Không thể cứ ngồi chờ giải cứu
Bao giờ nghề nông bớt khổ | |
Từ câu chuyện giải cứu |
Ngay sau biến cố giá thịt heo giảm, người nông dân chưa kịp hồi phục, thì mới đây các DN tại TP. Hồ Chí Minh lại phải tiếp tục giúp nông dân tỉnh Đăk Lăk tiêu thụ bí đỏ. Nhìn lại trong ba năm qua thì thấy, năm nào cũng có vài mặt hàng nông sản cần phải “giải cứu”, và sau mỗi mùa thì nhà nông cực hơn, nghèo hơn.
Câu chuyện “giải cứu heo” vừa qua cho thấy yếu kém trong nghiên cứu thị trường từ quản lý đến nhà nông |
Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì, sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn rất manh mún, hoạt động thu mua của thương nhân mang tính nhỏ lẻ, mua đứt bán đoạn nên rất dễ xảy ra rủi ro.
Ngoài ra, việc quản lý của cơ quan chức năng chưa thay đổi để đáp ứng kịp với thể chế thị trường hiện đại, chỉ chú trọng phát triển cung mà chưa quan tâm, thậm chí không tính đến tìm hiểu tình hình cầu trên thị trường.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng, từ trước đến nay đã có nhiều chuyên gia đề cập đến mối liên kết bốn nhà nhằm tạo ra chuỗi liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản từ cây, con giống đến bàn ăn. Tuy nhiên, sự liên kết này chỉ dừng lại trên bàn hội thảo, còn thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn sản xuất và kinh doanh phân tán, tín hiệu thị trường không vận hành thông thoáng, giữa sản xuất và tiêu thụ bị chia cắt.
Bên cạnh đó, mục tiêu phát triển chủ yếu của các đơn vị, địa phương vẫn nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế, tăng số lượng và quy mô sản xuất. Hay việc các ngành, địa phương chỉ lo quản lý, thúc đẩy sản xuất đúng thời vụ, đạt chỉ tiêu và chỉ đạo nuôi con nọ, trồng cây kia mà ít quan tâm đến việc phát triển thị trường tiêu thụ, dẫn đến việc rất nhiều mặt hàng có diện tích sản xuất đã vượt quá quy hoạch (như cây điều, mía đường…) không điều tiết nổi.
Và đương nhiên không thể tránh khỏi việc được mùa mất giá, xảy ra tình trạng phải triền miên giải cứu nông sản như hiện nay. Từ đây cho thấy, điều mà người dân cần lúc này là Nhà nước nên có cơ quan chuyên nghiên cứu thị trường. Cơ quan này chuyên cung cấp cho nhà nông thông tin và định hướng về thị trường (như tiêu chuẩn, chính sách ở thị trường xuất khẩu, kênh phân phối tiêu thụ, giá cả đầu mùa, cuối vụ...).
Các thông tin thị trường của cơ quan này sẽ được công bố rộng rãi, dễ hiểu giúp người dân chủ động để đưa ra quyết định đầu tư, thu hẹp hay mở rộng quy mô kinh doanh, điều chỉnh ngành nghề, sẽ giảm nguy cơ nguồn cung thừa hoặc thiếu hụt các sản phẩm nông nghiệp.
Từ đó, có thể giảm thiểu thiệt hại của nền kinh tế và người sản xuất. Đây cũng chính là sự thiếu hụt quan trọng, bởi hiện nay chưa có tổ chức chuyên trách nghiên cứu thị trường, ngành hàng và hệ thống thông tin thị trường cho nông dân.
Tại thị trường Việt Nam hiện có rất nhiều mô hình DN sản xuất nông nghiệp vận hành theo sự chuyển động của thị trường, thị hiếu sử dụng thực phẩm của người dân. Vì người tiêu dùng ngày nay có xu hướng ăn ngon, mặc đẹp hơn, chi tiêu lớn hơn vào vui chơi giải trí, du lịch… cho nên nhà sản xuất, DN nào đáp ứng được thị hiếu thị trường sẽ thành công.
Cụ thể như các DN bán lẻ Saigon Co.op (tăng sản xuất thực phẩm Organic, Vissan (nhập khẩu bò Úc về nuôi và giết mổ), TH True Milk, Vinamilk… (nhập khẩu bò giống về nuôi lấy sữa, công nghệ sản xuất sữa, ứng dụng công nghệ quản trị hiện đại của nước ngoài…). Những DN này còn có tầm nhìn vượt lên trên hoạt động sản xuất ngành mình mà còn kết hợp với ẩm thực, du lịch để tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng.
Theo bà Nguyễn Thanh Cao, Trưởng phòng Phát triển Kinh doanh, Ủy ban Thương mại Úc (thuộc Tổng lãnh sự quán Úc tại TP. Hồ Chí Minh), bài học kinh nghiệm từ ngành nông nghiệp Úc cho thấy, để trở thành quốc gia có chỉ số tự cung cao nhất thế giới, trung bình một nông dân Úc có thể nuôi 190 người, từ các sản phẩm nông nghiệp chính là lúa mì, mía, hoa quả, gia súc, gia cầm.
Chính phủ Úc thành lập các trung tâm chuyên ngành để nghiên cứu, cải thiện, ứng dụng và chuyển giao kiến thức công nghệ cho nông dân. Bộ Nông nghiệp Úc xây dựng 11 trung tâm khắp trong bang, mỗi trung tâm phụ trách một ngành hàng nông nghiệp, trên vùng sinh thái thích hợp, để giải quyết dứt điểm những khó khăn của vùng đó.
Cụ thể như, vùng lục địa Narrabri, Tây bắc Úc khí hậu khô, nóng có trung tâm chuyên về bông vải và cải dầu. Vùng miền bắc Armidale khí hậu mát mẻ có trung tâm về ngành bò thịt. Vùng miền trung duyên hải Gosford khí hậu ôn hoà, gần Sydney có trung tâm tiếp thị và ngành làm vườn nhà kính… Việc vận hành các trung tâm này đã giúp Bộ Nông nghiệp Úc giải quyết kịp thời các vấn đề theo từng loại nông sản.
Nhìn lại toàn bộ những cuộc giải cứu nông sản thời gian qua, thành công là từ những DN lớn (như Co.op Mart tiêu thụ cà chua, vải, chuối của nông dân), vận hành theo xu thế thị trường hiện đại, bài bản theo chuỗi, không mang tính đầu cơ.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thì, thị hiếu của thị trường là dài hạn, các tổ chức kinh tế đã đưa ra dự báo cho sản xuất nông nghiệp của thế giới trong dài hạn là, nhu cầu lúa gạo sẽ giảm xuống từ từ và sẽ tăng dần nhu cầu về thịt, rau, quả, thủy sản, sữa, cà phê... Vì vậy, đến lúc Việt Nam cần nghiên cứu thị trường để ngành nông nghiệp có thể phát triển bền vững.