Hiệu quả từ giao hạn mức vốn cho tổ liên kết
Tiếp sức cho nông nghiệp, nông thôn | |
Điểm sáng Hòa Vang | |
Đổi thay trên vùng đất Phú Yên |
Nhiều năm qua, nhận thấy nhu cầu vay vốn của người dân khá lớn nhưng số lượng nhân sự cũng như các chi nhánh, phòng giao dịch của các NHTM trên địa bàn không đủ để phủ khắp các thôn ấp, chính quyền tỉnh Tây Ninh đã phối hợp với Agribank tại địa bàn triển khai chương trình thành lập các tổ liên kết để cho nông dân vay vốn thông qua hoạt động ủy thác.
Ảnh minh họa |
Theo đó, ở mỗi xã, Hội Nông dân và Hội Phụ nữ đều thành lập nhiều tổ vay vốn, mỗi tổ kết nạp khoảng 25-30 thành viên.
Hàng tháng, tổ trưởng tổ liên kết sẽ tập hợp tất cả các nhu cầu vay vốn của người dân. Sau đó báo về cho Hội Nông dân, Hội Phụ nữ cấp huyện và cấp tỉnh để liên hệ trực tiếp với chi nhánh Agribank tại địa phương. Agribank cấp tỉnh căn cứ trên số lượng các tổ liên kết cũng như nhu cầu vốn vay thực tế của người dân để giao một hạn mức vốn ủy thác nhất định cho Hội Nông dân và Hội Phụ nữ thực hiện cho vay tín chấp đối với các thành viên trong tổ liên kết.
Ông Võ Tự Thiện, Giám đốc Agribank Tây Ninh cho hay, tính đến thời điểm hiện nay, bằng cách kết hợp đó, địa phương đã thành lập được hơn 1.800 tổ liên kết với 7.300 hội viên. Doanh số cho vay ủy thác thông qua các tổ liên kết (tính lũy kế cả năm 2015 đến hết tháng 2/2016) đạt khoảng trên 1.130 tỷ đồng. Dư nợ còn lại đến hiện nay ước khoảng 990 tỷ đồng, hầu hết là được cho vay dưới dạng tín chấp theo các quy định tại Nghị định 55 của Chính phủ.
Theo đánh giá của Agribank Tây Ninh, việc cho vay ủy thác thông qua các Hội Nông dân, Hội Phụ nữ phát huy hiệu quả rất tốt. Một phần lớn nguồn vốn cho vay nông hộ của đơn vị được thực hiện thông qua cách thức này. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu trong hoạt động cho vay ủy thác luôn ở mức rất thấp (khoảng 0,6-0,7%) vì các tổ liên kết rất sát sao với hội viên trong việc phối hợp với NH thẩm định phương án vay và đôn đốc thu nợ.
Ông Thiện cho biết, để tiếp tục phát huy hoạt động cho vay ủy thác qua các tổ liên kết, hiện Agribank Tây Ninh mạnh dạn thí điểm áp dụng hình thức khoán hạn mức cho từng hộ nông dân ở các tổ liên kết.
Theo đó, mỗi hộ dân căn cứ trên phương án sản xuất kinh doanh và tài sản đảm bảo sẵn có sẽ được NH giao cho một hạn mức tín dụng trong suốt năm. Hộ dân chỉ cần làm hồ sơ vay vốn một lần, khi nào có nhu cầu cần vốn thì sẽ đề xuất để được giải ngân trong hạn mức mà không phải làm lại hồ sơ vay nữa.
Cách thức khoán hạn mức này, theo ông Thiện vừa giúp đơn giản hóa thủ tục vay cho người dân, vừa tạo điều kiện cho người dân linh hoạt bố trí vốn theo nhu cầu sản xuất – kinh doanh của mình. Khi người dân sử dụng vốn có hiệu quả, có lợi nhuận cao họ sẽ mở rộng sản xuất - kinh doanh, mua thêm đất đai, tư liệu sản xuất, khi đó NH sẽ cấp thêm hạn mức mới để gia tăng cho vay.
Quan sát của phóng viên TBNH cho thấy, hiện nay không chỉ Agribank Tây Ninh thực hiện mô hình cho vay ủy thác thông qua tổ liên kết mà các chi nhánh khác của hệ thống Agribank tại các tỉnh như: Bình Thuận, Phú Yên, Đồng Nai, Tiền Giang… cách thức cho vay này cũng rất phát triển. Đến thời điểm cuối năm 2015 toàn hệ thống Agribank đã thành lập được gần 40.000 tổ liên kết vay vốn, với số lượng thành viên lên tới gần 1 triệu hộ.
Theo thông tin từ Agribank, sau khi một số địa phương thí điểm khá thành công hình thức khoán hạn mức tín dụng cho các tổ liên kết và nông hộ, hiện NH đang lên kế hoạch mở rộng hình thức này đối với các chi nhánh cấp tỉnh. Từ đó biến hình thức liên kết ủy thác vốn trở thành kênh dẫn vốn nông hộ chủ đạo tại các địa phương, đưa tổ liên kết thực sự trở thành cánh tay nối dài của NH, nhằm cấp vốn hiệu quả đến từng thôn, ấp, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, người dân còn gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng để phát triển kinh tế.