Hạn chế giao dịch nhằm bảo toàn vốn
Chứng khoán chiều 7/12: BHN bất ngờ bứt phá mạnh | |
Sabeco có phải gã khổng lồ? |
Nhìn chung, trên HoSE, Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn – Sabeco (SAB) vẫn là điểm nhấn tích cực lớn nhất khi vững vàng ở mức giá trần với dư mua trần trên 3 triệu cổ phiếu. Theo giới chuyên môn, sức hút của SAB là rất lớn và nhiều khả năng VN-Index sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chuỗi tăng điểm của cổ phiếu này trong thời gian tới.
Theo ghi nhận của giới phân tích, gần như thị trường đã không có bất kỳ cơ hội bứt phá nào vào lúc này |
Giới phân tích dựa trên giả định sản lượng bia tiêu thụ năm 2017 của SAB tăng trưởng 6% ước tính, doanh thu và LNST của Sabeco đạt lần lượt 32.689 tỷ đồng (tăng 8,6% so với cùng kỳ) và 4.795 tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ); EPS năm 2017 ước đạt 7.028 đồng.
Sử dụng kết hợp hai phương pháp EV/EBITDA và P/E, mức giá hợp lý đối với cổ phiếu này là 143.000 đồng/cp, cao hơn 8,3% so với mức giá đóng cửa ngày trước đó. Thế nên, dù đang ở xu thế tăng và là điểm nhấn của thị trường, nhưng giới phân tích khuyến nghị NĐT nên trung lập đối với cổ phiếu này trong dài hạn.
Một điểm đáng chú ý trên sàn lúc này là tại HoSE, giao dịch khối ngoại tập trung chủ yếu ở VNM, KBC HSG… và trên HNX là PVS, VCS, DBC, CVT… nhưng chủ yếu là bán ròng.
Như vậy, giữa các gọng kìm, VN-Index dù được hỗ trợ tăng điểm từ một số cổ phiếu nền tảng, nhưng theo ghi nhận của giới phân tích, gần như thị trường đã không có bất kỳ cơ hội nào bứt phá. Bởi, ở nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn, đại diện là những mã trong rổ VN30 đang chịu áp lực bán từ khối ngoại khá nhiều với những lo ngại về tỷ giá khi mà đồng USD và EUR biến động mạnh gần đây.
Trong khi đó, dấu hiệu giải chấp xuất hiện ở nhiều mã có vốn hóa trung bình và thấp như HQC, HAI, DLG, HAR… cũng khiến nhà đầu tư tỏ ra bất an. Mốc hỗ trợ 650 đã có thời điểm bị xuyên thủng trong phiên càng làm cho lo ngại trên thị trường tăng lên.
Bên cạnh đó, việc đấu giá cạnh tranh cổ phiếu VNM sẽ gây áp lực khá lớn cho chỉ số, do nếu giá trúng thầu là giá cao thì giá cổ phiếu trên sàn cũng sẽ tăng mạnh, trong khi tỷ trọng VNM trong VN-Index là khá lớn nên sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến đà tăng của chỉ số thị trường.
Một yếu tố khác cũng sẽ có tác động nhất định là những con số ước lượng kết quả kinh doanh quý IV của các DN niêm yết trên sàn cũng sẽ được tiết lộ trong tháng này. Nhìn chung, thị trường đang không được thuận lợi nên giới phân tích khuyên nhà đầu tư hạn chế giao dịch nhằm bảo toàn vốn vào thời điểm hiện tại.
Thừa nhận điều này, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc môi giới CTCK KIS Việt Nam (KIS) nhận định, vì đang có khá nhiều thông tin tốt xấu đan xen, nên thị trường thời điểm này hay tính chung cả tháng 12 sẽ khó tăng mạnh. VN-Index dự kiến sẽ dao động trong vùng 640-690 điểm.
Bên cạnh đó, thị trường sẽ chịu tác động bởi hai yếu tố chính là việc Fed gần như chắc chắn sẽ nâng lãi suất trong tháng 12, và dòng tiền nhà đầu tư rút ròng ở các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam có thể xảy ra.
Cũng theo ông Phương, kịch bản xấu nhất khi Fed nâng lãi suất và các quỹ đầu tư rút tiền ra khỏi thị trường (chỉ giữ lại các bluechip) thì nhà đầu tư trong nước cũng sẽ bán ra. Do đó có khả năng đà giảm sẽ lan rộng và giá cổ phiếu sẽ rớt liên tục. Ngoài ra, dòng tiền sẽ được chuyển dịch qua các kênh đầu tư khác khi lãi suất chiết khấu của Fed tăng nên dòng tiền mới là không có, khiến cho chỉ số VN-Index giảm sâu.
Bên cạnh đó, cũng có lo ngại về dòng vốn ngoại rút ròng, ông Phạm Minh Tiến, Trưởng nhóm Môi giới CTCK Saigonbank Berjaya (SBBS) cho rằng, TTCK sẽ có sự mất cân bằng tạm thời. Lý do là thời gian qua, thị trường đã chứng kiến hiện tượng bán ròng liên tục của khối ngoại bắt đầu từ tháng 8/2016 và diễn ra mạnh mẽ nhất vào thời điểm từ giữa tháng 11 trở về đây.
Hiện tượng này xuất hiện là do sự lo lắng của khối ngoại về việc Fed sẽ nâng lãi suất. Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đã có động thái cơ cấu lại danh mục đầu tư để chuyển bớt về Mỹ, đồng thời cũng đề phòng rủi ro do chênh lệch tỷ giá sẽ gây ảnh hưởng đến lợi nhuận...
Thực tế, những số liệu kinh tế vĩ mô của nước Mỹ hiện đang nghiêng về việc Fed sẽ nâng lãi suất lần đầu tiên trong năm 2016 này. Được biết, trong quý III/2016, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh nhất trong hơn 2 năm qua và tỷ lệ thất nghiệp tại đây đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007. Tuy nhiên, đó có thể lại là một tin không vui đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Còn theo nhận định của mình, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cũng cho rằng, năm 2017 sẽ là một năm nhiều biến động và thử thách cho các thị trường mới nổi bao gồm cả Việt Nam.
Sau cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ, thị trường kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh trở lại nếu chính phủ mới của Mỹ thực hiện cắt giảm thuế và tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất vào tháng 12/2016, và khoảng 2 – 3 lần nữa trong năm 2017 do tăng trưởng kinh tế và lạm phát tăng. Đây là một bài toán khó cho rất nhiều nền kinh tế mới nổi khi chi phí vay vốn bằng USD sẽ tăng cao.
Ngoài ra, đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền của các thị trường mới nổi do kỳ vọng Fed tăng lãi suất. Xu hướng này sẽ gây khó cho các NHTW tại các thị trường mới nổi khi dư địa cắt giảm lãi suất còn rất ít. Thông thường, các NHTW sẽ cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế.
Cũng theo ông Hải, trong năm 2017, chính sách tín dụng của NHNN sẽ tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục được ưu tiên cho những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, với điểm nhấn là hiệu quả sử dụng vốn, bên cạnh đó là kiểm soát tín dụng ở những lĩnh vực có nhiều rủi ro như BĐS, chứng khoán.