Dự án thủy điện và những chấn thương văn hóa!
EVN khẩn trương khắc phục sự cố Thuỷ điện Sông Bung 2 | |
Khốn đốn vì thủy điện | |
Khánh thành Thủy điện Đồng Nai 5 |
Sự ồ ạt đầu tư, cấp phép xây dựng các nhà máy thủy điện mà thiếu đánh giá tác động môi trường đã và đang gây ra nhiều hệ lụy. Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh, văn hóa tinh thần của người dân. Làm sao để hài hòa các lợi ích, giữa phát triển và bảo tồn văn hóa các dân tộc là điều cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Bao giờ mới có bến đỗ cho những người dân |
Người dân chịu ảnh hưởng khổ hơn?
Nếu chứng kiến người dân ở thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) đã phải nhường đất cho lòng hồ thủy điện Sơn La và Lai Châu để đến một địa bàn khác sẽ thấy nỗi bất an của bà con. Không chỉ là việc người dân thiếu đất, thiếu chính sách an sinh xã hội, những bất cập trong vấn đề bố trí tái định cư (TĐC), mà vấn đề văn hóa đã bị chấn thương.
Ông Vi Văn Sình, ở phường Na Lay, cho biết những sinh hoạt văn hóa trước đây đã bị mai một, người dân không còn giữ được nếp nhà xưa, dòng họ cũng ở mỗi người mỗi nơi. Một số nghệ nhân còn giữ được các làn điệu múa hát đã di chuyển đi nơi khác, thiếu thốn người truyền dạy cho thế hệ sau.
Nhưng có một điều thật đau lòng mà chúng tôi chứng kiến là nhiều bà con được hứa là TĐC ở nơi mới sẽ tốt hơn nơi ở cũ, nhưng không phải thế. Tìm đến vùng đặc biệt khó khăn khác của Điện Biên - huyện Tủa Chùa, nơi có hàng trăm hộ dân cũng đang bất an do việc bố trí TĐC không hợp lý.
Tiêu biểu như người dân ở xã Pác Na, từ năm 2006 về TĐC ở bản Huổi Lực 1 và 2 (xã Mường Báng), thứ gì cũng phải đi mua, trong khi sau ba năm mới được giao đất, nên nhiều tháng trời thiếu ăn. Tại tỉnh Lai Châu cũng có nhiều thôn bản chung cảnh (cùng lúc thực hiện dự án thủy điện Lai Châu, Bản Chát và chịu ảnh hưởng bởi dự án Nhà máy thủy điện Sơn La).
Là người dân tộc thiểu số, nếu chuyển họ đến một nơi ở hoàn toàn mới, với các điều kiện thiếu thốn về đất sản xuất, thì họ sẽ nguôi quên những kỹ năng đã được tiếp nhận từ tấm bé, họ cũng không được gắn bó với công việc là thế mạnh của bản thân, nên gây ra những xáo trộn trong đời sống.
Tỉnh Nghệ An với một số dự án thủy điện, đặc biệt là dự án thủy điện Bản Vẽ, thuộc địa bàn huyện Tương Dương. Có thể nói đây là dự án lớn, mang lại nguồn lợi lớn nhưng những thiếu khuyết đã đẩy hàng nghìn hộ dân lâm vào tình cảnh trớ trêu. Mặc dù đã được đưa đến nơi TĐC nhưng thiếu đất, họ lại bỏ nhà, quay trở về nơi ở cũ, sống bám vào rừng và lòng hồ thủy điện. Trẻ em không được học hành, đối mặt với tình trạng nghèo đói, thất học.
Cân nhắc được và mất
Theo tìm hiểu nhiều dự án thủy điện gây họa cho người dân và môi trường, như các dự án: An Khê-Kanak (Gia Lai); Sê-rê-pôk 4A (Đắk Lắk), Thuận Hòa, Sông Miện 5 (Hà Giang)… Những hậu quả, nỗi bức xúc trong triển khai các dự án thủy điện nhỏ và vừa vẫn thường xuyên diễn ra.
Người dân lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) đối mặt với cảnh sống tạm bợ, nheo nhóc |
Rõ ràng với mỗi dự án thủy điện được xây dựng ở đầu nguồn thì tương ứng với diện tích rừng đầu nguồn bị suy giảm do phải dành đất rừng làm hồ chứa. Cách thức tích nước tự nhiên bằng hệ thống rừng đầu nguồn bị thay đổi khiến hệ sinh thái mất cân bằng, tầng nước ngầm cũng suy giảm theo. Quá trình tích nước, xả nước của thủy điện nhiều khi cũng nặng tính lợi ích của chủ đầu tư khi nước được giữ lại vào mùa khô (để dành phát điện) và xả nhiều vào mùa mưa. Điều này tạo ra những đợt hạn hán hay lũ lụt nhân tạo một cách rõ rệt. Đó là cái mất không đo đếm được.
Lo ngại động rừng, ông Y Nô H’Wing, Phó buôn Đrăng Phôk, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) thốt lên: “Thủy điện nhỏ mà ảnh hưởng lớn thì không nên. Làm thế rầu lòng lắm. Bởi sẽ là gánh nặng cho vườn quốc gia, ảnh hưởng nhiều đến bà con”.
Hay như ông Phan Tuấn Anh, Phó trưởng phòng Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu) bộc bạch: Đến nay tỉnh vẫn chưa có báo cáo đầy đủ về công tác di dân, TĐC, ổn định đời sống cho người dân, bởi công tác này vô cùng phức tạp. Theo tập tục, bà con sống phụ thuộc vào núi rừng, sông suối. Khi về nơi ở mới thì các điều kiện đó không còn. Nhiều người dân vẫn thích cuộc sống như xưa.
Đối với các tỉnh nghèo, thủy điện đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế không nhỏ, như lời ông Nguyễn Khắc Quyền, Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang bộc bạch: “Hiện ở Hà Giang, tiền thu vào ngân sách là tiền từ khai thác thủy điện, chứ khoáng sản đang trì trệ không thu thuế được đâu. Nhìn chung là được nhiều. Ngoài phát huy tiềm năng thì mỗi nhà máy cũng tạo việc làm cho từ 30 đến 40 lao động thường xuyên. Về mặt quản lý, chúng tôi đã xin ý kiến lãnh đạo tỉnh, chỉ đạo các doanh nghiệp phối hợp vận hành tốt các nhà máy đã hoàn thành, thanh toán tiền quỹ bảo vệ rừng”.
Nhà thơ Đỗ Thị Tấc, người con của xứ núi Lai Châu có nhiều công trình nghiên cứu bảo tồn văn hóa dân tộc ở Lai Châu cho rằng, thủy điện có công và cũng có tội. Cái công là góp phần phát triển nguồn điện, phát triển công nghiệp nhưng cái hại là tước của người dân tộc thiểu số môi trường sống tự nhiên vốn rất bình yên. Thậm chí còn làm bần cùng hóa một số bản làng khi họ không còn đất để sản xuất, cái hồn núi hồn sông bao đời gắn bó nhạt phai.
“Người dân cần nhất là cơm ăn áo mặc. Điều đó còn hơn cả chuyện học hành. Nên trước khi lập dự án cần cân nhắc nguồn lợi, cái được cho dân”, bà Tấc nhấn mạnh.