Hệ số tín nhiệm quốc gia
Vì sao quan trọng?
Hệ số tín nhiệm quốc gia là chỉ số phản ánh khả năng và sự sẵn sàng hoàn trả đúng hạn tiền gốc, lãi trong tương lai đối với danh mục nợ của một quốc gia. Đây là chỉ số cơ bản được các NĐT xem xét như là một yếu tố để xác định mức độ rủi ro và khả năng sinh lời khi có quyết định đầu tư vào quốc gia đó.
Moody’s, Standard & Poor’s và Fitch Ratings - ba tổ chức XHTN quốc tế danh tiếng hiện nay
Một quốc gia có mức xếp hạng tín nhiệm (XHTN) càng cao thì thể hiện khả năng và sự sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ nợ càng tốt hơn, đồng thời giúp giảm mức độ rủi ro trong việc thực hiện các nghĩa vụ nợ.
Ba tổ chức XHTN quốc tế danh tiếng hiện nay là Moody’s, Standard & Poor’s và Fitch Ratings. Các tổ chức XHTN này đóng vai trò quan trọng đối với nhà phát hành và NĐT. Bởi, đây là công cụ quan trọng cho một quốc gia quảng bá về hình ảnh của mình, giúp người đi vay tiếp cận thị trường trái phiếu toàn cầu và thu hút các NĐT nước ngoài.
Bên cạnh đó, các đánh giá xếp hạng mà họ đưa ra giúp định hướng vấn đề khoảng cách thông tin giữa người phát hành và NĐT. Ngoài ra, còn gián tiếp hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế khác (như thương mại và dòng chảy FDI) thông qua xác định mức độ rủi ro và tạo điểm chuẩn cho các NĐT lựa chọn.
Các yếu tố ảnh hưởng đến mức XHTN
Mỗi tổ chức XHTN đều có phương pháp đánh giá, xếp hạng các quốc gia riêng. Tuy nhiên, các phương pháp đánh giá XHTN đều dựa trên các yếu tố thể hiện sự sẵn sàng và khả năng của chính phủ trong việc thực hiện đầy đủ và đúng hạn các nghĩa vụ nợ. Quá trình phân tích tập trung vào tình hình kinh tế và chu kỳ chính trị của mỗi quốc gia trong những năm trước đây cũng như các yếu tố liên quan tới mức độ linh hoạt của chính sách tiền tệ và tài khoá có ảnh hưởng tới chu kỳ kinh tế trong tương lai.
Có thể thấy, năm 2014 đánh dấu bước ngoặt mới về mức XHTN của Việt Nam. Thể hiện ở việc cả 3 tổ chức XHTN trên đều nâng hạng Việt Nam lần lượt ở mức B1/BB-/BB-. Đây là thông điệp có ý nghĩa hết sức tích cực, góp phần giúp các NĐT có nhìn nhận khả quan về Việt Nam, đồng thời nâng cao uy tín của quốc gia và góp phần làm giảm chi phí huy động vốn trong trường hợp Chính phủ tiếp cận thị trường vốn quốc tế.
Việc nâng bậc XHTN của Việt Nam cũng mang lại tác động tích cực đối với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong việc xem xét lại đánh giá về mức độ rủi ro tín dụng của Việt Nam. Trong trường hợp tổ chức này nâng bậc rủi ro tín dụng cho Việt Nam - tức đánh giá rủi ro thấp đi - sẽ giúp giảm phí bảo hiểm rủi ro tín dụng cho các doanh nghiệp trong nước khi vay vốn nước ngoài.
Nâng bậc XHTN cũng mang lại những ảnh hưởng tích cực đối với các DN có vốn nhà nước chiếm ưu thế. Các DN này cũng sẽ có cơ hội xem xét nâng bậc tín nhiệm trong trường hợp XHTN của quốc gia được cải thiện. Cụ thể, ngay sau khi Fitch Ratings công bố nâng XHTN cho Việt Nam thì 2 ngân hàng là Agribank và VietinBank cũng được thông báo nâng 1 bậc XHTN.
Lê Thùy