Hỗ trợ không gây bất bình đẳng
Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV: DN lo lại vấp “xin – cho” | |
Cần nhất là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi | |
Luật cần phải sát với thực tế |
Cộng đồng DNNVV sẽ có “bệ đỡ” vững chắc để tự tin cạnh tranh bình đẳng với DN lớn và cả khối FDI. Đó chính là Luật Hỗ trợ DNNVV, đang được gấp rút hoàn thiện và dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm nay. Tuy nhiên, khi đặt ra một loạt chính sách hỗ trợ cho DNNVV, thì điều mà nhiều chuyên gia, DN lo lắng lại là làm sao để những hỗ trợ này đến đúng đối tượng, nếu không sẽ vô tình tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường đầu tư.
Chính sách hỗ trợ cần có sự phân biệt về quy mô và ngành nghề |
Đây cũng là quan ngại lớn nhất được nêu ra tại hội thảo “Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV dưới góc nhìn của cộng đồng DN”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp tổ chức hôm đầu tuần.
Với số lượng DN nằm trong tầm ảnh hưởng lên đến hơn nửa triệu, và dự kiến khoảng 5 năm nữa sẽ lên đến 1 triệu DN, thì khoảng 100 nội dung hỗ trợ trong luật có thể nói là rất đồ sộ. Đánh giá một cách tổng thể, nhiều chuyên gia nhận định, dự thảo luật đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, song việc cân đối các nguồn lực để thực hiện chưa rõ nét, có thể dẫn đến tính khả thi không cao của chính sách.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico phân tích, đối tượng áp dụng của dự thảo luật quá rộng vì theo quy định thì “mọi DNNVV thành lập và hoạt động theo quy định của Luật DN” đều thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Ông Đức cho rằng việc quy định hỗ trợ cho quá nhiều DN là không hợp lý, và càng bất hợp lý hơn khi đặt ra các hỗ trợ với mức cào bằng như nhau, không hề có sự phân biệt giữa các DN có quy mô doanh thu gần 100 tỷ đồng với đa số DN còn lại chỉ có doanh thu 10 tỷ đồng, thậm chí ước tính vài chục % số DN có doanh thu dưới 1 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, do nguồn lực hỗ trợ DNNVV rất hạn chế, nên cũng cần thu hẹp phạm vi và đối tượng hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả. Theo đó cần tập trung hỗ trợ cho DN nhỏ và siêu nhỏ, bao gồm cả hộ kinh doanh (với quy mô từ 10-20 tỷ đồng doanh thu và từ 20-30 lao động trở xuống), vì đây là nhóm DN rất yếu thế, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, “có thể áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng thì được áp mức thuế suất thuế thu nhập DN thấp hơn so với các DN khác”, ông Đức hiến kế.
Nhiều ý kiến cũng đồng tình và cho rằng không nên hỗ trợ cho nhóm DN vừa hoặc chỉ hỗ trợ một phần nhỏ, ngoại trừ một số lĩnh vực hoặc trường hợp đặc biệt. Vì giữa DN siêu nhỏ và nhỏ với DN vừa có sự khác nhau rất lớn về năng lực và quy mô, có khi đến hàng trăm, hàng nghìn lần, nên không thể hỗ trợ cào bằng.
Một lý do nữa không nên hỗ trợ DN vừa, dễ dẫn đến tác dụng ngược, bất lợi cho sự phát triển của nền kinh tế, vì DN vừa cũng được hỗ trợ như DN nhỏ thì sẽ đồng nghĩa với việc khuyến khích DN giữ nguyên ở quy mô vừa để hưởng nhiều ưu đãi, không phát triển lên quy mô lớn như mục tiêu của Chính phủ.
Cũng chung quan điểm dự thảo luật đang quá ôm đồm đối tượng hỗ trợ, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ lo ngại rằng mục tiêu trong dự thảo luật chưa rõ là hỗ trợ DN đang hoạt động, hỗ trợ thành lập mới hay kiến tạo môi trường khởi nghiệp. Trong khi đó, “DN hiện nay nghe nói tới hỗ trợ là rất sợ, vì cứ hỗ trợ là dính dáng tới cơ chế xin cho”, ông Dũng thẳng thắn nói.
Bởi DN làm thủ tục xin hỗ trợ có khi còn tốn kém chi phí gần bằng khoản hỗ trợ được hưởng mà lại mất thời gian. Do đó nhiều DN ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện giờ không quan tâm lắm tới hỗ trợ. “Đối với họ hỗ trợ cũng cần thiết nhưng trước hết các vấn đề thủ tục hành chính cần rõ ràng, mức thuế áp 5% hay 10%, thì quy định trong luật phải rõ để DN hiểu được. Còn phải xin để được hỗ trợ giảm thuế thì không nên”, ông Dũng quả quyết.
Trước những lo ngại hỗ trợ quá dàn trải sẽ gây ra “lợi bất cập hại”, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, ban soạn thảo đã xác định 2 hướng hỗ trợ rất cụ thể. Theo đó, phần hỗ trợ chung là để cung cấp thông tin, đào tạo, tư vấn… là những hỗ trợ mang tính phổ quát. Dạng thứ 2 là hỗ trợ phát triển có trọng tâm trọng điểm, “không phải cứ thả tiền ra để hỗ trợ hết”, ông Đông khẳng định.
Với nhóm thứ 2 này, theo ông Đông, ban soạn thảo muốn nhắm tới 3 đối tượng. Thứ nhất là DN hay người khởi nghiệp có sản phẩm nhìn thấy tiềm năng, thì sẽ có một hội đồng có chuyên môn để đánh giá khách quan khả năng sản xuất thương mại của sản phẩm đó. Thứ hai, sản phẩm phải bám được vào chuỗi giá trị để tạo giá trị gia tăng cao. Thứ ba, tập trung vào nhóm DN sản xuất, tạo ra sản phẩm, hàng hoá thiết yếu.
Bên cạnh đó, ông Đông cũng bổ sung, hỗ trợ sẽ được tiến hành trên tinh thần cạnh tranh từ cấp trung ương đến địa phương, ai làm việc ở cấp đó. Tuy nhiên công việc nào thì cơ quan quản lý tham gia, công việc nào thì cơ quan, tổ chức xã hội khác tham gia, thì đây là cái khó mà ban soạn thảo hiện nay đang băn khoăn. Ông Đông bày tỏ muốn lắng nghe các ý kiến góp ý để phân định cụ thể các phần việc, tránh chồng chéo và lãng phí nguồn lực.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khuyến nghị, “đối tượng chịu tác động của luật này là rất lớn, do đó bộ phận nhận được sự hỗ trợ trực tiếp của nhà nước, đặc biệt là về tiền bạc sẽ rất ít thôi”. Ông Lộc cho rằng, đó phải là bộ phận có tiềm năng phát triển nhưng có khó khăn tạm thời, đối tượng này phải rất chọn lọc chứ không thể trải rộng, và phải tập trung nhiều vào nhóm khởi nghiệp sáng tạo.