-400 triệu đồng/chuyến.
Rời cảng cá Sa Huỳnh, chia tay với những ngư dân can trường, chúng tôi về “làng chài tỷ phú” Thạnh Đức nằm ngay sát cửa biển. Với những ngôi nhà cao tầng nằm san sát sầm uất như phố thị, cả làng có hơn 700 hộ gia đình thì đến gần 90% sống bằng nghề biển với trên 300 tàu cá, chủ yếu từ 90 - 765 CV tham gia đánh bắt ở vùng biển xa. Số hộ ngư dân sở hữu tiền tỷ ở đây lên đến hàng trăm người.
Ông Huỳnh Cườm, một ngư dân kỳ cựu tâm sự, cũng nhờ những chính sách của Đảng và Nhà nước đã đến với ngư dân, rồi thủ tục vay của ngân hàng giờ cũng thoáng hơn… nên bây giờ ở Sa Huỳnh, bà con vay vốn đóng tàu lớn rất nhiều. Tàu to, vững tâm đi biển dài ngày đánh bắt hiệu quả, cuộc sống của ngư dân đi lên từng ngày…
Đồng hành với ngư dân
Với 130 km bờ biển, nhiều năm qua hoạt động đánh bắt hải sản ở Quảng Ngãi đã phát triển nhanh. Đồng hành với bà con, từ cuối năm 2014, Chính phủ đã ban hành NĐ 67 hỗ trợ tín dụng phát triển ngành thủy sản. Cùng với cả nước, ngư dân Quảng Ngãi đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đóng mới, cải hoán tàu cá, mua sắm ngư lưới cụ…
Tiếp sức cho ngư dân, nhanh chóng đưa nguồn vốn ưu đãi đến với bà con, ông Trần Luyện, Giám đốc NHNN chi nhánh Quảng Ngãi cho biết, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã vào cuộc quyết liệt với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Đến nay, 55 chủ tàu đã được UBND tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn theo NĐ 67. Trong đó, các chi nhánh NHTM đã ký hợp đồng tín dụng với 18 chủ tàu, số tiền cam kết cho vay gần 170 tỷ đồng, đã giải ngân 95 tỷ đồng. Hiện, có 8 con tàu cả vỏ gỗ lẫn vỏ thép đã hạ thủy, vươn khơi góp phần làm cho đội tàu khai thác hải sản xa bờ của địa phương ngày càng hùng hậu, vững mạnh…
Toàn tỉnh hiện có gần 5.500 tàu cá với tổng công suất trên 1 triệu CV. Trong đó, gần 3.000 tàu có công suất lớn đánh bắt hải sản ở những ngư trường truyền thống từ ngàn đời như Hoàng Sa, Trường Sa hay vịnh Bắc bộ…
Tín dụng ưu đãi giúp ngư dân đóng mới tàu lớn |
Niềm vui được nhân lên, khi những con tàu “sáu bảy”, vươn khơi trở về với tôm cá đầy khoang. Càng vững tin hơn khi với nhiều ngư dân, những chuyến ra khơi không chỉ đơn thuần là đánh bắt hải sản mà còn thực hiện sứ mệnh cao cả, đó là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Phạm Trường Thọ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi từng nhiều lần khẳng định, NĐ 67 của Chính phủ - một chính sách ưu việt, nhằm hỗ trợ tối đa mọi nguồn lực cho ngư dân trong việc phát triển thủy sản. Vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp hiện đại hóa đội tàu đánh cá còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tiếp tục tạo điều kiện cho ngư dân, Chính phủ đã ban hành NĐ 89 với nhiều sửa đổi, bổ sung cho NĐ 67. Với việc gỡ bỏ những “điểm nghẽn” cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo NĐ 89, trở thành bước đột phá, giúp dòng vốn tiếp tục được khơi thông. Nghị định mới tạo nhiều thuận lợi mới cho ngư dân khi nâng cấp máy tàu có thể sử dụng máy cũ; tăng tỷ lệ vốn vay tối đa đối với chủ tàu đóng mới; ưu đãi lãi suất và điều chỉnh mức bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách Nhà nước...
Ngoài việc được vay vốn ngân hàng đóng tàu to, sắm máy lớn… ngư dân Quảng Ngãi còn liên kết tạo sức mạnh trên biển. Từ mô hình thí điểm Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, ở huyện đảo Lý Sơn, đến nay mô hình mang tính đoàn kết, tương trợ lẫn nhau này của ngư dân Quảng Ngãi đã được nhân rộng như Nghiệp đoàn Nghề cá An Vĩnh (Lý Sơn), Bình Châu (Bình Sơn), Nghĩa An (TP. Quảng Ngãi), Phổ Thạnh, Phổ Vinh (Đức Phổ)…
Tổng số đoàn viên các Nghiệp đoàn Nghề cá hiện lên đến trên 6.000 người, với khoảng 800 tàu cá. Tinh thần kiên trì bám biển phát triển kinh tế, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc của ngư dân Quảng Ngãi đã được đền bù xứng đáng. Năm 2015, sản lượng thủy sản khai thác của toàn tỉnh ước gần 162 nghìn tấn, tăng 7,3% so với năm 2014…
Chia tay những ngư dân xứ Quảng, trong tiếng sóng biển dạt dào vỗ bờ, chúng tôi cảm nhận rõ sự háo hức lẫn bầu nhiệt huyết với nghề biển, với chủ quyền biển đảo Tổ quốc của từng ngư dân nơi đây. Dù biển cả lúc êm ả, khi dậy sóng, song trước sóng gió những người con đất Việt vẫn ngày đêm can trường siết chặt tay nhau vượt khó, vươn khơi. Nhất là khi những chính sách tín dụng ưu đãi cho ngành thuỷ sản đã và đang phát huy tác dụng trong thực tế…