Hợp tác phát triển đô thị
Khu đô thị kiểu mẫu bên sông Hàn | |
Sắp mở bán đợt 1 căn hộ Monarchy B Đà Nẵng - Ngọc sáng sông Hàn | |
Cơ hội nhận cam kết lợi nhuận 40% từ Luxury Apartment Đà Nẵng |
Hỗ trợ từ Nhật Bản
Những năm gần đây, TP. Đà Nẵng nổi lên là một địa phương có tốc độ phát triển đô thị nhanh nhất nhì của cả nước. Đến nay, thành phố đã lập quy hoạch chi tiết 1.650 đồ án với tổng diện tích đất phê duyệt khoảng 24.500 ha. Trong đó, Đà Nẵng đang chú trọng phát triển đô thị theo các hướng Tây Bắc, Đông Nam, Tây Nam… Tuy nhiên, bên cạnh việc tốc độ đô thị hóa khá nhanh cũng đã để lại những bất cập trong việc phát triển đô thị một cách bền vững ở địa phương. Trong đó, nổi lên là việc quy hoạch đô thị chưa bắt kịp với nhịp phát triển, bên cạnh vấn đề ô nhiễm môi trường…
Đà Nẵng đang chú trọng phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường |
Để phát triển đô thị một cách bền vững, một trong những giải pháp đã được TP. Đà Nẵng chú trọng thực hiện đó là tăng cường sự hợp tác với các địa phương cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, từ năm 2013 TP. Yokohama (Nhật Bản) đã tích cực hỗ trợ Đà Nẵng quy hoạch, định hướng phát triển và thực hiện một số dự án chiến lược.
Cụ thể, chính quyền TP. Yokohama đã đề xuất với JICA và Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho Đà Nẵng các dự án như: nghiên cứu phát triển dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, hỗ trợ thực hiện dự án quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy việc phân loại và tái chế rác thải tại Đà Nẵng, hỗ trợ mua sắm máy bơm hiệu suất cao cho Công ty Cấp nước Đà Nẵng bằng nguồn vốn Cơ chế tín chỉ chung JCM…
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, trong mối quan hệ hợp tác phát triển giữa hai thành phố từ năm 2013 đến nay, TP. Yokohama đã tích cực giúp đỡ, hỗ trợ Đà Nẵng quy hoạch, định hướng phát triển và thực hiện một số dự án chiến lược, góp phần phát triển đô thị bền vững trên địa bàn.
Được biết, đến nay TP. Yokohama đã xây dựng nhiều dự án chính trong giai đoạn tăng trưởng đô thị nhanh, cũng như những sáng kiến về môi trường giúp tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ thiên nhiên…
Chia sẻ những kinh nghiệm phát triển đô thị với TP. Đà Nẵng, ông Toru Hashimoto, Giám đốc điều hành Cục Hợp tác phát triển TP. Yokohama cho biết, từ những kinh nghiệm của Yokohama, hy vọng sẽ giúp Đà Nẵng xây dựng được những kế hoạch phát triển đô thị bền vững. Trên thực tế, thời gian qua giữa hai thành phố đã có sự gắn bó, hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị và là nền tảng cho hợp tác phát triển bền vững giữa hai địa phương cả trong hiện tại và tương lai.
Mới đây, TP. Đà Nẵng và TP. Yokohama tiếp tục phối hợp tổ chức “Diễn đàn phát triển đô thị lần thứ 7”. Sự kiện này tiếp nối các nội dung thảo luận tại các diễn đàn phát triển đô thị trước đây giữa hai bên.
Tại diễn đàn, TP. Đà Nẵng cũng đã kêu gọi các nhà đầu tư đến từ xứ sở hoa anh đào và TP. Yokohama nói riêng quan tâm đầu tư vào các dự án tiềm năng trên địa bàn. Trong đó, cốt lõi là vẫn tập trung vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng như, dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu; Di dời ga đường sắt và tái thiết đô thị; Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn; cải thiện môi trường nước; Dự án phát triển cảng cá Thọ Quang; Phát triển giao thông phi cơ giới và ứng dụng hệ thống thông minh trong quản lý điều hành giao thông đặc biệt là dự án tàu điện kết nối giữa TP. Đà Nẵng và Hội An.
Thân thiện với môi trường
Như đã nói ở trên, tại “Diễn đàn phát triển đô thị lần thứ 7”, vừa mới tổ chức tại Đà Nẵng, nhiều chủ đề được đưa ra đó là việc Yokohama tiếp tục có những hỗ trợ Đà Nẵng phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường.
Tại diễn đàn, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, diễn đàn lần này đề cập đến những vấn đề rất quan trọng trong định hướng phát triển Đà Nẵng cũng như giải bài toán mà thành phố đang phải đối mặt trong thời gian tới, như tiết kiệm năng lượng mới trong các tòa nhà, phát triển các khu công nghiệp mới, quản lý tốt chất thải rắn, quy hoạch phát triển khu vực cảng cá Thọ Quang theo hướng thân thiện với môi trường và phát triển dịch vụ du lịch.
Hiện, tại TP. Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước Đà Nẵng đang phải đối mặt với vấn đề chất thải rắn tăng nhanh. Theo số liệu từ các cơ quan chức năng địa phương, Đà Nẵng đang phải đối mặt với vấn đề chất thải rắn tăng nhanh. Cụ thể, từ 780-800 tấn/ngày vào năm 2016, năm 2017 tăng lên đến 900-930 tấn/ngày. Trong khi, dự kiến bãi rác Khánh Sơn, nằm trên địa bàn quận Liên Chiểu sẽ quá tải vào năm 2020. Ngoài ra, tỷ lệ phân loại và tái chế rác tại Đà Nẵng hiện cũng rất thấp, chỉ đạt 1-2%...
Được biết, hỗ trợ cho Đà Nẵng trong việc xử lý chất thải rắn TP. Yokohama đang cùng với Tổ chức JICA, các DN xúc tiến chương trình phân loại và xử lý rác thải ở địa phương. Với sự phối hợp của JICA và Yokohama, Đà Nẵng đang thí điểm chương trình phân loại rác tại nguồn tại các phường Thạch Thang và Thuận Phước (quận Hải Châu). Sau đó, sẽ tiếp tục nhân rộng ra các địa phương khác ở trên địa bàn quận Thanh Khê và Sơn Trà. Bên cạnh đó, sẽ triển khai dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn với mục tiêu có thể xử lý từ 1.000 đến 1.500 tấn/ngày.
Ngoài việc xử lý chất thải rắn đối với quy hoạch phát triển cảng cá Thọ Quang, đây là một trong những dự án trọng điểm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng ý chủ trương thực hiện.
Theo đó, Đà Nẵng dự kiến sẽ xây dựng cảng cá này trở thành trung tâm nghề cá hiện đại, gắn với việc phát triển du lịch như mô hình các nước trong khu vực đã thực hiện. Với dự án này, TP. Đà Nẵng mong muốn chính quyền TP. Yokohama sẽ chia sẻ kinh nghiệm về quy hoạch cảng cá.
Tương tự, đối với việc quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp, Đà Nẵng đang định hướng đầu tư các khu công nghiệp mới như khu công nghiệp Hoà Cầm giai đoạn 2, khu công nghiệp Hoà Nhơn, khu công nghiệp Hoà Ninh theo tiêu chí đồng bộ, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Địa phương cũng hy vọng sẽ tiếp thu những đề xuất từ Yokohama để phát triển các khu công nghiệp theo hướng cạnh tranh, hiệu quả…