Hướng tới nền kinh tế độc lập, tự chủ, tránh tụt hậu
Động lực phát triển kinh tế địa phương | |
Cú hích cho kinh tế Việt Nam từ những đặc khu | |
TPP được thông qua với tên gọi CPTPP |
Qua hai ngày chất vấn các thành viên Chính phủ, Quốc hội đã dành 2,5 giờ (so với kỳ họp thứ 3, thời gian dành cho Thủ tướng chỉ 40 phút), từ 14h đến 16h45 ngày 18/11, để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn. Các vấn đề nóng như điều hành kinh tế - xã hội, chống tham nhũng, bất cập trong BOT… đã được các đại biểu nêu ra và đã nhận được phần trả lời thỏa đáng của Thủ tướng.
Trong phiên chất vấn Thủ tướng, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) và nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị Thủ tướng cho biết đánh giá về mức độ độc lập tự chủ hiện nay của nền kinh tế Việt Nam và các giải pháp gì để xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ.
Cơ cấu kinh tế Việt Nam đang có những chuyển biến rất tích cực |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vấn đề độc lập tự chủ của nền kinh tế cần đặt dưới góc độ bị tổn thương nhiều hay ít trước các diễn biến của nền kinh tế thế giới. Ông cho rằng, càng độc lập, càng ít bị tổn thương, nhưng tự chủ cũng không có nghĩa là tiếp tục một nền kinh tế tự cung tự cấp, mà phải biết rõ thế mạnh của mình là gì để phát huy. Chính vì vậy, để có được nền kinh tế độc lập tự chủ, theo Thủ tướng, cần đảm bảo được 3 trụ cột quan trọng. Thứ nhất là cơ cấu kinh tế hợp lý, như trong sản xuất nông nghiệp, không thể để tình trạng sáng nắng chiều mưa, lúc trồi lúc sụt và thường xuyên phải giải cứu. Thứ hai, phải là một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao. Đặc biệt, một nền kinh tế độc lập, tự chủ là một nền kinh tế phải giải quyết được các cân đối lớn như tích lũy tiêu dùng, cân đối thanh toán quốc tế, thu và chi ngân sách, giữa xuất khẩu và nhập khẩu…
Theo Thủ tướng, cơ cấu kinh tế Việt Nam đang có những chuyển biến rất tích cực. Năng suất lao động của Việt Nam có tăng lên, năm 2016 tăng 5,29%, năm 2017 tăng 5,87%. Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện. Ngân hàng Thế giới vừa công bố xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moodys nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”. Về xuất khẩu, năm nay có thể đạt 210 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với kế hoạch được giao khi kế hoạch giao là tăng 7%, khả năng tăng đến 21%. Tổng thu ngân sách lũy kế 10 tháng tăng gần 14% so với cùng kỳ...
Thủ tướng khẳng định, qua nhiều năm xây dựng phát triển, phải nói rằng kinh tế Việt Nam ngày càng độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. “Chúng ta đã ký kết, thực thi 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA), đang hoàn tất ký kết, phê chuẩn 2 Hiệp định và đàm phán 4 Hiệp định khác, trở thành một mắt xích ngày càng quan trọng của mạng lưới liên kết kinh tế khu vực, toàn cầu. Chúng ta có quan hệ thương mại với 230 quốc gia, vùng, lãnh thổ, trong đó có 70 thị trường có quan hệ thương mại trên 100 triệu USD, 25 mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đã có 24.000 dự án đầu tư nước ngoài với 320 tỷ USD đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam” người đứng đầu Chính phủ nói và cho biết: điều rất đáng mừng là dù vẫn còn tư tưởng sính ngoại nhưng người Việt Nam càng ngày càng ưa thích hàng Việt Nam, không chỉ rau, củ, quả chất lượng tốt mà các mặt hàng gia dụng khác Việt Nam làm chất lượng cũng tốt. Niềm tin vào thị trường Việt Nam là một trong những biểu hiện của nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Trả lời câu hỏi của đại biểu vì sao GDP quý I luôn thấp và năm 2018 liệu có tái diễn hay không, Thủ tướng cho biết, “Ở Việt Nam chúng ta bị một cái tật, đó là tháng giêng là tháng ăn chơi, quý I tăng thấp vì đủng đỉnh”. Chính phủ đã có rất nhiều cuộc họp chuyên đề để bàn những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng của tất cả 55 sản phẩm, mặt hàng chứ không không chỉ có 25 mặt hàng có giá trị lớn để xử lý những vấn đề cụ thể. Cho nên quý II, quý III và đặc biệt là quý IV sôi động hẳn lên về tình hình sản xuất kinh doanh. Có thể nói là tăng trưởng quý III bằng cả 2 quý cộng lại. Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang cố gắng khắc phục tình trạng đầu năm thư thả, cuối năm vất vả để triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 một cách chủ động hơn.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng thể hiện sự ưu tư vì tinh thần hành động quyết liệt đã được thể hiện rõ trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, nhưng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, thờ ơ, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên. Vì thế, ông cho rằng câu hỏi Thủ tướng có hài lòng về kết quả điều hành kinh tế - xã hội không là câu hỏi rất “hóc búa” và câu trả lời thẳng thắn là chưa hài lòng. “Chúng ta phải làm tốt hơn nữa, phải đồng bộ hơn nữa và trách nhiệm hơn nữa, kết quả sẽ tốt hơn. Nếu mọi cán bộ, đảng viên của chúng ta trên mọi miền của Tổ quốc làm hết sức mình thì chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn”, Thủ tướng khẳng định.
Liên quan các câu hỏi đề cập đến vấn đề phân cấp, phân quyền giữa các cơ quan trong bộ máy hành chính Nhà nước, vấn đề xác định trách nhiệm giữa tập thể và cá nhân, Thủ tướng cho biết đã được bàn và đưa ra nhiều giải pháp trong nhiều năm nay, song, việc phân định trách nhiệm, quyền hạn của từng cấp chính quyền, của từng cá nhân trong hoạt động thực tiễn lại rất nhiều vấn đề. Hình ảnh Phó Chủ tịch quận phải xắn tay đi dẹp việc lấn chiếm vỉa hè, những việc cấp huyện, cấp xã phải có ý kiến của Thủ tướng mới được giải quyết dứt điểm xảy ra không hiếm. Giải pháp chúng ta đã đưa ra nhiều, nhưng việc xử lý nghiêm trách nhiệm các cá nhân đứng đầu cần kịp thời hơn để làm rõ trách nhiệm cá nhân trong xử lý giải quyết công việc được giao. Chính phủ sẽ trình Quốc hội việc phân cấp giao quyền cho các cơ quan Trung ương, địa phương cấp tỉnh phải làm gì, cấp huyện, cấp xã rõ hơn để triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Trăn trở lớn nhất là tụt hậu và suy thoái đạo đức, tư tưởng Trả lời đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) về nội dung Thủ tướng thấy trăn trở lớn nhất của mình về đất nước hiện nay là gì?. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ lâu, Đảng ta đã nhận định, tụt hậu là một; diễn biến hòa bình là hai; tham nhũng là ba. Gần đây, đáng lo lắng hơn cả là sự suy thoái đạo đức, tư tưởng trong cán bộ đảng viên. Vấn đề đặt ra là phải tiếp tục kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ nhân dân, để cả bộ máy của chúng ta chung ý chí, đồng lòng phục vụ nhân dân. |