HPG có “miễn nhiễm” với biến động giá vật liệu?
Chứng khoán chiều 11/10: HPG bất ngờ tăng kịch trần nhờ thông tin tích cực | |
Vật liệu xanh loay hoay tìm thị trường |
Ảnh minh họa |
Trong khi giá quặng sắt và thép phế chỉ tăng trên 10% trong vòng 1 năm, giá nguyên liệu sản xuất than cốc đã tăng trên 180% so với cùng kỳ. Do chiến lược cắt giảm sản lượng thép của Trung Quốc, kể từ tháng 4/2016, các mỏ than cốc tại nước này buộc phải rút ngắn số ngày hoạt động trong năm, thiếu hụt nguồn cung dẫn tới giá than cứng (nguyên liệu chính để sản xuất than cốc) tăng 130% chỉ trong 3 tháng gần nhất, từ 95 USD/tấn lên 226 USD/tấn.
Nhiều nhà đầu tư trên sàn chứng khoán lo ngại rằng việc giá than cứng tăng mạnh trong thời gian rất ngắn sẽ đội giá thành sản xuất của Hòa Phát (HPG) - nhà sản xuất thép từ lò cao lớn nhất thị trường nội địa, bởi nguyên liệu này đã chiếm tới 30% giá thành sản xuất thép dài.
Tuy nhiên, đối với HPG, báo cáo tài chính quý II đã cho thấy khoản hàng tồn kho nguyên vật liệu và hàng mua đi đường tăng 1.473 tỷ đồng so với cuối quý I/2016, là tín hiệu cho thấy DN đã trữ đủ nguyên liệu để sản xuất cho phần còn lại của năm 2016 (đã bao gồm cả nguyên vật liệu cho giai đoạn của KLH mới hoạt động trong quý 2/2016).
Như vậy mức biên gộp 25,9% trong nửa đầu năm của Hoà Phát có thể được kỳ vọng sẽ duy trì cho tới cuối năm 2016, trong tình hình giá bán ổn định quanh mức 9,5 triệu đồng/tấn (chưa VAT). Mức lợi nhuận năm 2016 của HPG đã coi như “miễn nhiễm” với diễn biến giá nguyên vật liệu thế giới.
Tuy nhiên, có một điểm mà giới phân tích cần lưu ý đối với nhà đầu tư là việc giữ được giá vốn ổn định trong suốt nửa năm cũng đồng nghĩa với việc đối mặt với một cú sốc lớn về giá vốn trong năm sau, bởi HPG sẽ phải mua nguyên liệu với giá cao hơn đáng kể, bởi cả quặng sắt và than cứng, hai nguyên liệu chiếm tổng cộng gần một nửa giá thành sản xuất thép xây dựng đều đã tăng giá rất mạnh.
Nếu giá bán không tăng tương ứng, lợi nhuận năm 2017 của HPG sẽ chịu mức biên gộp bất lợi đáng kể so với cùng kỳ. Tính toán sơ lược của RongViet Research cho thấy, nếu giá quặng sắt và than cứng năm tới không giảm so với hiện tại (quặng sắt 60 USD/tấn, than cứng 226 USD/tấn, các yếu tố khác giữ nguyên dự phóng), biên gộp năm 2017 của HPG sẽ chỉ còn chưa tới 19%, sụt mạnh so với mức gần 26% của 6 tháng 2016.
Như vậy khi giá các nguyên liệu đều tăng mạnh, Hoà Phát và Thép Thái Nguyên (TIS- UpCom), hai DN sử dụng công nghệ lò cao sẽ mất một phần lớn về sức cạnh tranh giá vốn đối với, DNY, POM, TLH, TVN và VIS,các DN dùng công nghệ lò điện. Theo ước tính của RongViet Research, khoảng cách về giá vốn giữa hai công nghệ sẽ được thu hẹp lại so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, các lò cao vẫn sẽ có ưu thế tuyệt đối về giá vốn, bởi giá thép phế cũng đã tăng mạnh. Nhìn vào diễn biến biên gộp theo quý, có thể thấy rằng HPG trong giả định tiêu cực nhất vẫn có thể hoạt động hiệu quả hơn hầu hết các DN cùng ngành…