Hậu Brexit, giảm cơ hội với lao động nước ngoài
Kinh tế Anh hậu Brexit | |
Thị trường BĐS tại Anh: Những điều chỉnh hậu Brexit |
Xem lại chính sách nhập cư
Theo ước tính của Oxford Migration Observatory, hiện có khoảng 3 triệu người EU nhập cư đang sinh sống ở Anh. Trong đó, có khoảng 1,9 triệu, tức chiếm 63% đang làm việc tại nền kinh tế này. Các chuyên gia về luật pháp cho rằng, quá trình người nhập cư châu Âu phải rút về khỏi nước Anh sẽ không diễn ra một cách ồ ạt nhưng dù là theo cách nào thì điều này cũng sẽ diễn ra.
Trong tương lai, điều kiện để được làm việc tại Anh của người lao động nước ngoài sẽ ngặt nghèo hơn |
Động thái mới nhất là việc Chính phủ Anh đang xem xét đến các biện pháp như yêu cầu các DN tại Anh phải công bố số lượng lao động người nước ngoài trong biên chế của họ. Đây được xem là một phần trong việc xem lại chính sách nhập cư nhằm giảm số lượng người lao động nước ngoài đến Anh làm việc.
Xem xét lại chính sách nhập cư là điều đã được Chính phủ Anh theo đuổi trong nhiều năm qua. Những lo ngại về tác động tới việc làm, tiền lương, nhà ở và các dịch vụ công cộng là một yếu tố khiến Brexit xảy ra. Vì khi một nước là thành viên EU thì các công dân EU sẽ được tự do đến sống và làm việc trong bất kỳ nước nào thuộc EU. Hiện tỷ lệ thất nghiệp ở Anh chỉ ở mức 4,9% - mức thấp nhất trong 11 năm qua.
Tuy nhiên theo bà Amber Rudd, Bộ trưởng Nội vụ Anh, việc thay đổi là cần thiết để đảm bảo rằng người di cư "lấp đầy được các khoảng trống trong thị trường lao động nhưng không chiếm mất những công việc mà người dân Anh có thể làm”.
Bình luận trên của bà Rudd được đưa ra tại một hội nghị của Đảng Bảo thủ Anh và đúng vào thời điểm mà đồng Bảng Anh rơi xuống mức thấp nhất trong 31 năm qua khi thị trường ngày càng lo ngại nền kinh tế này sẽ chịu tác động mạnh mẽ (chứ không phải dần dần) từ việc tách khỏi EU.
Chính phủ Anh sẽ thay đổi thế nào trong chính sách nhập cư hiện là mối quan tâm đặc biệt của giới đầu tư. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã thể hiện quan điểm rõ ràng rằng, nếu Anh không cho phép công dân EU di cư tự do qua biên giới thì nước này cũng sẽ mất đi một số quyền tiếp cận vào khu vực thương mại tự do rộng lớn này.
Kế hoạch buộc các công ty phải trình danh sách lao động nước ngoài trên đã gặp phải một số chỉ trích, như phản ứng mạnh mẽ của Thị trưởng London Sadiq Khan. Đây là thành phố nơi có khoảng 40% dân số được sinh ra bên ngoài Anh. Tuy nhiên, bà Rudd vẫn bảo vệ đề xuất này và coi đó là "một trong những điều chính quyền Anh sẽ xem xét".
Bà nói: "Đó không phải là điều chúng tôi chắc chắn sẽ làm nhưng là một trong những công cụ có thể sẽ sử dụng trong xem xét lại chính sách nhập cư cũng như là một cách để hướng người lao động nhập cư có các hành vi tốt hơn".
Nhiều công ty lớn tính chuyển trụ sở khỏi Anh
Một trong những biện pháp khác mà chính quyền Anh cũng có thể áp dụng là việc sẽ thắt chặt hơn đối với visa sinh viên và đưa ra những thay đổi khiến các công ty gặp khó khăn hơn trong việc chứng minh lập luận lâu nay vẫn được đưa ra và họ cần phải thuê người nước ngoài vì công nhân Anh thiếu những kỹ năng cần thiết.
Đáng lưu ý là không chỉ có công dân từ các nước EU sang Anh sinh sống và làm việc mà lao động nước ngoài còn đến từ nhiều quốc gia khác. Theo số liệu năm 2014, có khoảng 70 nghìn người lao động từ các nước không thuộc EU đến làm việc tại Anh. Một chi tiết thú vị là, nhiều người nhập cư thậm chí còn nắm giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống chính quyền Anh. Đơn cử, Thống đốc NHTW Anh Mark Carney là công dân Canada.
Một cuộc khảo sát của KPMG được tiến hành mới đây với 100 công ty lớn nhất của Anh cho thấy, có tới 76% các CEO của DN Anh được khảo sát cho biết đã xem xét di chuyển trụ sở công ty hoặc các bộ phận của kinh doanh của họ ra khỏi Anh sau sự kiện Brexit vừa qua.
Theo Chủ tịch KPMG tại Anh Simon Collins, việc di chuyển trụ sở ra nước ngoài là điều “cực chẳng đã” và sẽ khiến dư luận đặc biệt quan tâm nhưng các DN có thể bắt đầu chuyển dần hoạt động ra nước ngoài để ít gây sự chú ý của công chúng.
Theo khảo sát này, hầu hết CEO của các công ty lớn trên cho biết, họ vẫn thấy tự tin đối với kinh tế Anh cũng như triển vọng hoạt động của DN trong vài năm tới. Tuy nhiên, cũng có tới hơn một nửa số người được hỏi cho rằng, việc Anh rời khỏi EU sẽ khiến hoạt động kinh doanh bị tác động xấu và đó là lý do tại sao họ cân nhắc tới kế hoạch phải thay đổi trên.
Kết quả khảo sát này càng được củng cố bởi một cuộc khảo sát khác do PwC và Liên đoàn Công nghiệp Anh tiến hành với 115 DN trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và đang tạo ra khoảng 2 triệu việc làm. Khảo sát này cho thấy, có 53% các công ty dịch vụ tài chính cho biết, việc Anh rời khỏi EU là một tin xấu đối với tổ chức của họ, trong khi chỉ có 12% tin rằng đó là một quyết định tốt.
Bên cạnh đó, sự lạc quan về môi trường kinh doanh tổng thể cũng tiếp tục giảm trong quý thứ ba liên tiếp và đánh dấu khoảng thời gian suy giảm dài nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, theo khảo sát này.
Các số liệu chính thức cho thấy, hiện có gần 5.500 công ty Anh dựa vào "hộ chiếu" tài chính để triển khai hoạt động kinh doanh trên toàn EU. Tới đây, nếu quyền “tự động” trong tiếp cận tự do vào các thị trường EU bị chấm dứt vì Brexit thì sự gián đoạn trong hoạt động kinh doanh của các DN này sẽ có thể rất lớn.
“Hiện vẫn chưa có sự rõ ràng về các thỏa thuận cụ thể giữa Anh và EU sau Brexit. Do đó, nhiều khách hàng của chúng tôi đang xem xét lựa chọn của họ, trong đó có việc điều chỉnh hoạt động hay chuyển trụ sở DN" - ông Andrew Kail, người đứng đầu bộ phận Dịch vụ tài chính tại Anh của PwC cho biết.