Điểm sáng Hòa Vang
Đồng hành để đổi mới | |
Đổi thay trên vùng đất Phú Yên | |
Xã nông thôn mới Tu Tra “sang trang mới” nhờ vốn ưu đãi |
Đổi mới mô hình sản xuất
Đà Nẵng được đánh giá là một trong những địa phương triển khai tốt chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến nay, thành phố đã đạt được nhiều kết quả khả quan, mang lại diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Điều đó mang lại nhiều tín hiệu vui cho người dân khu vực này, góp phần lớn cải thiện đời sống và thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể. Trong kết quả đó, có sự đóng góp rất tích cực của hệ thống ngân hàng trên địa bàn, đặc biệt là sự nỗ lực đưa nguồn vốn đến tận tay nông hộ của Agribank Đà Nẵng.
Xuất thân từ một nông dân chân chất, trước đây ngoài giờ làm nông, ông Ông Văn Thông kiêm thêm nghề buôn lợn nhưng cuộc sống vẫn đắp đổi qua ngày. Vì thế, gần đây ông xem xét lại và nhận thấy với diện tích đất rộng, gia đình có thể mở trang trại chăn nuôi, vừa phù hợp với khuyến khích của chính quyền địa phương về xây dựng phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng bền vững, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nghĩ là làm, ông Thông chuyển hướng theo mô hình chăn nuôi trang trại lợn, gà với quy mô lớn, chuyên nghiệp và khép kín. Hiện ông Thông đã làm chủ DN tư nhân Đồng Nghệ, với quy mô trại lợn cả ngàn con và trại gà đẻ trứng trên bốn ngàn con.
Vốn ngân hàng đóng vai trò quan trọng để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM |
Ông Thông chia sẻ, ban đầu xây dựng mô hình gặp nhiều khó khăn, bởi thực tế khác xa với những lý thuyết tìm hiểu trên mạng internet: “Tính ra mình cũng liều thật, nhưng đã ngồi lên lưng cọp thì không nghĩ chuyện bỏ cuộc. Rồi dần dần mình tự tin vào những kiến thức học hỏi được từ các trang trại, từ các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, chăn nuôi...”.
Để xây dựng mô hình bền vững như hiện nay, ông phải khăn gói đi học nghề ở nhiều địa phương trong cả nước. Từ kiến thức thực tế học được, ông Thông đã đầu tư hết số vốn dành dụm được để đầu tư vào trang trại. Thế nhưng vẫn còn thiếu, nên ông đã mạnh dạn gõ cửa Agribank Hòa Vang vay vốn đầu tư hoàn thiện mô hình nuôi lợn, gà không bốc mùi, bằng cách ứng dụng thảm sinh học vi sinh.
Vượt qua khó khăn ban đầu, hiện ông Thông xây dựng thành công mô hình chăn nuôi áp dụng công nghệ cao, với doanh thu hàng năm trên chục tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương.
Trên địa bàn Hòa Vang, ngoài ông Thông còn hàng chục DN, hộ nông dân khác cũng nhờ nguồn vốn tài trợ của Agribank đầu tư mà đã ứng dụng các mô hình sản xuất chăn nuôi hiệu quả như DN Lê Minh với mô hình nuôi cá nước ngọt, Công ty cổ phần Vinh Thanh Châu với mô hình sản xuất gạch tuy-nen… Hay như mô hình vườn phong lan cắt cành của anh Nguyễn Xuân Hùng, ở xã Hòa Châu; trại nuôi heo quy mô lớn của bà Ngô Thị Chúc, ở xã Hòa Tiến; vùng rau sạch Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương…
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào phát triển kinh tế hộ
Một hướng đi khác cũng mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Để đưa chương trình xây dựng NTM bám sát đời sống của nông dân, Hội Nông dân huyện Hòa Vang đã thành lập 11 Câu lạc bộ Nông dân xây dựng NTM tại 11 xã do Chủ tịch Hội Nông dân các xã làm chủ nhiệm.
Sự ra đời của những CLB này ở các xã được xem là cách làm mới của Hội Nông dân huyện Hòa Vang. Mỗi xã sẽ có một CLB, với những phương thức hoạt động khác nhau phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Các CLB này sẽ có vai trò tích cực trong việc tham mưu cho Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn xã. Việc làm này thể hiện quyết tâm cao, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM của nông dân huyện Hòa Vang trong thời gian tới.
Hòa Khương là xã đầu tiên của huyện Hòa Vang thành lập CLB Nông dân xây dựng NTM. Thời gian qua, Ban chủ nhiệm CLB đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn vay vốn ngân hàng, thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, góp phần vào công cuộc xây dựng NTM.
Theo lãnh đạo UBND xã Hòa Khương, để phấn đấu trở thành xã NTM như hiện nay, xã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của đảng viên, cán bộ và người dân về tầm quan trọng của việc xây dựng NTM; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Trong đó, nguồn vốn vay ngân hàng của các thành viên trong CLB đóng vai trò rất quan trọng, giúp nông dân có cơ hội đầu tư áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi.
Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Phùng Tấn Viết cho hay, Hòa Vang là địa phương phát triển chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Trong công cuộc đổi mới phát triển kinh tế, xã hội để thích ứng với thời kỳ hội nhập những năm qua, Hòa Vang đứng trước nhiều cơ hội, thách thức. Đơn cử như khi hàng loạt dự án lớn đang được triển khai như: dự án Khu Công nghệ cao, đường Nguyễn Tất Thành nối dài, đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi... tất yếu làm phát sinh nhiều vấn đề về công tác đền bù, giải tỏa, tái định cư.
Theo ông Phùng Tấn Viết, việc triển khai đồng loạt các dự án, đồng nghĩa với diện tích đất nông nghiệp sẽ bị thu hồi ngày càng nhiều. Đất sản xuất của người nông dân bị thu hẹp dần, người nông dân phải đối mặt với việc tìm kiếm một việc làm phù hợp với tình hình mới. Thực tế này tiềm ẩn nhiều vấn đề, đặc biệt là nguy cơ phát sinh mâu thuẫn, khiếu kiện, giảm sút niềm tin trong nhân dân nếu không được giải quyết thấu đáo.
Mặc dù thời gian qua, chính quyền TP. Đà Nẵng đã tập trung nhiều nguồn lực cho địa phương này, nhưng để mục tiêu xây dựng NTM đạt đúng kế hoạch, Hòa Vang rất cần sự chung tay, đồng thuận của người dân. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, nông hộ phải đóng vai trò chủ động trong đầu tư phát triển kinh tế.
Thực tế cho thấy, kinh tế của địa phương tuy tăng trưởng nhưng quy mô còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; sản xuất, kinh doanh đứng trước nhiều thách thức mới; nguồn thu ngân sách thấp, không ổn định; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.
Với vai trò là nhà đầu tư vốn cho DN và hộ dân phát triển kinh tế tại khu vực nông thôn, Phó giám đốc Agribank Hòa Vang Ông Hùng Cường nhìn nhận: Hòa Vang nếu muốn phát triển bền vững thì không còn cách nào khác là phải tập trung đầu tư phát triển kinh tế theo chiều sâu. Nghĩa là, phải đổi mới, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, hướng các nông hộ ứng dụng khoa học công nghệ để mạng lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó, các ngân hàng đang tích cực triển khai Nghị định 55, tăng cường nguồn vốn đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đây là điều kiện thuận lợi để các địa phương xây dựng NTM.
Tuy nhiên, ông Cường cũng cho rằng, để chương trình đạt kế hoạch, mục tiêu thì rất cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương một cách mạnh mẽ để giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ mới.