Gỡ vướng từ nội tại
Không thể cứ ngồi chờ giải cứu | |
Để đảm bảo an ninh nông nghiệp |
Quá nhiều rào cản
Được thành lập từ cuối năm 2000, đến nay Công ty TNHH Thắng Lợi đã tham gia xuất khẩu (XK) thịt lợn được 17 năm. Thị trường XK chính là Hồng Kông, Macao, Malaysia.
Chăn nuôi Việt Nam chưa tận dụng được tiềm năng xuất khẩu |
Ông Nguyễn Đức Hoàng, Chủ tịch HĐQT công ty cho rằng, riêng đối với các sản phẩm chăn nuôi, công tác xúc tiến thương mại rất quan trọng nhưng chưa phải là tất cả. Mấu chốt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và cơ sở hạ tầng của nhà máy.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Hoàng, mọi nỗ lực xúc tiến thương mại đều vô nghĩa nếu không giải quyết được bài toán về thú y. Năm 2014, công ty hồ hởi sang Singapore tìm kiếm cơ hội XK, nhưng Cục Thú y của nước bạn không chấp nhận vì Việt Nam có dịch lở mồm long móng.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, một hạn chế lớn của Việt Nam là chưa có vùng an toàn dịch bệnh.
Đến thời điểm này, XK các sản phẩm từ chăn nuôi vẫn còn rất khiêm tốn. Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến nay, Việt Nam mới XK chính ngạch thịt lợn sữa và thịt lợn choai đông lạnh sang Hồng Kông, Malaysia. Cả nước có 6 cơ sở giết mổ (CSGM) XK sang Hồng Kông và 2 CSGM XK sang Malaysia. Trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 10,6 nghìn tấn (trị giá khoảng 46 triệu USD).
Về XK sản phẩm gà (thịt gà), hiện chưa có sản phẩm thịt XK. Đến nay, mới có hai công ty đăng ký XK sản phẩm thịt gà đã qua chế biến nhiệt sang Nhật Bản gồm: Công ty TNHH Koyu & Unitek đăng ký năm 2016, và công ty TNHH CP Việt Nam đăng ký vào cuối tháng 5/2017.
Chia sẻ về những tồn tại bất cập trong chăn nuôi, giết mổ lợn và XK, ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y cho hay, hiện chúng ta vẫn chưa hình thành được các chuỗi sản xuất thịt lợn có kiểm soát theo hình thức khép kín đến sản phẩm XK, an toàn dịch bệnh (ATDB) và an toàn thực phẩm (ATTP). Giá thành chăn nuôi lợn còn cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, việc xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh còn gặp rất nhiều khó khăn. Tháng 2/2015, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt đề án thí điểm xây dựng vùng ATDB lợn tại Thái Bình, Nam Định. Tuy nhiên, các địa phương không có kinh phí để xây dựng vùng ATDB, cơ sở chăn nuôi không có kinh phí để xây dựng cơ sở ATDB.
Đối với thịt gà, mặc dù, Bộ NN&PTNT đã ban hành các chương trình, kế hoạch, tổ chức họp với nhiều địa phương và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về giết mổ, chế biến thịt gà XK. Tuy nhiên, đến tháng 4/2017, chỉ có tỉnh Đồng Nai chỉ đạo xây dựng, phê duyệt kế hoạch cụ thể và bố trí kinh phí để triển khai giám sát tại trang trại cung cấp gia cầm cho Công ty TNHH Koyu & Unitek và các vùng đệm xung quanh nhà máy chế biến XK.
Hành trình gian nan
Sau hơn 1 năm làm các thủ tục liên quan, đến tháng 8/2017, Công ty TNHH Koyu & Unitek Đồng Nai sẽ chính thức XK lô thịt gà đầu tiên vào thị trường Nhật Bản. Ông Nguyễn Văn Quyền, Trưởng Ban Đề án XK của công ty cho biết, việc XK sản phẩm thịt gà vào thị trường Nhật Bản rất khó khăn, vì đòi hỏi của phía bạn rất cao về chất lượng và quy trình kiểm soát. Công ty đã đề xuất và đàm phán gần hai năm mới chuẩn bị XK được lô hàng đầu tiên.
Ở một sản phẩm khác, để có thể XK được sản phẩm chăn nuôi theo đường chính ngạch, ông Quyền cho hay, các ở quan chức năng cần hướng dẫn DN về chuỗi sản xuất sản phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng, kiểm soát sản xuất chế biến, truy xuất nguồn gốc. Như thế sẽ rất thuận lợi trong việc hoàn thiện hồ sơ XK, cũng như mở rộng thị trường XK, tiêu thụ tốt lượng thịt sản xuất trong nước.
Còn ông Nguyễn Đức Hoàng đề nghị, rất cần xây dựng vùng ATDB. Về phần mình, ông Hoàng Thanh Vân nhận định, hành trình XK thịt lợn, gà sang các nước còn nhiều gian nan, nhưng chúng ta hoàn toàn có cơ hội. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về dịch bệnh. Việt Nam có thể làm được ra các sản phẩm chăn nuôi giá thấp nếu chúng ta triệt tiêu các yếu tố bất lợi.
Trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua đợt khủng hoảng lợn kéo dài nhiều tháng qua do sản xuất trong nước cung vượt cầu, thì hướng đến thị trường XK thịt lợn là việc cần phải bàn tới. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi khẳng định, khơi thông và mở rộng thị trường XK sản phẩm chăn nuôi là hướng đi tất yếu.
Để làm được việc này, ngành chăn nuôi cần có chiến lược bài bản từ quy hoạch vùng chăn nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, định hướng thị trường đến hỗ trợ DN xúc tiến thương mại... Nếu làm quyết liệt những việc này, thì 5-10 năm nữa chúng ta mới XK được sản phẩm chăn nuôi mang thương hiệu Việt Nam.